Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu T.Ư thường xuyên tiếp nhận các trường hợp đến khám với gương mặt chi chít mụn tấy đỏ do bị nhiễm trùng. Nguyên nhân do thói quen nặn trứng cá và tự bôi thuốc.
Tự nặn, tự bôi thuốc
Bệnh nhân nam 19 tuổi, ở Hà Nội đến khám với hai má như “trận địa”. Lúc đầu là các mụn trứng cá nhỏ, thưa trên trán nhưng sau khi nặn, các mụn này lan rộng hơn và xuất hiện những mụn đỏ tấy. Vùng mặt chi chít mụn mới chồng lên sẹo cũ. “Em cạy mụn và bôi thuốc mỡ mua ở nhà thuốc, nhưng mụn ngày càng dày hơn và mưng mủ”, bệnh nhân cho biết.
TS-BS Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Da liễu T.Ư cho biết trường hợp như đã kể, BV gặp thường xuyên. “Nguyên tắc trước tiên điều trị mụn là không cạy nặn, trong khi hầu hết bệnh nhân thường làm ngược lại và phần lớn chỉ đến khám khi đã bội nhiễm khiến cho việc điều trị khó khăn hơn”.
Theo bác sĩ, việc cạy nặn mụn rất nguy hiểm bởi gây ra vết thương hở, tổn thương mao mạch là cửa ngõ để vi khuẩn trên bề mặt da dễ dàng xâm nhập, từ đó gây nhiễm trùng. Thậm chí, nếu không đảm bảo vệ sinh, vết cạy mụn đó cũng là con đường mà vi khuẩn có thể đi qua rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết.
Nguyên nhân gây mụn là do viêm nang lông, viêm tuyến bã, nếu cứ cạy nặn thì hết nhân này lại xuất hiện nhân khác. Khi bã nhờn tiết ra nhiều sẽ gây bít tắc nang lông. Thêm vào đó vi khuẩn trên da sẽ xâm nhập vào vết thương hở do nặn mụn gây viêm nhiễm. Do đó, nặn mụn chỉ là phần ngọn, phần gốc phải là điều trị cơ chế gây tăng tiết bã nhờn, gây viêm nhiễm. Chỉ khi có mụn bọc to, sâu thì mới cạy mụn để loại bỏ nhân sâu và được thực hiện bởi nhân viên y tế. Bệnh nhân cần được rửa mặt sạch, sát trùng vùng da, được khử khuẩn để ngăn chặn các nguy cơ gây nhiễm khuẩn, viêm da.
Theo bác sĩ Hiền, tự mua thuốc điều trị cũng là sai lầm phổ biến. Các nhà thuốc thường sao chép đơn thuốc của người khác rồi hướng dẫn cho người bệnh; cũng có tình trạng mua thuốc theo kinh nghiệm của người quen. “Việc tự bôi thuốc có thể giảm mụn tức thì, nhưng sau đó thường nặng hơn do tác dụng phụ của thuốc và thực tế chúng tôi đã gặp rất nhiều ca bị mụn trứng cá do thuốc”, bác sĩ Hiền khuyến cáo.
“Trị” mụn tại spa
Bác sĩ Thu Hiền cho biết thêm, có những bệnh nhân đến khám với tình trạng mặt sưng, tấy đỏ sau khi đã có những đợt “điều trị” mụn tại spa, trong khi đó spa là nơi làm đẹp, chăm sóc da chứ không phải là cơ sở điều trị.
TS-BS Nguyễn Thị Hải Vân, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Viện Da liễu T.Ư rất ái ngại trước thực tế đã gặp những bạn trẻ đến khám với gương mặt chi chít mụn, sẹo, da đỏ tấy và thậm chí những mụn rớm máu do bị cạy, nặn sau khi “điều trị” ở spa. Bác sĩ Vân cho hay: “Cạy nặn không thể khỏi được mụn thậm chí còn loang rộng, nhiễm trùng. Do đó, bệnh nhân dù chỉ bị nhẹ, vài nốt trứng cá cũng nên đến đúng chuyên khoa để được khám, điều trị đúng căn nguyên gốc. Việc điều trị, kê đơn phải phù hợp với lứa tuổi và giới tính, tình trạng mỗi người. Ngoài việc ngăn chặn mụn tái phát, bệnh nhân cần được điều trị để phục hồi da bị tổn thương, xóa, mờ sẹo”.
Bình luận (0)