Những người tiên phong trong hành trình đổi mới- Kỳ 2: Kế thừa và thoát hiểm

19/01/2016 06:48 GMT+7

Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị được ban hành sau đó là xuất phát từ thực tiễn thành công làm “khoán chui" của thành phố Hải Phòng.

Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị được ban hành sau đó là xuất phát từ thực tiễn thành công làm “khoán chui" của thành phố Hải Phòng.

Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành (trái) đang nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với lãnh đạo địa phương.Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành (trái) đang nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với lãnh đạo địa phương.
Gần 20 năm sau Vĩnh Phúc làm “khoán hộ”, đến lượt Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Đoàn Duy Thành tiếp bước Bí thư Kim Ngọc trên con đường thử nghiệm, nhưng lần này kết quả là Đảng đã nghiêm túc nhìn lại, dẫn đến Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị “cởi trói” cho nông nghiệp. Đó là cả một chặng đường dài, là “đêm trước của Đổi mới".
Hải Phòng là một thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, có rất nhiều lợi thế so với các địa phương, vậy mà đời sống của người dân vẫn nghèo. Đó là điều khiến người đứng đầu thành phố này trăn trở, mày mò một hướng đi riêng.
Bí thư Thành uỷ Đoàn Duy Thành đã cùng một số lãnh đạo chủ chốt Hải Phòng tìm cách tháo gỡ bằng cách khoán hộ, giao đất cho nông dân, ban đầu là ở Đồ Sơn. Trong bộ máy lãnh đạo, cũng có một số ít người ủng hộ ông Thành, số khác dè dặt xem chừng, nhưng nhiều người chống gay gắt và nêu ví dụ của Vĩnh Phúc năm xưa như một bài học phiêu lưu chính trị. Có lãnh đạo địa phương còn nói thẳng: “Nếu mà rào được thì tôi sẽ rào cả tỉnh tôi lại, để ngăn chặn “ngọn gió độc” từ Hải Phòng sang địa phương chúng tôi...”
Bí thư Đoàn Duy Thành đã âm thầm lặn lội xuống nông thôn, khảo sát đời sống nhân dân. Một bí thư xã nhiệt tình mời ông về nhà và “ngây thơ" báo cáo: “Tôi rất tự hào báo mà cáo với đồng chí Bí thư: trên 30 năm tham gia cách mạng, đến nay tôi cũng chỉ có một gian nhà tranh, vách đất và cái giường ba xà…” Không kiềm chế được, ông Thành nổi cáu: “Tôi tưởng đồng chí khoe với tôi là cả xã đều có nhà xây, có tiện nghi… và đồng chí cũng vậy thì mới đáng tự hào. Chứ hoà bình bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn nghèo như thế này là chúng ta dốt, ai còn theo chúng ta ?…” (hồi ký của ông Đoàn Duy Thành)
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị được ban hành sau đó là xuất phát từ thực tiễn thành công làm “khoán chui" của thành phố Hải Phòng. Và sâu xa, nó là sự tiếp thu, có kế thừa của "khoán hộ" do Bí thư Kim Ngọc năm nào khởi xướng.
Ngoài thành công trong thực hiện khoán nông nghiệp ở Hải Phòng và chuyện lấn biển, ông Đoàn Duy Thành còn đi đầu trong việc xây dựng đội tàu biển quốc tế, đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh nhất nước… Khi nền kinh tế bị lạm phát với tốc độ phi mã, ông Thành lại mang tiếng “xé rào" bởi ông là một trong những người đầu tiên đề ra chủ trương và thuyết phục từng vị trong Bộ Chính trị cho nhập khẩu vàng để bán kiếm lời, góp phần ổn định đồng tiền mất giá và tạo nguồn thu cho ngân sách đang rất khó khăn. Ông kể lại, khi đó chúng ta đã nhập được 160 tấn vàng, lãi hơn 1 tỉ USD, góp phần giảm lạm phát từ 780%/năm 1988, xuống còn 67% vào năm 1990.
Rất may, nhờ ngọn gió đổi mới, “tư duy nhà buôn" lại giúp ông Thành được Đảng, Chính phủ tín nhiệm giao trọng trách Bộ trưởng Ngoại thương. Tiếp sau đó , ông còn được Nhà nước tín nhiệm đưa lên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Phó Thủ tướng- NV).
Dấu ấn Võ Văn Kiệt
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tư duy của ông Đoàn Duy Thành là điểm sáng nổi bật so với lớp lãnh đạo địa phương miền Bắc hồi đó. Ở Nam Bộ, đó là Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Linh và người kế tục là ông Võ Văn Kiệt.
Sau khi được tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị, ông Võ Văn Kiệt được điều từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (đầu những năm 80). Chính ở giai đoạn này, ông Kiệt đã có dịp gần gũi với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh. Đây là cơ hội để ông thuyết phục ông Trường Chinh nên dành nhiều thời gian đi nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở. Tư duy đổi mới của ông Trường Chinh có lẽ cũng từ đó đã tạo một bước đột phá đến kinh ngạc, giúp ông đưa ra những quyết sách táo bạo để đổi mới kinh tế như sau này chúng ta đã biết.
Dấu ấn kinh tế mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại quả là rất nhiều, như công trình đường dây tải điện 500 kV, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh... Một lần ông Kiệt cho gọi tôi đến nhà công vụ ở phố Phan Đình Phùng, Hà Nội để ông bày tỏ quan điểm vì sao ông lại quyết tâm làm con đường Hồ Chí Minh khi đất nước đã hoà bình rồi. Ông bảo, với một đất nước quá dài như Việt Nam, bão, lũ, lụt thì quanh năm mà chỉ trông chờ vào một con đường độc đạo là quốc lộ 1A thì nguy lắm. Chưa nói đến chuyện chiến tranh xảy ra, chỉ cần bị lũ, lụt chia cắt thôi thì biết đi đường nào ? Đành rằng làm đường sẽ rất tốn kém nhưng phải nhìn xa một chút.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ở lĩnh vực đối ngoại, tuy không phải là nhà ngoại giao, nhưng di sản Võ Văn Kiệt để lại cũng rất đồ sộ. Sự kiện Việt Nam quyết định gia nhập khối ASEAN và bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ có dấu ấn cá nhân của ông rõ nét. Ông là người chịu lắng nghe và tranh luận rất cởi mở, dù người đó là ai. Những quyết định của ông Võ Văn Kiệt trong điều hành Chính phủ hay với tư cách là thành viên quan trọng của Bộ Chính trị luôn dựa trên những nền tảng tư duy, lý luận mà ông tích lũy được sau khi lắng nghe, phân tích rất khoa học. Nhiều người coi ông là “lá chắn" luôn bảo vệ cho những cán bộ "xé rào". Điều đáng quý là ông hay bảo vệ những người mạnh dạn "xé rào" dù có thể chính ông cũng có lúc không được người có trách nhiệm cao nhất đồng thuận.
(Kỳ sau : Một lớp lãnh đạo kế thừa và sáng tạo )
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.