Đang là một trưởng phòng đầy triển vọng lên chức Vụ phó tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN (lúc đó chưa chuyển về cho Bộ Tài chính quản lý), ông Hà Hoài Nam quyết định nộp đơn xin thôi việc.
Sau một thời gian ngắn, những người trong ngành chứng khoán thấy ông Nam “trở lại” với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần chứng khoán (CTCK) Kim Long (KLS).
Sau 2 năm thành lập, KLS từ một CTCK mới toanh đã trở thành một trong số những CTCK có thị phần lớn nhất trên thị trường và cũng là một trong những CTCK tiên phong niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bật mí về những lợi thế chiến lược của mình khi từ quan chức đi làm kinh doanh, ông Nam cho biết: “Nhiều người cứ nói làm công chức ở Ủy ban (UBCKNN) có nhiều cái dở nhưng mình thì thấy nó cũng có những cái hay mà khi đi làm kinh doanh mình mới hiểu hết. Thứ nhất, đó là sự bài bản, làm cái gì cũng có tính hệ thống. Thứ hai là làm công chức thì cẩn trọng hơn, đặc biệt là trong ngành cái gì cũng liên quan đến pháp luật như chứng khoán. Khi ra ngoài, cẩn trọng hơn, đúng pháp luật hơn nên nhiều người cũng tin mình hơn. Thứ ba là làm trong ngành chứng khoán lâu rồi nên toàn gặp người quen, nhiều anh em bạn bè họ cũng quý mình, giúp đỡ mình nên kinh doanh cũng thuận lợi”.
Tâm sự với Thanh Niên về quyết định “ra riêng” của mình, ông Nam nói: “Mình thích làm chứng khoán nhưng ở Ủy ban thì có nhiều việc mình cũng khó làm. Ra bên ngoài cùng một số anh em thành lập KLS thì mình được làm nhiều thứ đúng với mong muốn của mình hơn”.
Tuy nhiên, “đúng với mong muốn” cũng có cái giá của nó. “Làm ở Ủy ban thì mình không phải lo lắng gì nhiều, còn làm doanh nghiệp thì lúc nào cũng có cảm giác như đi trên dây, phải giữ thăng bằng liên tục và áp lực thì cực lớn, đặc biệt là với thị trường chứng khoán cứ trồi sụt liên tục như hiện nay mà KLS thì đã là một công ty niêm yết”, ông Nam nói.
Cách nây gần 1 năm, với việc từ chức Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (một vụ quan trọng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời điểm đó), ông Kiều Hữu Dũng từng là đề tài tốn nhiều giấy mực của giới báo chí.
Ông Dũng cho rằng, không nên coi chuyện quan chức đi làm doanh nghiệp là chuyện gì bất thường mà nên coi đó là chuyện bình thường. “Thế giới đang thay đổi rất nhanh. Việc làm quan chức hay làm doanh nghiệp thì đều là đóng góp cho đất nước cả nhưng dưới những vị trí khác nhau mà thôi. Các bạn (chỉ những phóng viên -PV) cũng không nên quá tập trung vào việc tại sao đang làm quan chức nhà nước lại bỏ việc đi làm tư nhân để làm gì. Ở các nước khác thì rất nhiều chủ doanh nghiệp trở thành quan chức để đóng góp cho đất nước và ngược lại; người ta cũng cho đó là chuyện bình thường”.
Sau một thời gian đi làm kinh doanh, những doanh nhân từng là quan chức nhà nước mới hiểu rõ vì sao các chính sách được ban hành hay có trục trặc.
Ông Lê Hồ Khôi - Chủ tịch HĐQT CTCK Tràng An (nguyên Vụ phó Vụ Quản lý Kinh doanh chứng khoán -UBCKNN) cho biết: “Ra ngoài làm mới thấy rõ là việc mình soạn thảo các quy định về kinh doanh nhưng không có kinh nghiệm thực tiễn về thị trường thì nó sẽ như thế nào”. “Làm các văn bản quản lý mà không đối thoại với những người làm kinh doanh, nhất là những người có tâm huyết thì các quy định sẽ khó đi vào thực tế”, ông Khôi kết luận.
Trả lời câu hỏi về lý do “từ quan”, ông Khôi không trả lời trực tiếp về mình mà nói với Thanh Niên: “Có không ít người từ nhà nước đi làm tư nhân vì họ muốn có nhiều cơ hội hơn, muốn có một cuộc sống cho gia đình tốt hơn… nhưng họ vẫn muốn có cơ hội trở lại để giúp tạo lập những chính sách tốt hơn cho đất nước. Họ muốn làm việc đó không phải vì lợi ích kinh tế (vì sau một thời gian làm việc bên ngoài họ không còn lo lắng về vấn đề tài chính nữa), cũng không phải vì chuyện chức tước mà vì những tâm huyết thực sự mà họ dành cho lĩnh vực họ say mê”.
Hoàng Ly
Bình luận (0)