(TNO) Cơ quan điều tra nhận định, khó khăn lớn nhất trong việc phá án mua bán người sang nước ngoài bán dâm là bị hại thật hay giả. Do vậy, các cô gái là nạn nhân nên tìm mọi cách báo về cho gia đình, nhờ viết đơn gửi lên cơ quan công an, tiến hành việc giải cứu trong thời gian sớm nhất.
Đó là ý kiến của trung tá Hồ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Bộ công an (C45B).
Chiêu thức lương cao ngất
Theo trung tá Hiếu, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết và hoàn cảnh nghèo khó của các cô gái, đối tượng môi giới đã tiếp cận, dụ dỗ thuyết phục các cô sang nước ngoài làm việc lương cao nhằm đưa họ sang nước ngoài bán vào các “động” ép bán dâm. Mọi chi phí thủ tục ra nước ngoài đều do họ ứng trước, sang đó sẽ “làm việc” trừ nợ, mà khoản gọi là chi phí ấy sẽ bị tăng gấp 3,4 lần.
Trung tá Hiếu nhận định, phương thức thủ đoạn của tội phạm buôn bán người ở phía Nam diễn ra phức tạp hơn so với miền Bắc.
Bọn môi giới sẽ đưa nạn nhân sang nước ngoài bằng đường hàng không; quá trình tuyển chọn, dụ dỗ của đối tượng diễn ra thời gian dài. Thủ đoạn chính thông qua hình thức môi giới cho đi xuất khẩu lao động hoặc môi giới hôn nhân bất hợp pháp.
Đối với hình thức môi giới cho đi xuất khẩu lao động thì người môi giới rủ rê, hứa hẹn, đưa ra mức lương hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, những người này khi sang đó bị đưa vào ổ mại dâm.
Có những đối tượng dựa vào môi giới hôn nhân bất hợp pháp, đi tìm các cô gái trẻ đẹp có nhu cầu tìm chồng nước ngoài giàu có rồi đưa sang bán vào “động” hoặc bán cho những người đàn ông có nhu cầu tìm vợ giá rẻ. Thực tế, các cô gái không được đổi đời như mong ước mà chỉ bị cưỡng bức lao động hoặc bị buộc bán dâm.
“Các cô gái cần hiểu rõ các phương thức thủ đoạn của các đối tượng này và đề cao cảnh giác, nếu thấy đối tượng nghi vấn vào các hoạt động bất thường thì phải thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết. Đừng để sự việc đáng tiếc xảy ra thì mới cầu cứu”, trung tá Hiếu nói.
Nhiều người "nhắm mắt đưa thân" sau đó tố ngược
Theo đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng C45B, hoạt động mua bán người ở nước ta diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi với nhiều loại tội phạm mới, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Theo đại tá Kiên, các chính quyền địa phương phải phối hợp với cơ quan công an để thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục ý thức thực thi pháp luật. Bởi thực tế, sự hiểu biết của người dân về pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống mua bán người nói riêng còn hạn chế.
Trung tá Hiếu hướng dẫn, nếu nạn nhân không biết tiếng nước đó thì nên báo về cho gia đình. Nếu không được thì tìm cách đến các đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại trình báo để CQĐT tiến hành giải cứu hoặc gọi đến đường dây nóng của C45B: (+84) 069.36776.
Khó khăn nhất của CQĐT khi phá án là việc xác định nơi ở của nạn nhân. Thậm chí, có nhiều cô gái biết rõ qua đó “bán thân cho người” nhưng vẫn chấp nhận đi, có cô bị chủ đối xử không tốt hoặc bị ế khách cũng tố mình là nạn nhân bị bán vào “động” nhờ giải cứu, điều đó cũng gây trở ngại cho công tác điều tra.
CQĐT thường dựa vào những thông tin từ gia đình cung cấp. “Người ta có thể nói dối cơ quan pháp luật, nhưng khi đã gọi về gia đình thì họ phải là nạn nhân thật họ mới dám kể ra rằng mình bị bán sang nước ngoài rồi ép bán dâm”, trung tá Hiếu nói.
Trung tá Hồ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Bộ công an (C45B) - Ảnh: Ngọc Lê
|
Tú bà Trần Thị Phương Long đưa hàng chục cô gái Việt sang nước ngoài đưa vào động ép bán dâm bị triệt phá cuối năm 2014
|
Bình luận (0)