Nhiều sự kiện của giáo dục trong năm 2013 là tiền đề cho những đổi mới các năm sau - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Phát huy khả năng cá nhân
|
Ngày 4.11.2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCH T.Ư khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) có nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Mục tiêu của đổi mới lần này là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, giáo dục con người VN phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu cho từng cấp học: hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, miễn học phí mầm non trước năm 2020, hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015, phấn đấu đến năm 2020 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương…
Theo dự thảo đề án Đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015 đang được Bộ GD-ĐT xin ý kiến các chuyên gia, giai đoạn 2014 - 2015 phải hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học thử nghiệm. Theo đó số môn học bắt buộc như hiện nay sẽ giảm đi, tăng cường các môn học, học phần tự chọn. Dạy học tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa mạnh mẽ ở cấp THPT. Sẽ dần tiến tới việc đa dạng sách giáo khoa để linh hoạt, phù hợp với từng vùng miền, đối tượng học sinh.
Động lực đổi mới từ “đấu trường” quốc tế
Năm 2013, đoàn VN tại cuộc thi Olympic toán học quốc tế diễn ra ở Colombia đã mang về 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc, xếp thứ 7 trong 97 quốc gia tham gia. Thứ hạng năm 2013 của VN đã tăng 2 bậc so với năm 2012. Năm 2013 là năm đầu tiên VN được xếp hạng khảo sát chất lượng quốc tế PISA đối với học sinh 15 tuổi ở 3 nội dung: toán, khoa học và đọc hiểu. Vị trí thứ 17/65 quốc gia là một bất ngờ lớn đối với VN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này không có nghĩa VN lạc quan về bức tranh giáo dục nước nhà. Ngược lại, đây chính là lúc chúng ta nhìn lại những hạn chế, yếu kém để thúc đẩy đổi mới.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: “PISA (và các cuộc đánh giá khác) dù có chính xác và có độ tin cậy cao đến đâu, cũng chỉ là kết quả đánh giá một số khía cạnh của vấn đề, chứ không phải toàn bộ vấn đề, giống như đây là bức ảnh chân dung chứ không phải con người thật bằng xương bằng thịt. Cho nên, chúng tôi không chủ quan, tự mãn với kết quả này”.
Không bắt buộc thi “3 chung”, sửa đổi chính sách ưu tiên tuyển sinh
Luật Giáo dục ĐH quy định về việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH có hiệu lực từ đầu năm 2013. Ngày 12.12, Bộ GD-ĐT cũng công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ áp dụng cho năm 2014. Theo đó, các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ quy định. Các trường còn có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Những khoa, ngành tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả kỳ thi chung.
Để giúp các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, trong vòng 3 năm tới, Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung”. Những trường tổ chức tuyển sinh riêng sẽ tự lựa chọn phương thức thi tuyển được Bộ xác nhận là đáp ứng các yêu cầu quy định. Trong đó, Bộ nhấn mạnh yêu cầu: tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Đây sẽ là tiền đề để Bộ chính thức thay đổi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2015.
Cũng vào cuối năm 2013, Bộ công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Trong đó, chính sách ưu tiên khu vực sửa đổi theo hướng chỉ ưu tiên cho học sinh những vùng khó khăn thật sự. Bộ cũng điều chỉnh chính sách ưu tiên đối tượng. Theo các chuyên gia giáo dục, việc điều chỉnh này là hợp lý và hợp với thực tế, đúng với tinh thần loạt bài Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? do Báo Thanh Niên dày công thực hiện từ giữa tháng 7 và kéo dài 17 số báo.
Những thước phim buồn Những ngày cuối năm 2013, dư luận vô cùng bất bình, xót xa trước đoạn phim trẻ mầm non ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (số 18, đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị các bảo mẫu hành hạ. Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề vẫn là trẻ mầm non dưới 3 tuổi còn rất thiếu chỗ học trong hệ thống giáo dục mầm non công lập, ở các trường mầm non tư thục có chất lượng tốt thì mức học phí lại vượt quá khả năng đóng góp của người dân lao động. 2013 cũng là năm đầu tiên Bộ quyết định cho phép thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Sau kỳ thi, dư luận lại xôn xao về những đoạn phim phản ánh tiêu cực tại hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Q.Hà Đông, Hà Nội) do các phóng viên quay từ cửa sổ nhà dân gần hội đồng thi. Tuy không đến mức nghiêm trọng như vụ việc ở hội đồng thi THPT dân lập Đồi Ngô năm 2012, nhưng một lần nữa khiến dư luận bức xúc về việc gian lận tái diễn ở kỳ thi vốn đã luôn khiến người dân và xã hội bận tâm. Câu hỏi đặt ra là việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tốn kém và không đảm bảo tính thực chất như cách làm hiện nay liệu có nên tiếp tục tồn tại? Bộ GD-ĐT cho biết ngay trong tháng 1.2014 sẽ có hội nghị toàn quốc để bàn về việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Bùng nổ mâu thuẫn trường ĐH ngoài công lập Nội bộ các trường ĐH ngoài công lập tiếp tục xảy ra bất ổn, chủ yếu là do quá trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là sự việc tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM. Liên tục từ tháng 5.2013 diễn ra việc tranh chấp con dấu, tồn tại 2 hiệu trưởng, 2 HĐQT trong trường. Mâu thuẫn quá lớn, dẫn đến việc Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM phải vào cuộc, đề nghị Văn phòng Chính phủ can thiệp về con dấu; chuyển sinh viên năm cuối của trường này sang trường khác thi tốt nghiệp và bảo vệ khóa luận. Những ngày cuối năm, tiếp tục có vụ náo loạn, xô xát ngay tại trường giữa các bên liên quan. Nhiều trường ngoài công lập khác cũng lâm vào cảnh bất ổn trong quá trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục, đặt vấn đề nhà nước cần phải điều chỉnh chính sách về ĐH tư thục để các trường này phát triển đúng hướng. Nhiều kiện tụng liên quan đến giáo dục Trong năm 2013, Bộ GD-ĐT phải đối mặt đến 2 vụ kiện. Vụ đầu tiên là tháng 8.2013, Trường CĐ ASEAN khởi kiện ra TAND TP.Hà Nội với cáo buộc Thanh tra Bộ đã có quyết định xử phạt sai quy định, sai thẩm quyền, ra quyết định dừng tuyển sinh, gây nhiều thiệt hại cho nhà trường. Ngày 30.10, ông Hoàng Xuân Quế, Phó viện trưởng Viện Tài chính ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cũng đã nộp đơn ra TAND TP.Hà Nội khởi kiện Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11.10.2013 về việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. Tại TP.HCM, ông Lê Văn Lý khởi kiện Quyết định 3163/QĐ-UBND của UBND TP.HCM không công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đối với ông. Ông Lý khởi kiện vì cho rằng quyết định trên sai về quy trình thủ tục ra quyết định, nội dung trong quyết định không đúng, thiên vị, không công bằng đối với trường và gây hậu quả tai hại đến hoạt động của trường hiện nay cũng như giai đoạn sau này. Tuệ Nguyễn - Đăng Nguyên |
Tuệ Nguyễn
>> Quyết sách
>> Những quyết sách thiếu thuyết phục
Bình luận (0)