Những nội dung trọng tâm lấy ý kiến nhân dân trong luật Đất đai sửa đổi

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/12/2022 10:25 GMT+7

Chính phủ dự kiến 12 nội dung trọng tâm trong luật Đất đai sửa đổi lấy ý kiến nhân dân, tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị lựa chọn những vấn đề còn ý kiến khác nhau để nhân dân góp ý.

Đề nghị Chính phủ quan tâm 11 nhóm vấn đề lấy ý kiến nhân dân

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị lựa chọn những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật Đất đai để lấy ý kiến nhân dân

ngọc thắng

Về nội dung lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo luật và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Đồng thời, đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành luật Đất đai năm 2013, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về dự thảo luật.

Đối với các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ dự kiến 12 nội dung trọng tâm lấy ý kiến nhân dân trong luật Đất đai (phụ lục 3, quyết định của Thủ tướng).

Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc đưa vào danh mục các nội dung về: nguyên tắc áp dụng pháp luật; quyền và trách nhiệm của nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai; điều tiết nguồn thu đất đai.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, lựa chọn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, làm rõ các loại ý kiến, ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến, tạo cơ sở để nhân dân xem xét, góp ý.

Cụ thể, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm 11 nhóm vấn đề, gồm: chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại.

Nguyên tắc “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất; quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh.

Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất cũng là những nội dung cần được nhân dân cho ý kiến.

Việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.

Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; nguyên tắc và phương pháp định giá đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Báo cáo cũng cho hay, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung trọng tâm lấy ý kiến nhân dân là chế độ sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh có tính đặc thù, do đó, việc xem đây là nội dung trọng tâm để lấy ý kiến nhân dân khó khả thi.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị rà soát các nội dung được nêu trong phụ lục 3 để bảo đảm tính logic, phù hợp với bố cục của dự thảo luật.

Đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân

Về đối tượng lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân trong nước đã được quy định tượng đối cụ thể.

Tuy nhiên, với việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần được làm rõ hơn về cơ quan đầu mối tổ chức triển khai lấy ý kiến và tiếp nhận ý kiến, hình thức lấy ý kiến, cách thức thông tin, tuyên truyền để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tiếp cận được dự thảo luật và tài liệu có liên quan.

Về thời gian lấy ý kiến nhân dân, ông Thanh cho hay, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành thời gian lấy ý kiến nhân dân như quy định trong dự thảo nghị quyết, từ 3.1.2023 - 28.2.2023.

Tuy nhiên, một loại ý kiến thứ 2 đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15.3.2023. Lý do là bởi, thời gian lấy ý kiến nhân dân như dự kiến trùng với thời gian nghỉ tết Nguyên đán năm 2023, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một phiên họp riêng về dự án luật vào thời điểm sau ngày 20.4.2023, tương tự như phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia vào ngày 21.12.

Ông Thanh cho biết, 100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết 15.3.2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định thông qua dự thảo Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Đất đai sửa đổi tại phiên họp 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều nay 13.12.

Danh mục dự kiến 12 nhóm nội dung trọng tâm trong dự thảo luật Đất đai lấy ý kiến nhân dân của Chính phủ tại đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.