Những ông lớn công nghệ đang dần 'biến mất' khỏi thị trường

28/07/2016 14:44 GMT+7

Họ từng là biểu tượng trong ngành công nghệ cao, nhưng do những bước đi sai lầm trong hoạt động kinh doanh cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ đã buộc họ phải bán mình cho công ty khác.

Hôm 25.7, Verizon chính thức xác nhận mua lại Yahoo với giá 4,83 tỉ USD, kết thúc một triều đại biểu tượng internet một thời. Nhưng đó không phải là thương vụ bán mình duy nhất liên quan đến các ông lớn trong làng công nghệ. Chúng ta cùng điểm qua những thương vụ lớn đã được thực hiện.
Microsoft thâu tóm Nokia với giá 7,2 tỉ USD
Microsoft hoàn tất việc mua lại hãng điện thoại Phần Lan Nokia vào tháng 4.2014 với giá 7,2 tỉ USD. Đây được đánh giá là thương vụ mua lại công ty điện thoại lớn nhất trong lịch sử và tốn rất nhiều giấy mực.
Microsoft mua Nokia là thương vụ tốn rất nhiều giấy mực Ảnh: Reuters
Nokia từng được xem là tượng đài trong ngành công nghệ điện thoại di động với rất nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc đổi mới, đặc biệt sau khi iPhone của Apple xuất hiện vào năm 2007, đã khiến Nokia thất bại.
Mặc dù có nhiều nỗ lực vào thị trường smartphone, nhưng chuyển sang lựa chọn nền tảng Windows Phone thay vì một nền tảng như Android được xem là bước đi sai lầm của công ty. Đó là lý do vì sao 2011-2013 được xem là giai đoạn đen tối nhất của Nokia trước khi công ty phải bán mình cho Microsoft.
Tuy nhiên, có một tin vui là Nokia có thể sớm trở lại với thị trường smartphone bằng việc tung ra bộ đôi điện thoại Android vào nửa cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Theo tin đồn, đây là những smartphone cao cấp, có thiết kế vỏ nguyên khối kim loại, khả năng chống thấm nước và đặc biệt là chạy trên nền tảng Android.
Yahoo về tay Verizon với giá 4,83 tỉ USD
Trong khi Nokia là tượng đài trong ngành công nghệ điện thoại di động thì Yahoo lại từng là tượng đài trong các dịch vụ trực tuyến. Tuy nhiên, cũng như Nokia, Yahoo đã có những bước đi sai lầm trong chiến lược kinh doanh khiến tình hình kinh doanh liên tục thua lỗ và rơi tự do.
Tượng đài internet một thời Yahoo chính thức rơi vào tay đại gia viễn thông Mỹ Ảnh: Reuters
Một trong những dịch vụ làm mưa làm gió một thời, đặc biệt tại Việt Nam, chính là Yahoo! Messenger, công cụ giúp mọi người trao đổi liên lạc tức thời qua internet. Ngoài ra, những dịch vụ như Yahoo! Blog 360 hay Flickr cũng rất được quan tâm.
Trước khi về tay Verizon, Yahoo đã được nhiều công ty công nghệ cao quan tâm như Microsoft hay Google. Trong số này, đáng chú ý là lời ngỏ từ Microsoft nhằm mua lại hoặc sáp nhập Yahoo với số tiền lên đến 44,6 tỉ USD vào năm 2008 nhưng đã bị Yahoo từ chối. 
Lenovo thâu tóm Motorola với giá 2,9 tỉ USD
Nằm trong kế hoạch tấn công ra thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Lenovo đã chi số tiền 2,91 tỉ USD để mua lại hãng điện thoại Motorola Mobility từ tay Google vào năm 2014, công ty đã chi số tiền 12,5 tỉ USD để sở hữu Motorola Mobility vào năm 2011.
Motorola từng là một bộ phận của Google trước khi rơi vào tay Lenovo Ảnh: AFP
Việc Motorola liên tục đổi chủ thực sự là một cái kết đáng buồn cho một tượng đài trong lịch sử ngành điện thoại di động. Cùng với Nokia, Motorola được cho là một trong những công ty đi tiên phong trong ngành công nghiệp điện thoại di động, với quãng thời gian hoạt động lên đến gần 90 năm.
Công ty được thành lập vào tháng 9.1928 này đã phát minh ra máy bộ đàm, máy nhắn tin và đặc biệt là tạo ra chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới mang tên DynaTAC 8000X vào năm 1983.
Foxconn mua Sharp với giá rẻ mạt
Là một trong những công ty lớn trong ngành công nghiệp truyền hình tại Nhật Bản, nhưng việc kinh doanh liên tục thua lỗ khiến Sharp phải tìm cách bán tài sản để giải quyết nợ nần sau rất nhiều nỗ lực bất thành.
Kinh doanh thua lỗ là lý do khiến Sharp buộc phải bán mình cho Foxconn Ảnh: AFP
Vào cuối tháng 3.2016, Foxconn chính thức sở hữu Sharp với giá 3,5 tỉ USD và được xem là thương vụ lớn đầu tiên của một hãng công nghệ nước ngoài mua lại công ty lớn của Nhật Bản. Mức giá này thấp hơn nhiều so với ước tính trước đó của giới chuyên môn khi cho rằng Foxconn sẽ chi ra khoảng 5,3 tỉ USD nếu muốn mua lại Sharp.
Sharp được thành lập vào năm 1912, nổi tiếng với các sản phẩm điện tử như lò vi sóng, TV, máy nghe nhạc, điện thoại di động... Nhiều khả năng Foxconn sẽ tiếp tục khai thác thương hiệu của Sharp để dễ dàng tiếp cận với người dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.