Những người xông vào lửa (Bài 1)

24/02/2010 18:40 GMT+7

Trong cơn hỏa hoạn, những người khác tìm cách thoát ra ngoài còn họ thì lao vào đối mặt với ngọn lửa để giành lại tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Bài 1: “Xáp lá cà”

0 giờ 53 phút ngày 3.1, tiếng còi báo động của Phòng Cảnh sát PC&CC Q.8 vang lên dồn dập. Các chiến sĩ đang chìm trong giấc ngủ bỗng bật dậy như chiếc lò xo. Chưa đầy 1 phút sau, tất cả đã lên đường...

Đám cháy xảy ra tại kho 2574 thuộc Công ty cổ phần bột mì Bình An trên đường Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8 (TP.HCM). Nhận được tin báo cháy, Phòng Cảnh sát PC&CC Q.8 xuất 4 xe chở nước, 1 xe chỉ huy, 1 xe chở máy bơm cùng 34 cán bộ chiến sĩ do thượng tá Đỗ Văn Hiền chỉ huy lập tức lên đường. Trên đường đi, vị chỉ huy quan sát thấy những cột khói cuồn cuộn dựng đứng lên nên xác định đây là một vụ cháy lớn, lập tức báo cáo về trung tâm và yêu cầu được chi viện.

Chiến đấu nghẹt thở

Đúng 1 giờ, 6 chiếc xe của Phòng Cảnh sát PC&CC Q.8 tới hiện trường. Xe chưa kịp dừng hẳn, 3 trinh sát nhảy xuống đất cầm đèn pin lao vào đám cháy để kiểm tra chất gây cháy, điểm phát lửa và tìm kiếm nạn nhân. Bên ngoài, vị chỉ huy quan sát cho triển khai 2 lăng A, 6 lăng B và 2 đường vòi tiếp nước để ngăn chặn đám cháy lan sang khu dân cư. Khi trinh sát báo cáo không có nạn nhân trong đám cháy, các vị trí chiến đấu bắt đầu tấn công ồ ạt. Nước từ các lăng phun lên trắng xóa như một cơn mưa khổng lồ trùm lên đám cháy. Nhưng ngọn lửa vẫn cứ chồm lên một cách hung hãn. Từng cột khói đen bốc lên cuồn cuộn, lửa sáng rực cả một vùng trời. Chiến sĩ Huỳnh Tấn Hùng chiến đấu ở vị trí số 1, cầm lăng A, di chuyển liên tục trong khoảng cách 3 - 5m. Những tia lửa nóng rát táp vào mặt, vào người làm cho hình ảnh anh trở nên rõ nét trong đêm tối.

Chuyện các chiến sĩ phải uống nước bẩn trong lúc chữa cháy thường xuyên diễn ra. Khi làm nhiệm vụ, lửa hừng hực, rất nóng khiến các chiến sĩ dễ khát nước. Những người cầm lăng lúc đó sẵn vòi liền ghé miệng uống vài ngụm cho đỡ khát. Tuy nhiên khi dập xong lửa, nhìn lại nước vừa uống ai cũng rùng mình. Nhưng lần sau khát quá thì cũng phải làm như vậy để có sức mà chiến đấu.

Lúc này, gió bắt đầu chuyển hướng. Chỉ huy Hiền ra lệnh quay mũi “tấn công” cho thuận chiều gió. Và trong nháy mắt, lực lượng chi viện của Phòng Cảnh sát PC&CC Q.6 đã có mặt gồm 29 cán bộ chiến sĩ, 2 xe nước, 1 xe vòi, 1 xe chỉ huy và triển khai 4 lăng B, 1 đường vòi tiếp nước. Lực lượng chi viện từ Q.1, Q.4. Q.3 cũng lần lượt có mặt và triển khai đội hình mạnh nhất để có thể dập lửa trong thời gian nhanh nhất. Nhưng vì địa hình của đám cháy tiếp giáp ngay sông nên chỉ huy Hiền báo cáo về trung tâm yêu cầu Phòng Cảnh sát PC&CC trên sông chi viện thêm. Lập tức 3 ca nô, 1 tàu chữa cháy có mặt tại hiện trường và triển khai 1 lăng giá, 6 lăng A, 2 lăng B. Lúc này toàn bộ lực lượng triển khai hành động đồng loạt, mãi đến 3 giờ, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

 
Chiến đấu với ngọn lửa tại kho của Công ty cổ phần bột mì Bình An - Ảnh: Ngọc Thọ

Dẻo dai, khỏe mạnh, chịu đói và...

Chúng tôi gặp chiến sĩ Huỳnh Tấn Hùng vào buổi chiều sau đêm xảy ra vụ cháy. Thật ngạc nhiên, anh và đồng đội vẫn luyện tập bình thường như đêm qua không hề có chuyện gì xảy ra. Trước thắc mắc của chúng tôi, anh chỉ cười bảo rằng: “Chúng tôi là lính cứu hỏa mà”.

Hùng đang là lính nghĩa vụ. Vị trí của anh trong đội hình chữa cháy luân phiên ở số 1 và số 2. Vị trí số 1 là cầm lăng A với lượng nước 7 lít/giây, còn vị trí số 2 cầm lăng B với lượng nước 3,5 lít nước/giây. Lăng có trọng lượng khá lớn, khi tiếp nước vào, nó nặng gấp nhiều lần. Vì thế, chiến sĩ cầm lăng phải có cánh tay dẻo dai, khỏe mạnh. Trong vụ cháy tại kho bột mì nói trên, Huỳnh Tấn Hùng cầm lăng 2 tiếng đồng hồ. Anh bảo thời gian như thế còn ít, có khi cháy lớn, cầm lăng đến 5 tiếng. Ngay lúc đó không thấy mỏi nhưng khi về mới thấy đau nhức cả hai vai. Khoảng cách của người cầm lăng A với ngọn lửa là từ 3 - 4m, một trong những vị trí nguy hiểm nhất trong đội hình chữa cháy. Vì thế ở vị trí này các chiến sĩ thường xuyên phải thay đổi luân phiên.

Còn thượng tá Đỗ Văn Hiền thì thuộc vào hàng “lão tướng” trong lực lượng chữa cháy tại TP.HCM. Anh vào ngành năm 1977. Trước khi nhận nhiệm vụ tại Q.8, anh là Đội phó Đội PCCC Q.6. Hơn 30 năm trong nghề, anh đã trải qua biết bao kỷ niệm buồn vui, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Lần đó, 3 giờ sáng thì nhận được tin cháy cơ sở làm nhang ở P.8, Q.6. Anh là người chỉ huy trực tiếp. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau thì ngọn lửa cơ bản đã bị khống chế. Thấy các chiến sĩ cầm lăng trong thời gian dài có vẻ đã mỏi tay, anh và 2 cán bộ địa phương vào cầm lăng phụ. Nhưng ngay lúc đó, bức tường bị thấm nước đổ ập xuống, vùi 3 người đến tận cổ. Mãi một lúc sau lực lượng cứu hộ mới đào được 3 người lên. Cũng may lần đó anh chỉ bị gãy chân.

Một tai nạn nữa mà giờ nghĩ lại, thượng tá Hiền vẫn cảm thấy thót tim. Đó là lần chi viện cho một vụ cháy ở Q.11, 4 xe chữa cháy hú còi, đang chạy với tốc độ cực nhanh thì gặp một nhóm học sinh đạp xe ngược chiều. Chiến sĩ lái xe phải thắng gấp, lập tức xe lật và lăn một vòng trên đường. Trên xe lúc đó có 6 chiến sĩ. Theo kinh nghiệm “điều binh”, chỉ huy Hiền liền gọi bộ đàm yêu cầu anh em phải thoát nhanh ra ngoài và yêu cầu người đi đường hãy tránh xa khu vực xe bị lật. Vì đó là loại xe Jin đời cũ, chạy bằng xăng, khi bị va chạm mạnh sẽ lập tức nổ tung. 6 chiến sĩ nhanh chóng thoát được ra ngoài và lực lượng chữa cháy cũng sẵn sàng để nếu xe nổ sẽ giải quyết kịp thời. Nhưng rất may, xe vẫn được bảo toàn.

Ngoài ra còn một kỷ niệm mà khi nhớ lại thượng tá Hiền muốn rơi nước mắt. Lần đó, lực lượng Phòng Cảnh sát PC&CC Q.8 chi viện cho vụ cháy tại Q.Bình Tân. Chữa cháy từ 3 giờ sáng đến 6 giờ mới dập tắt được ngọn lửa. Người dân thấy lính chữa cháy làm việc cực khổ liền huy động nhau đi mua bánh mì, bánh bao để cán bộ chiến sĩ ăn sáng. Khi lên xe mỗi người ăn một cái. Xe chưa kịp về đến đơn vị thì các chiến sĩ đã ôm bụng la đau, nôn thốc nôn tháo. Xe cứu hỏa phải tăng tốc chở các chiến sĩ đến thẳng Bệnh viện 30.4. Một tuần sau họ mới được xuất viện. Thượng tá Hiền bảo qua vụ đó cảm thấy thương anh em vô cùng. Những lúc làm nhiệm vụ khát đến cháy cổ, đói rụng rời cả chân tay nhưng cũng phải ra sức mà chiến đấu. Khi làm xong nhiệm vụ, dân thương tình mua đồ ăn thì chỉ huy cho phép anh em mới nhận. Nhưng không ngờ lần đó các chiến sĩ bị ngộ độc thực phẩm, khiến lãnh đạo phòng một phen hú vía.

Bảo Thiên - Hoàng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.