|
Như Thanh Niên đã dẫn tin, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bangor (Anh) vừa tuyên bố động vật già nhất thế giới, một loại sò đặc biệt của xứ Iceland, đã được 507 tuổi. Loài thân mềm hai mảnh này sinh ra vào năm 1499, trước khi vua Henry VIII ngồi lên ngai vàng xứ Anh. Nó được đặt theo tên của triều đại nhà Minh ở Trung Quốc, theo tờ Independent.
Điều đáng buồn là khi xác định được tuổi thọ của Minh, các nhà nghiên cứu cũng đồng thời khai tử sinh vật cao tuổi nhất trên địa cầu tính đến nay, khi họ cố gắng tách vỏ sò để tính toán tuổi. “Cụ” sò đã được tìm thấy tại thềm biển ngoài khơi Iceland vào năm 2006, nhưng lúc đó các nhà khoa học không hề biết được mình đang nắm trong tay sinh vật có tuổi thọ vô địch. Ban đầu, giới chuyên gia đoán rằng Minh khoảng chừng 405 tuổi, nhưng những tiến bộ trong phương pháp xác định tuổi gần đây khiến các nhà khoa học bất ngờ khi biết được tuổi thật của nó.
“Chúng tôi đã tính toán sai tuổi trong lần đầu tiên, và có thể là do quá nôn nóng công bố phát hiện mới. Tuy nhiên lần này chúng tôi cam đoan là đã xác định được đúng tuổi của nó”, tạp chí Science Nordic dẫn lời Paul Butler, chuyên gia về đại dương của Đại học Bangor. Giống như tính toán vòng của cây, tuổi của sò được xác định bằng các vòng tăng trưởng, tức những đường xuất hiện mỗi năm trên vỏ sò. Tuổi ban đầu của Minh dựa trên số vòng tăng trưởng trên gờ vỏ sò, nhưng do sinh vật này thuộc dạng "già đặc biệt”, các vòng chèn lên nhau khiến các nhà khoa học gặp khó khăn khi đếm. Cứ thử tưởng tượng hơn 500 vòng chen chúc trong không gian chật hẹp chỉ rộng vài mm.
Để phát hiện tuổi chính xác của Minh, các chuyên gia chuyển sang đếm vòng trên vỏ sò, vốn được phân bổ trên bề mặt rộng rãi hơn. Bằng cách so sánh các vòng tăng trưởng độc nhất vô nhị của loài thân mềm đặc biệt, cuối cùng họ xác định tuổi thọ của sinh vật trên. Để bào chữa cho hành động bất cẩn gây nên cái chết của con sò trên, chuyên gia Butler cho hay mỗi năm ước tính có hàng ngàn sò biển bị lôi lên bờ, và trong số này không loại trừ có những con sò còn nhiều tuổi hơn Minh. Theo giới chuyên gia, cuộc sống trường thọ của sinh vật trên là nhờ vào quá trình trao đổi chất cực chậm.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm khi kết luận loài sò dễ bị tổn hại như Minh là sinh vật già nhất thế giới hiện nay. Ví dụ, một loài sứa tên Turritopsis dohrnii thực sự bất tử về mặt sinh học: thay vì già và chết đi, chúng đơn giản quay lại giai đoạn đầu của cuộc sống. Điều này đồng nghĩa với việc không có giới hạn trên lý thuyết về tuổi sống của chúng, cũng như vô phương xác định được tuổi thọ thật sự. Trước sò Minh, động vật sống trên cạn thọ nhất thế giới là Adwaita, rùa đực khổng lồ 255 tuổi chết vào năm 2006. Tuy nhiên, vô địch về tuổi thọ trên trái đất phải thuộc về quần thể cây dương trên diện tích 42 ha tại bang Utah (Mỹ), được xác định phải có hơn 80.000 đến 1 triệu năm tuổi. Đây là những sinh vật sống lâu năm nhất trước nay từng được biết.
Phi Yến
>> Đi tìm “gien trường thọ”
>> Sinh vật không bị lão hóa
>> Sinh vật nhiều chân nhất thế giới
Bình luận (0)