Những phát hiện khoa học đầy hứa hẹn năm 2016

09/01/2016 05:22 GMT+7

Sau một năm tiến sát Pluto và phát hiện loài người mới, 2016 sẽ là năm tiếp tục những bứt phá trong mảng chinh phục không gian và truy tìm sóng hấp dẫn.

Sau một năm tiến sát Pluto và phát hiện loài người mới, 2016 sẽ là năm tiếp tục những bứt phá trong mảng chinh phục không gian và truy tìm sóng hấp dẫn.

Sao Hỏa đang là mục tiêu nghiên cứu đặc biệt của con người - Ảnh: NASASao Hỏa đang là mục tiêu nghiên cứu đặc biệt của con người - Ảnh: NASA
Cơn sốt hạt
Liệu máy gia tốc hạt lớn (LHC) ở biên giới Pháp - Thụy Sĩ sẽ giúp phát hiện loại hạt mới trong năm 2016? Tình hình có vẻ rất khả quan, sau khi các nhà vật lý học vừa tập trung tại Tổ chức Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) ở Geneva (Thụy Sĩ) để tuyên bố những kết quả ấn tượng đầu tiên kể từ khi LHC hoạt động trở lại vào đầu năm 2015. Theo đó, 2 nhóm chuyên gia thực hiện 2 thí nghiệm khác nhau nhằm tìm ra sự tồn tại của hạt Higgs boson đã bắt được dấu vết cho thấy có sự tồn tại của một hạt sơ cấp mới. Để làm được điều này, LHC phóng các chùm tia hạt proton vào nhau, cho phép các nhà vật lý học tìm kiếm những hạt ngoại lai có thể xuất hiện sau quá trình va đập. Dự kiến câu trả lời sẽ xuất hiện trong vòng 1 năm nữa.
Theo đuổi giấc mộng sao Hỏa
Vào ngày 4.7.2016, tàu Juno của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đến sao Mộc, khởi động sứ mệnh thứ hai trong lịch sử nhằm nghiên cứu hành tinh lớn nhất của hệ mặt trời (sứ mệnh đầu tiên do Galileo thực hiện kéo dài từ 1995 đến 2003). Bên cạnh đó, châu Âu đang dồn hy vọng vào sứ mệnh đầu tiên thuộc chương trình thám hiểm sao Hỏa gọi là Exomars. Vào tháng 3, một tàu xoay quanh quỹ đạo và thí nghiệm công nghệ sẽ được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Đến tháng 10, phi thuyền sẽ vào quỹ đạo hành tinh đỏ, triển khai nhiệm vụ tìm kiếm chứng cứ cho thấy sự tồn tại của methane và những khí có trong khí quyển khác, trong khi thiết bị đáp Schiaparelli sẽ đi xuyên khí quyển và đáp lên bề mặt sao Hỏa.
Giao thông công cộng tốc độ cao
Hai dự án công trình lớn nhiều khả năng sẽ chiếm những dòng tít lớn trong năm nay. Vào năm 2013, nhà sáng lập SpaceX Elon Musk chính thức trình làng ý tưởng về một hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao, gọi là Hyperloop. Sau đây là khái niệm: các ống capsule điều áp chở hành khách lao xuyên những đường ống áp suất thấp, dựa trên đệm hơi, được gia tốc nhờ vào một loạt các nam châm. Đến hè 2016, tỉ phú Musk lên kế hoạch mở ra cuộc tranh tài để tìm kiếm những thiết kế phù hợp cho viễn cảnh trên. Nếu được chứng minh là ý tưởng khả thi, thế giới có thể phần nào biết được cơ chế hoạt động trong tương lai của Hyperloop.
Bắt sóng hấp dẫn
Và liệu 2016 có thể là năm giới vật lý cuối cùng cũng tóm được sóng hấp dẫn? Giới khoa học từ lâu đã cố gắng truy lùng những làn sóng lăn tăn của không - thời gian, tỏa ra từ các vật thể khổng lồ theo như dự đoán của Albert Einstein. Những sự kiện cho thấy có sự tồn tại của sóng hấp dẫn có thể là sự kết hợp giữa các hố đen, hoặc vụ nổ chấm dứt của những ngôi sao khổng lồ. Giới nghiên cứu đang vững niềm tin vào một kết quả tích cực sau khi phòng thí nghiệm Ligo hiện đại cuối cùng đã sẵn sàng hoạt động tại Mỹ sau nhiều năm thiết kế và điều chỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.