Những người tử tế - Bài 2: Xe cứu thương của "Hai lúa"

16/02/2009 23:22 GMT+7

2 giờ 45 phút. Cả nhà ông Tư Lầu bị dựng dậy bởi tiếng điện thoại reo inh ỏi. Đầu dây bên kia, giọng của anh thợ vá ruột xe thảng thốt: "Tai nạn giao thông gần đình Bình Mỹ. Ông Tư ơi! Tới mau cứu người". Nghe đọc bài

"Đội xe tức tốc"

Xe lăn bánh khi ông Lầu vừa kịp dụi mắt, mặc vội chiếc sơ mi cũ. Phút chốc, ông đã có mặt tại nơi người ta vừa khiêng từ chiếc ô tô ra những nạn nhân bê bết máu sau một vụ đụng xe kinh hoàng. Tai nạn đã làm cho 5 người chết, 7 người bị thương. Nhiều người nói nếu không có đội xe cấp cứu của ông Lầu và những người bạn đến kịp thời thì số người chết có lẽ đã không dừng lại ở đó...

Đó là một trong rất nhiều lần ông Nguyễn Ngọc Lầu (57 tuổi) ở ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang phải tức tốc rời nhà trong đêm để chạy đi cứu người. Gần 10 năm nay, số điện thoại của ông trở thành kênh gọi xe chuyển bệnh từ thiện. Ông Lầu nhớ như in, chừng ấy thời gian, đã có 1.667 lần ông lái xe chuyển bệnh giúp người nghèo, hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ông Lầu, ở nhiều nơi trong tỉnh An Giang, có hàng chục số điện thoại như thế luôn túc trực giúp người mỗi khi ai có việc cần đến.

Trưa nắng như đổ lửa, ông chủ cửa hàng mua bán vỏ xe hơi Trần Phước Khiêm phóng chiếc Hyundai biển số 67L-0204 từ thành phố Long Xuyên đến cơ sở trị bệnh từ thiện ở ấp Bình Quới, xã Bình Thạnh Đông, huyện Tân Phú (An Giang). Trên phà Năng Gù, anh Khiêm hồi hộp "đến phòng thuốc thì một là chở người bệnh, hai là chở người… sắp chết về quê". Lúc nãy, chú Bảy Phước, chủ xe cấp cứu từ thiện ở phường Mỹ Phước cho anh biết có người gọi điện đến nhờ chở bệnh về Bến Tre, nghe vậy anh vội vã đi chứ không kịp hỏi gì thêm. Tới nơi, anh Khiêm thở phào khi thấy bệnh nhân đi từng bước yếu ớt ra xe. Người cần giúp đỡ là ông Nguyễn Thanh Tâm (51 tuổi), bị bệnh gan được trị miễn phí bằng thuốc nam, đã thuyên giảm, nhưng còn yếu. Nhà nghèo, không tiền bao xe về đến tận xã Thành Thới B, Mỏ Cày, Bến Tre. Thấy hoàn cảnh đáng thương, ông Năm Ẩn, lương y trị bệnh cho ông Tâm đã gọi nhờ xe chở bệnh ở ông Bảy Phước. Lúc đợi người nhà lui cui mang vật dụng của người bệnh lên xe, anh Khiêm tâm sự: "Lái xe chở người khỏi bệnh mình thấy nhẹ nhõm lắm, còn gặp trường hợp người chết hoặc hấp hối phải đưa về quê thì trong lòng mình như bị đè nặng".

Trên con lộ đất đá, bụi đỏ mù mịt, khi xe chở ông Tâm vừa lăn bánh thì xe từ thiện của Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hòa (H.Phú Tân) chạy đến. Cầm tay lái là lương y Trần Văn Khoa. Chỉ về chiếc quan tài phía sau xe, ông Khoa nói ông vừa xin được cho một người nghèo mới qua đời, bây giờ phải chở đến tận nhà để kịp tẩn liệm. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, một người dân sống ở gần đó cho biết cách không xa có một trại hòm từ thiện. Người dân khắp nơi ai có gỗ thì cho gỗ, ai có nghề mộc thì đến góp công. Người nghèo gặp tang sự cứ đến, hòm được cho không, xe đưa đến tận nhà…

Bán phế liệu để mua... ô tô

 

Anh Trần Phước Khiêm giúp một người bệnh lên xe - Ảnh: T.Trình

Kêu thằng con trai kéo tấm nhựa đậy chiếc xe lôi đậu bên hè nhà, ông Đặng Văn Xơi (Bảy Xơi) ấp Phú Lợi, xã Phú Lâm, Phú Tân xuýt xoa: "Tôi không nhớ hết nó đã chở bao nhiêu người bệnh, nhưng nhiều lắm cháu à!". Chứng kiến nhiều cảnh người nghèo đau yếu không tiền đi bệnh viện, thuê xe thì túi tiền ít ỏi không thể kham, đến khi tới thầy thuốc thì đã trở tay không còn kịp nữa. Cho nên ý tưởng mua xe chở bệnh khi được ông Bảy Xơi nói ra liền được ủng hộ từ đầu trên xóm dưới, người làm ruộng, làm rẫy, chị bán hàng rong, anh thầy giáo… người có tiền góp vài trăm, người ít tiền góp dăm ba chục ngàn. Cuối cùng nhóm ông Bảy Xơi cũng gom được 10 triệu để mua chiếc xe lôi máy, làm mui che thành xe cứu thương. Ông Bảy Xơi kể, thằng Kha Ly nhà ông hồi mới học lớp 5 đã biết lái xe lôi chở bệnh. Nhiều lúc đang học mà có người nhờ, nó phải đến trường xin phép nghỉ học để chạy xe cứu người. Ông nói, thằng nhóc nhà ông ăn chưa no, lo chưa tới nhưng hễ gặp chuyện là nó nhanh như sóc. Nhiều khi nửa đêm người ta đến nhờ, cỡ nào nó cũng bật dậy chạy đi.

Sau xã Phú Lâm có xe lôi cứu thương, nhiều xã khác lân cận như Phú Thạnh, Long Sơn, Phú An, Phú Thứ… người dân cũng góp tiền mua xe giúp người. Đội xe lôi cứu thương một thời chạy khắp ngõ ngách xóm làng để đưa bệnh nhân từ trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh… cho đến khi lệnh cấm xe lôi lưu hành. Ông Bảy Xơi nói ông "đuối" thật sự. Xe thì có thể chờ mua, nhưng bệnh tật thì đâu thể chờ. Biết chuyện, một người quen nói với ông Bảy có một chiếc xe ở chợ Phú Tân, chủ muốn bán, bảo ông ra hỏi thử. Không một đồng dính túi, vậy mà ông Bảy Xơi lại mon men ra chợ hỏi giá… ô tô. Thấy ông Bảy thành ý, chủ xe không phân vân "nếu ông mua để làm từ thiện, tui bán rẻ. Chiếc Hyundai giá 27 triệu, coi như vừa bán vừa cho". Ông Bảy nói nghe bán rẻ ông mừng, nhưng thú thật ông không nghĩ ra ở đâu được số tiền đó để mua.

Trở về, ông lục lạo khắp nơi trong nhà kiếm sắt vụn bỏ ra từ những máy bào chế thuốc cũ bán để phế liệu, được 2 triệu 9. Không thấm vào đâu, ông phải chạy ra chợ nhờ anh Khanh tài xế hỏi vay giúp. Anh Khanh mang đến được 5 triệu. Với số tiền trên 7 triệu, ông Bảy Xơi rụt rè đi mua ô tô. Gần 20 triệu còn lại ông hẹn sẽ trả sau. Vậy mà người ta cũng vui vẻ cho ông mang xe về. Nghe tin, xóm giềng gần xa chạy  lại, cảm động, họ gom góp được 5 triệu để ông trả nợ tiền vay. Nhưng thời hạn trả nợ cho chủ xe đã tới mà vẫn không tìm đâu ra tiền, ông Bảy Xơi đánh bạo lên nói chuyện với chủ tịch xã. Nghe trình bày, ông Chủ tịch xã Phú Lâm đồng ý ký văn bản để ông Bảy đi quyên góp tiền trả nợ mua xe. Gần 2 tháng rong ruổi vận động, cuối cùng những người hảo tâm cũng gom đủ tiền để có được chiếc xe chở bệnh.

Ông Bảy khoe, tới giờ đã có 3 tài xế thay phiên nhau lái xe chở bệnh, ngoài chú Ba Sơn lái xe chuyên nghiệp còn có anh Được thợ lái máy cày, kể cả thằng Kha Ly cũng đủ tuổi học lái xe. Khi cần, người này bận thì người khác túc trực làm phước…

Trên nhiều vùng quê ở An Giang, càng ngày càng có nhiều chuyến xe chở đầy "lòng tốt" như thế.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.