|
Chồng chéo quy định “xe chính chủ”
Ngày 19.9.2012, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) 71 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nhưng chỉ sau 16 ngày có hiệu lực, Bộ trưởng GTVT đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập soạn thảo NĐ mới quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế NĐ 71 nói trên.
|
Nhiều luật sư cho rằng NĐ 71 thiếu tính khả thi vì khi ban hành không được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Lạ lùng là nội dung quy định xử phạt xe không “chính chủ” trong NĐ 71 khi thực hiện đã không khả thi nhưng dự thảo NĐ mới cũng vẫn tiếp tục đưa vào để rồi phải rút lại.
Trên thực tế, cũng không chỉ có NĐ 71 và dự thảo NĐ nói trên đề cập vấn đề “xe chính chủ” mà tại Thông tư 11 ngày 1.3.2013 của Bộ Công an, hành vi không chuyển quyền sở hữu sau 30 ngày mua bán vẫn bị xử phạt. Do vậy mặc dù Bộ GTVT rút lại nhưng phía công an vẫn còn.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre), cho rằng việc chuyển quyền sở hữu phương tiện xét về thực tế không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Giao thông đường bộ mà thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ luật Dân sự, do liên quan đến quyền sở hữu về tài sản và các quy định pháp luật về thuế và lệ phí bởi có phát sinh việc mua bán, tặng cho, thừa kế. Quản lý nội dung này đã có chế tài xử lý vi phạm luật về thuế theo NĐ 98/2007/NĐ-CP ngày 7.6.2007 và Thông tư 61 ngày 14.6.2007 của Bộ Tài chính.
“Dù rằng đơn vị thuế và công an xử phạt khác nhau nhưng thực chất là nhằm hoàn thành việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản theo bộ luật Dân sự. Các quy định chồng chéo nhau như vậy khiến một hành vi bị xử phạt đến 2 lần. Điều này trái với quy định của pháp luật”, luật sư Lương nói.
Cần thêm tòa án... Lập quy
|
Theo số liệu chúng tôi thu thập được, năm 2010, trong số 90.826 văn bản được kiểm tra có đến 6.888 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Năm 2011, các cơ quan tư pháp phát hiện gần 4.000 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Còn theo báo cáo tổng kết năm 2012 của Bộ Tư pháp, trong tổng số 564.524 văn bản được kiểm tra có 10.039 văn bản “có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp”, trong đó có 1.394 văn bản quy phạm pháp luật “có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung”.
Theo luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), sở dĩ có tình trạng trên là vì người soạn thảo ban hành văn bản xa rời thực tế. “Việc ban hành các quy định chỉ nhằm thuận tiện cho việc quản lý trong lĩnh vực của mình mà quên đi ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”, ông Tám nói.
Một thẩm phán Tòa hành chính - TAND TP.HCM cho rằng luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định rất chặt chẽ nhưng các văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung lẫn hình thức vẫn “lọt lưới” bởi việc lấy ý kiến đôi khi qua loa, chiếu lệ; trình độ năng lực của người soạn thảo, thẩm định thì hạn chế, quan liêu. Cơ quan có quyền kiểm soát văn bản không đủ thẩm quyền hủy, ngừng việc ban hành văn bản có vi phạm.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) thì nói thẳng tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay “ép” người dân thực hiện nên vừa không khả thi vừa gây lãng phí ngân sách và làm mất uy tín của cơ quan quản lý của nhà nước. “Tôi cho rằng những cơ quan, cá nhân tham mưu, ký ban hành những văn bản không hợp lý, không khả thi phải có chế tài xử lý như nhắc nhở, cảnh cáo, thuyên chuyển công tác, sa thải...”, luật sư Hải nói.
Trong khi đó, luật sư Tám đề xuất nên thành lập tòa Lập quy. “Đây là tòa chuyên trách xét các vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan này sẽ đứng ngoài, đứng trên để xem xét, phán quyết một văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm luật hay không và quyết định ngừng áp dụng, hủy bỏ. Còn như hiện nay, Cục Kiểm tra của Bộ Tư pháp phát hiện cũng chỉ nhắc nhở, kiến nghị mà thôi”.
Lê Nga
Bình luận (0)