Những nhà sáng chế không bằng cấp: Nhà văn đam mê kỹ thuật

15/08/2009 00:40 GMT+7

Là một nhà văn nhưng ông đã sáng chế ra hơn 300 mạch điện ứng dụng, và mới đây nhất là phát kiến làm phong điện từ... thùng phuy.

Từ những sản phẩm cho người nghèo...

Nhà văn Đặng Hồng Quang sinh năm 1951, tên thật là Đặng Hữu Xướng. Ông  được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM từ năm 1997. Có những tác phẩm đã xuất bản hay đăng tải nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng như tập truyện ngắn Mối tình đầu; truyện ngắn Thằng người gỗ, Cô gái vùng chiến tuyến được Báo Văn nghệ chọn vào tuyển tập 30 năm truyện ngắn TP Hồ Chí Minh (1975- 2005).  Mới đây, ông cũng vừa ra tập truyện ngắn mang tựa đề 11 truyện ngắn của Đặng Hồng Quang. Là nhà văn nhưng lại rất đam mê nghiên cứu  kỹ thuật, như ông thường nói: “Văn là máu, kỹ thuật là thịt, thiếu một trong hai thì tôi... khó sống”. Ông đã thiết kế hơn 300 mạch điện tử ứng dụng, đạt 2 giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM trong năm 1991 và 2001, giải Cây bút vàng của Báo Khoa học phổ thông năm 2002.

Cách đây 6 năm, Thanh Niên từng có bài viết về ông với tựa đề “Ông mạch điện” và sản phẩm cho người nghèo. Khi ấy các sản phẩm của ông tự mày mò nghiên cứu làm ra rất được những người dân nghèo ở các tỉnh yêu thích bởi vừa rẻ, vừa bền. Sáu năm trôi qua, các sản phẩm của “ông mạch điện” vẫn giữ nguyên giá cũ cho dù vật giá có đang leo thang đến mức nào. Radio nghe trong một năm tốn chỉ một cục pin tiểu vẫn được bán giá khoảng 200 ngàn đồng. Máy chống trộm khu vực rộng chỉ phương hướng kẻ đột nhập, có thể bảo vệ được một khu vực chu vi tới 17 cây số, ông cũng lắp với giá từ 150 ngàn  (không chỉ phương hướng) đến 310 ngàn đồng (chỉ đủ 4 hướng). Còn nhớ sáu năm trước, ông thiết kế chiếc máy chống trộm cho khu vườn xoài gần 4 hec-ta của một nông dân ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai chỉ với giá 150 ngàn đồng. Đến giờ đây vẫn là sản phẩm đắt hàng nhất của ông, được cải tiến thêm khả năng phát hiện phương hướng kẻ trộm đột nhập, nhưng giá vẫn y như cũ.

...đến phong điện từ thùng phuy

 Ý tưởng cắt cánh chong chóng từ thùng phuy làm phong điện đến với ông Quang từ một lon nước ngọt. Ông kể: “Tháng 6.2008,  trên đường về quê, tôi vô tình  cầm lon nước ngọt lên xem và tiện tay  rạch những đường cắt  trên bề mặt của lon rồi buộc dây treo lên, gió thổi làm nó quay tít. Tôi nghĩ đến những cái thùng phuy to nếu cũng cắt cánh như vậy, khi quay sẽ tạo ra động năng lớn, và động năng ấy có thể biến thành điện năng”. Suốt 20 ngày suy nghĩ và thực hành các đường cắt trên mặt lon bia, cuối cùng ông Quang đã tìm ra cách tạo cánh trên bề mặt hình trụ rỗng một cách hiệu quả nhất . Ông nói: “Cách làm phong điện này khác với phong điện quy chuẩn hiện đang bán đại trà của nước ngoài.  Phong điện của tôi có thể lắp ráp ngay cả nơi có lượng gió và tốc độ gió nhỏ, cánh dạng như cánh buồm nên dễ khởi động ngay cả lúc gió yếu. Do chế tạo đơn giản theo kiểu cắt cánh trên bề mặt khối trụ rỗng và lại là loại phong điện trục đứng không cần bánh lái; cột dựng phong điện lên cũng đơn giản, chỉ cần chăng dây chôn đất không cần xây xi măng nên giá thành lắp ráp phong điện rẻ, chỉ khoảng 1 triệu đồng”.

Ông Quang bên chiếc phong điện tự thiết kế - ảnh: Đ.N.T

Đến nay, ông đã hướng dẫn thiết kế phong điện theo kiểu cắt cánh của mình cho nhiều nơi, tuy nhiên cánh quạt được làm từ thùng inox hay tôn thay cho ý tưởng ban đầu là cắt cánh quạt từ thùng phuy. Loại phong điện nhỏ với đường kính ống hình trụ từ 0,8m đến gần 2m đã lắp 2 cái ở TP.HCM, 1 cái ở Bình Dương và 1 cái làm từ thiện cho đồng bào dân tộc vùng núi chưa có điện ở Bình Phước. Loại phong điện trung bình có đường kính hình trụ chưa mở cánh quạt là 2,4m, chiều cao cũng 2,4m đã thiết kế và lắp đặt ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Loại tương đối lớn với đường kính hình trụ từ 2,5 đến 3,5m,  cánh cao 3,6m hiện đang lắp ở Củ Chi (TP.HCM), trên tầng 5 của một cao ốc ở quận 5, TP.HCM và một số nơi tại Nha Trang, Tuy Hòa (Phú Yên), Bình Thuận cũng đang chuẩn bị vật tư, vật liệu để chờ ông đến hướng dẫn thực hiện. Khả năng phát điện của các phong điện này tùy thuộc lượng gió to gió nhỏ khác nhau.

Nhà sáng chế nghèo

Không chỉ bán sản phẩm, ông còn nhiệt tình phổ biến các cách thức tạo sản phẩm, cách tạo các mạch điện ứng dụng qua trên 1.000 bài báo về kỹ thuật, điện tử in trên các báo và hơn 30 cuốn sách kỹ thuật do ông viết. Ông tâm sự: “Tôi tình nguyện làm người phổ biến kỹ thuật, hướng dẫn miễn phí các sáng chế, nghiên cứu của mình.  Hạnh phúc nhất với tôi là đã làm vui lòng cho những người ham hiểu biết khoa học kỹ thuật, đồng thời tôi cũng được học hỏi, hoặc được gợi ý thêm những ý tưởng mới từ những thắc mắc của họ”. Cũng vì tình cảm đó mà ông tuyên bố các sản phẩm của ông đều được bảo hành vĩnh viễn. Ông chân tình bày tỏ: “Có anh bạn bảo tôi điên vì điều ấy, nhưng tôi nghĩ, máy của tôi rất tốt, rất ít hư. Có người chưa từng gặp tôi, nhưng sẵn sàng gửi tiền qua bưu điện nhờ tôi ráp các máy. Sau đó tôi lại gửi sản phẩm qua bưu điện...”.

Chỉ mê nghiên cứu và viết văn, ông thừa nhận mình rất lạc hậu với kinh doanh: “Tôi nghĩ điều đó là một thiệt thòi nhưng không thay đổi được. Tôi cũng giống như người nông dân, chỉ biết trồng ra những sản phẩm tốt tươi, sau đó những người trung gian mới đưa nông sản về thành phố buôn bán. Vì mưu sinh, tôi từng đi làm “giám đốc thuê” cho một công ty kinh doanh về thương mại, nhưng tôi không thích và đã rời bỏ. Mới đây có người nói: Chú làm ra phong điện mà giá chỉ có hơn một triệu thì cháu muốn hợp tác kinh doanh cũng không được. Chú phải làm ra nó khoảng vài chục triệu, thật hoành tráng vào thì chú cháu mình mới có ăn chứ. Tôi chỉ cười...”.

Có lẽ chính tư tưởng đó đã làm ông luôn khó khăn trong cuộc sống. Sau bao nhiêu năm nghiên cứu, viết văn, đến giờ người ta thấy ông vẫn đi xe buýt  hay cọc cạch trên đường với chiếc xe đạp cũ...

Tố Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.