Những sa mạc chết ở miền Nam nước Mỹ

16/12/2006 20:48 GMT+7

Nằm sâu về phía nam nước Mỹ, gần biên giới Mexico, là những hoang mạc mênh mông, khô cằn. Đây cũng là nơi mà hàng ngàn người đã bỏ mạng trong hành trình đi tìm "giấc mơ Mỹ".

Quan tài di động

Thành phố Harlingen ở tiểu bang Texas một buổi tối ấm áp, Tyrone Williams lái chiếc xe kéo công-ten-nơ đông lạnh chạy về phương bắc. Williams là một gã đàn ông 35 tuổi, dân nhập cư hợp pháp từ Jamaica. Lâu nay, gã sống và làm ăn tại New York bằng nghề lái xe tải. Thỉnh thoảng gã cũng nhận chở hàng đường dài từ miền nam sang miền đông bắc. Vì thế, việc Williams chở một "thùng hàng đông lạnh" từ Harlingen ngược lên phương bắc chẳng hề khiến các nhà chức trách chú ý. Thế nhưng, khác với những lần trước, công-ten-nơ mà Williams chở lần này không chứa hàng hóa mà chứa một bi kịch khủng khiếp.

Trong chiếc công-ten-nơ hôm đó, bọn tội phạm đã nhồi nhét khoảng 100 người nhập cư trái phép. Đây là chuyến đưa người vượt biên do một tổ chức tội phạm xuyên biên giới đảm trách. Williams được thuê chở "hàng" với khoản thù lao dày cộm. Để tránh bị chú ý, gã tài xế Jamaica đã tắt máy điều hòa, niêm phong và khóa công-ten-nơ lại, tương tự như khi người ta chở hàng bình thường vậy. Khi xe sắp rời trung tâm Harlingen, tiếng kêu khóc bắt đầu vọng ra từ trong "thùng hàng". Ban đầu, tài xế Williams và kẻ áp tải "hàng" chẳng thèm chú ý. Mãi đến khi xe chạy được hơn 3 tiếng đồng hồ, Williams mới dừng xe lại và mở công-ten-nơ ra. Lúc này, gã mới thấy rằng sự việc đã trở nên trầm trọng. Cả công-ten-nơ như một cái thùng đựng xác với 17 người chết và nhiều người kiệt sức, bất tỉnh. 


Lực lượng tham gia chiến dịch Wagon Train - Ảnh: AP

Sau một thoáng choáng váng trước cảnh tượng khủng khiếp này, Williams cho xe chạy vào bãi đỗ ở một trạm xăng gần thành phố Victoria. Tới đây, gã tháo rời rơ-moóc để lại và lái xe chở tay áp tải "hàng" bỏ trốn tới thành phố Houston. Hầu hết số người nhập cư trái phép còn khỏe mạnh cũng nhanh chân chuồn khỏi hiện trường, bỏ lại cả người thân đã chết hoặc kiệt sức giữa bãi đỗ xe. Khi nhà chức trách tới nơi, trước mặt họ là một cảnh tượng thảm khốc. Bên cạnh 17 xác chết, có rất nhiều người ở trong tình trạng nguy kịch. Người ta đã nhanh chóng đưa các nạn nhân tới bệnh viện cấp cứu nhưng vẫn có thêm 2 người chết nữa, tổng cộng là 19 người.

Đây là tai nạn khủng khiếp nhất liên quan tới hoạt động nhập cư trái phép tại miền nam nước Mỹ, trên tuyến biên giới giữa nước này và Mexico. Nhà chức trách ngay lập tức mở một cuộc truy quét quy mô lớn và đã buộc tội 14 kẻ tham gia vào đường dây đưa người vượt biên trái phép. Gã tài xế Williams bị bắt tại thành phố Houston. Bi kịch trên đây xảy ra vào năm 2003 và đám thủ phạm đã phải hầu tòa nhiều lần. Vào đầu tuần này, Williams đã bị buộc 58 tội danh và có thể đối mặt với án tử hình.

Sa mạc chết

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều bi kịch của những người đi tìm "giấc mơ Mỹ" bằng cách vượt biên trái phép từ Mexico. Trong hàng loạt chiến dịch truy quét, các nhân viên của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã phát hiện rất nhiều chiếc "quan tài di động" kiểu như của Williams. Cũng có rất nhiều người vượt biên vào Mỹ bằng cách khác: đi bộ qua vùng sa mạc khô cằn giữa biên giới Mỹ - Mexico. Rất nhiều người đã bỏ mạng vì đói khát, bệnh tật hoặc kiệt sức khi chưa thực sự thấy được miền đất hứa mà họ hướng tới. Theo thống kê của lực lượng biên phòng Mỹ, 1.954 người đã thiệt mạng khi vượt biên trái phép từ Mexico vào Mỹ trong giai đoạn 1998-2004. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho biết trong năm 2006, số người chết đã lên đến 200. Cảnh sát biên phòng đã phát hiện xác chết ở khắp nơi, có xác bị vùi trong lớp cát nóng bỏng giữa sa mạc, có người phơi xác trên đỉnh núi đá hoặc tan xương nát thịt dưới vực sâu.


Kiểm tra dân nhập cư tại miền nam - Ảnh: AP

Để chặn làn sóng người nhập cư trái phép, Mỹ đã cho xây dựng hệ thống hàng rào dọc biên giới, ở những khu vực nhiều người vượt biên. Tổng thống G.Bush cũng đã phê chuẩn kế hoạch xây hàng rào dài khoảng 1.000 km dọc biên giới. Khi bị chặn ở những tuyến đường dễ đi, dân nhập cư lậu chuyển sang các lộ trình đầy hiểm trở, như băng qua sa mạc Sonoran và vùng núi Baboquivari ở tiểu bang Arizona. Nguy cơ rình rập theo đó cũng tăng lên.

Một nguy cơ nữa đối với dân nhập cư trái phép là họ có thể bị những băng nhóm tội phạm giết chết để cướp của hoặc vì bất cứ lý do nào. Nguy cơ này đặc biệt cao đối với người đi tự túc. Những người đi theo sự tổ chức của các băng nhóm tội phạm thì lại đối mặt với những nguy cơ khác, cũng nguy hiểm không kém. Ngoài những tai nạn kiểu như vụ tài xế Williams, rất nhiều khi các băng nhóm tổ chức người vượt biên quay lại "làm thịt" cả khách hàng của mình. Thông thường, sau khi nộp tiền cho các băng nhóm tội phạm với mức giá khoảng 600 USD cho mỗi trẻ em và 1.500 USD cho mỗi người lớn, dân muốn nhập cư vào Mỹ đi theo từng nhóm và được các coyotes (một kiểu hướng dẫn viên) dẫn đường vào Mỹ. Tùy theo địa hình từng nơi mà coyotes có thể cho khách hàng đi bộ hoặc chất vào công-ten-nơ. Cảnh sát từng nhận được báo cáo về một số trường hợp các coyotes cưỡng dâm, trấn lột và hành hạ dân vượt biên. Một số coyotes còn bí mật bắn chết các khách hàng già cả để khỏi vướng tay chân. Nói chung, giữa chốn hoang vắng và không có sự hiện diện của luật pháp, người muốn nhập cư vào Mỹ dường như trao trọn tính mạng cho các băng tội phạm. Những trường hợp này rất khó điều tra vì hầu như không nạn nhân nào dám báo cáo với cảnh sát bởi bản thân họ cũng đang vi phạm luật pháp nước Mỹ.

Chiến dịch khổng lồ

Để ngăn chặn làn sóng người nhập cư ồ ạt, Chính phủ Mỹ đã mở hàng loạt chiến dịch truy quét ở khu vực giáp biên giới với Mexico và đã bắt giữ hàng chục ngàn người mỗi năm. Qua các chiến dịch, lực lượng của Bộ An ninh nội địa cũng đã phát hiện nhiều đường dây tội phạm khổng lồ. Đây là những băng đảng hoạt động xuyên biên giới, có quan hệ mật thiết với các tổ chức mafia Trung - Nam Mỹ cũng như các mạng lưới tội phạm trong lòng nước Mỹ. Chỉ trong vòng 10 tuần đầu tiên của năm tài chính (năm tài chính Mỹ bắt đầu từ ngày 1.10), cảnh sát biên phòng đã thu giữ tới 50 tấn cần sa. Trong đó, chỉ riêng tuần này, cảnh sát đã thu 10 tấn tại một khu vực thuộc thung lũng Rio Grande, cách không xa biên giới Mexico. Nhà chức trách tại tiểu bang Texas cho biết các băng nhóm vận chuyển ma túy Mexico và Mỹ thường "thầu" luôn khoản đưa người nhập cư trái phép.


Bắt người trong chiến dịch Wagon Train - Ảnh: Reuters

Trong 10 ngày trở lại đây, Bộ An ninh nội địa đã mở chiến dịch truy quét lớn chưa từng có tại 6 bang miền nam và đã phát hiện ra nhiều "lãnh địa" của dân nhập cư. Chiến dịch mang tên Wagon Train này có sự tham gia của 1.000 nhân viên liên bang, được tiến hành đồng loạt tại khắp miền nam và mục tiêu chính của cơ quan thực thi pháp luật là các nhà máy sản xuất thịt. Trong chiến dịch khổng lồ đang được triển khai, nhà chức trách đã bắt khoảng 1.300 người, trong đó phần lớn là dân nhập cư trái phép đang lao động tại một số nhà máy, một phần nhỏ còn lại là những tên tội phạm liên quan đến hoạt động tổ chức nhập cư trái phép.

Chiến dịch này còn giúp Bộ An ninh nội địa phát hiện ra một loại tội phạm mà trước đây họ chưa từng biết tới. Đó là dân nhập cư lậu đã sử dụng giấy tờ ăn cắp từ các công dân Mỹ để xin việc. Các băng nhóm tại Mỹ thường ăn cắp thẻ công dân Mỹ và bán cho dân nhập cư với giá cắt cổ. Bộ trưởng Michael Chertoff nói rằng việc phát hiện này sẽ giúp nhà chức trách triệt phá các đường dây tổ chức vượt biên dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc phát hiện nạn ăn cắp thẻ công dân còn giúp nhà chức trách đối phó với nhiều nguy cơ khác, chẳng hạn như khủng bố và buôn lậu vũ khí. Bộ trưởng An ninh nội địa Chertoff giải thích: "Các loại giấy tờ này không chỉ giúp ích cho dân nhập cư lậu mà bọn khủng bố cũng có thể sử dụng để di chuyển bằng máy bay". Đó là một nguy cơ không thể xem nhẹ. (Reuters, AP, The Arizona Daily Star)

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.