Máy thu học phí tự động
|
Là một đồ án môn học, nhóm sinh viên (SV) ngành cơ điện tử (Nguyễn Đại Phước Lộc, Trần Quốc Hưng, Trần Văn Ba) sau 5 tháng thực hiện đã cho ra đời chiếc máy thu học phí tự động. “Các trường ĐH đều rất đông SV, thời gian đóng học phí thường kéo dài trong một tháng nên xảy ra cảnh đông đúc, chờ đợi. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm đã có ý tưởng thiết kế máy này nhằm giảm tải cho nhà trường, đồng thời giúp SV chủ động hơn trong việc đóng tiền”, Trần Văn Ba cho biết.
Hiện tại, máy được thiết kế để tiếp nhận tiền giấy có giá trị từ 5.000 - 100.000 đồng. Điều đặc biệt là máy có khả năng nhận dạng được tiền giả. Nếu phát hiện tiền giả, tiền kém chất lượng máy có thể từ chối không nhận. Cách sử dụng chức năng này cũng khá đơn giản, mỗi SV chỉ cần nhập mã số SV của mình máy sẽ hướng dẫn cách nạp tiền. Khi nạp đủ máy sẽ ngưng nhận tiền, nạp dư máy tự động thối tiền thừa. Đặc biệt, máy được cài đặt sẵn chức năng in ấn để có thể in biên lai nạp tiền. Phước Lộc giải thích thêm: “Với máy này, SV có thể đóng học phí thành nhiều lần, máy sẽ lưu lại cho đến khi đóng đủ trong thời gian cho phép. Máy đặt tại trường nên SV sẽ không phải đến ngân hàng hoặc xếp hàng chờ đợi trong giờ cao điểm”.
Không chỉ vậy, máy còn có thêm một số chức năng tiện ích khác cho SV như: tra cứu và in ấn thời khóa biểu, lịch thi, bảng điểm… “Hiện máy đã được nhà trường đặt hàng. Tuy nhiên, vì sử dụng để thu một khoản tiền lớn nên vấn đề bảo mật an ninh đang được nhóm tập trung để nâng cấp. Tiến tới máy sẽ được thử nghiệm để in ấn bảng điểm, giấy chứng nhận SV tốt nghiệp, thời khóa biểu… trước khi tiến hành chức năng thu học phí”, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh - Trưởng bộ môn Cơ điện tử, người hướng dẫn nhóm thực hiện cho hay.
Xe tự hành đầu tiên tại Việt Nam
|
Đây là một đề tài đã đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường, đang chuẩn bị tham dự cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2012, được thực hiện bởi nhóm SV gồm: Đỗ Hoàng Tú, Lê Phan Hưng, Dư Thành Trung và Phạm Văn Thuận. Sau 7 tháng triển khai, sản phẩm này đã tương đối hoàn thiện với mức đầu tư khoảng 80 triệu đồng. Hoàng Tú cho biết: “Tại Việt Nam, đây là xe chở khách trong các khu vực công cộng đầu tiên mà không cần người lái. Với hệ thống định vị toàn cầu, kết hợp với la bàn số, 4 cảm biến siêu âm và camera được cài đặt sẵn, xe có thể tự chạy theo yêu cầu của hành khách. Trên xe có sẵn màn hình cảm ứng để giao tiếp với người sử dụng. Máy khi hoạt động cũng được truyền thông qua mạng internet để giám sát qua trạm xử lý sự cố”.
Phan Hưng nói thêm: “Hoạt động của xe không bị giới hạn bởi không gian, miễn nơi đó được phủ sóng internet và hệ thống định vị toàn cầu. Xe có thể linh hoạt tìm đường đi, rẽ trái, rẽ phải, lùi lại, quay đầu xe, phát hiện vật cản… Tuy nhiên hạn chế của xe bây giờ là bình nạp điện chỉ mới hoạt động được trong 3 tiếng và chưa chủ động để tránh được các vật cản”. “Do vậy, việc tiếp theo nhóm phải làm là làm nhỏ gọn hơn kích thước của xe để vận tốc di chuyển của xe nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và tránh được các vật cản. Hiện xe này có thể chở được 4 - 6 người, nếu cải tiến nhỏ hơn xe chỉ chở được 2 - 3 người. Khi đó, sẽ tiện dụng để di chuyển trong các khu du lịch, vui chơi, sân golf, sân bay”, Thuận cho biết thêm.
Robot giúp con người làm việc trong môi trường độc hại
|
Sản phẩm này được thực hiện bởi nhóm SV năm thứ 3: Đặng Trí Dũng, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Minh Đoan và Nguyễn Đức Dũng. Robot được thiết kế gồm 2 cánh tay tách rời nhau, trong đó một tay máy chủ do con người điều khiển, tay còn lại thực thi mô phỏng các hoạt động của tay máy chủ. Trong khoảng cách tối đa 200 mét, với mạng truyền dữ liệu LAN (đường truyền nội bộ), hoạt động mô phỏng của robot này có thể được thực thi. Khi đó, tay máy thực thi sẽ có khả năng gắp được các vật nhẹ (tối đa 200 gram) để di chuyển trong khoảng không gian hẹp (tối đa bán kính 30 cm).
“Sở dĩ robot được thiết kế như vậy nhằm thay thế con người làm việc trong các môi trường độc hại, nguy hiểm. Khi đó, con người có thể ở trong môi trường bình thường để điều khiển robot trong môi trường độc hại thay vì phải làm việc trực tiếp, như: phòng thí nghiệm, phân xưởng độc hại, môi trường có nhiệt độ cao, khói bụi…”, Trí Dũng chia sẻ.
Minh Đoan nói thêm: “Tên của robot này là haptic, có nghĩa là xúc giác. Dù không trực tiếp tiếp xúc với vật, nhưng con người vẫn có thể cảm nhận được vật nặng, nhẹ được phản hồi về qua cảm biến của robot”.
Hà Ánh
Bình luận (0)