Những tài năng vang bóng sau 1975: Trịnh Tấn Thành: 'Đen' từ đội tuyển đến ngoài đời

08/04/2020 07:56 GMT+7

Cơn lốc đen, biệt danh của tiền đạo nổi tiếng một thời trong màu áo bóng đá Đồng Tháp Trịnh Tấn Thành, sinh năm 1968. Sau khi chia tay sự nghiệp “quần đùi, áo số”, tiền đạo số 12 “một thời oanh liệt” này luôn lận đận, trước khi đến với Quỹ đầu tư phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) vào đầu năm 2013.

Không có duyên ở đội tuyển

Tấn Thành là tiền đạo "khét tiếng" một thời của bóng đá Đồng Tháp, luôn được người hâm mộ yêu thích và đặt cho nhiều tên khác nhau như “Cơn lốc đen”, “Mũi tên đen”, “Người hùng cao su”… Bởi phần lớn điều đó đều thể hiện qua nét rất riêng của anh: dáng người nhỏ bé, làn da ngăm đen, nhưng nhanh nhẹn, có kỹ thuật, xông xáo và nhạy cảm ghi bàn, những tố chất cần và đủ của một tiền đạo xuất sắc. Thậm chí anh chơi bóng không ngại va chạm và không hề biết chấn thương là gì...
Dù ở Đồng Tháp luôn đá chính nhưng ở đội tuyển Tấn Thành lại khá lận đận. Anh được HLV Weigang gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 18 tại Chiangmai (Thái Lan) cùng 3 đồng đội khác ở Đồng Tháp là Huỳnh Quốc Cường, Trần Công Minh và thủ môn Trần Thanh Nhạc. Nếu Quốc Cường và Công Minh khẳng định được vai trò xuyên suốt từ SEA Games đến Tiger Cup 1 năm sau đó thì ngược lại Tấn Thành không trụ được lâu ở tuyển.

Tấn Thành (thứ 2 từ trái sang) có mặt trong trận tái đấu nhân 20 năm chung kết Đồng Tháp- Công an TP.HCM

Dương Thu

Anh nhớ lại: “Khi đó tôi đá dự bị cho Quốc Cường và Huỳnh Đức ở hàng tiền đạo, nhưng nhiều trận tại SEA Games tôi vẫn được ra sân từ đầu để góp phần khuấy đảo đối phương. Cường và Đức, cả Minh Chiến nữa khi đó chơi quá hay, tôi không thể cạnh tranh lại dù có phong độ tốt. Phần khác tôi biết thể hình của mình không thể sánh được với các đồng đội nên chấp nhận đá dự bị. Khi nào các vị trí này bị chấn thương hay thẻ phạt lúc đó mới đến lượt tôi”.

“Đội hình trong mơ” của bóng đá Việt Nam, có đến 2 Hồng Sơn

Tuy nhiên, mỗi khi xuất hiện, Tấn Thành luôn tạo nên sự thích thú cho người hâm mộ với những pha đột phá liều lĩnh, như cố nhà báo Tường Vy từng nói “liều mình như chẳng có”. Giải thích về chuyện chạy nhiều, đôi chân đá như đi mượn chứ không phải của mình, anh nói: “Tôi không ngại đối đầu với các hậu vệ to cao của đối phương vì tôi tâm niệm đá tiền đạo là phải xông xáo, phải tìm cách ghi bàn, không thể “núp lùm” chờ thời cơ. Tôi sẵn sàng lao về phía trước, có lúc tự mình đột phá, xoay trở. Va chạm với các hậu vệ riết dần dần đã trở thành thói quen đối với tôi”.
Dù giành 2 chức vô địch quốc gia mùa bóng 1989, 1996 cùng Đồng Tháp, nhưng sự nghiệp lên tuyển quốc gia của Tấn Thành khá ngắn ngủi. Một năm sau khi giành á quân SEA Games 1995, anh mất chỗ trên hàng tiền đạo về tay Đặng Phương Nam và từ đó vắng bóng luôn trong màu áo đội tuyển.
Những tài năng vang bóng sau 1975: Trịnh Tấn Thành: 'Đen' từ đội tuyển đến ngoài đời1

Trịnh Tấn Thành làm công tác huấn luyện trẻ ở PVF

Ảnh: PVF

Lận đận trong cuộc sống

Đến giờ, người hâm mộ vùng ĐBSCL vẫn nhớ mãi hình ảnh của “Cơn lốc đen” trong pha đi bóng vào vòng 16 m 50, sau đó va chạm với thủ môn Ngô Hoàng Kiệt (Truyền hình Vĩnh Long) tại giải vô địch quốc gia mùa bóng 1999 - 2000 (ngày 8.3.2000, trên sân Vĩnh Long), dẫn đến sự cố nhiều cầu thủ chủ nhà rượt đuổi trọng tài Trương Thế Toàn khiến đội bóng này bị kỷ luật.
Nhưng đáng tiếc là sau khi giải nghệ, tưởng chừng một cầu thủ có nhiều đóng góp như anh ít nhiều cũng được ưu tiên, nhưng khi xin việc tại Sở TDTT Đồng Tháp, anh chỉ nhận được cái lắc đầu.
Thế là phải đi tìm việc khắp nơi. Sau đó, anh xin làm công nhân cắt tỉa cây xanh, tưới cây cho Công ty xây lắp và dịch vụ công cộng tỉnh Đồng Tháp. Làm công nhân cây xanh gần 2 năm, Tấn Thành xin đi học lái xe để về lái xe chở rác.

Tấn Thành làm công tác tuyển sinh

Dương Thu

Tuy nhiên, “Bóng đá đã ăn vào máu của tôi, không thể nào dứt bỏ”, Tấn Thành thổ lộ. Vì vậy những năm 2011, 2012 anh lại quay về với bóng đá khi trở thành HLV cho đội bóng phong trào của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) chi nhánh Đồng Tháp. Không lâu sau, Tấn Thành chuyển hẳn về làm lái xe cho MHB, kiêm HLV của đội bóng phong trào này. Anh đã nhanh chóng gầy dựng được đội bóng MHB Đồng Tháp khá mạnh trong các giải đấu phong trào của tỉnh và nhiều giải đấu tại khu vực ĐBSCL.
Đầu năm 2013, Tấn Thành được nhận vào làm việc tại Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF). Như cá gặp nước, ở đây không những anh được duy trì ngọn lửa đam mê với trái bóng, mà còn có cơ hội làm việc cùng với những đồng đội đã từng một thời kề vai sát cánh vì màu cờ sắc áo nước nhà. Hiện anh đang là trợ lý HLV huấn luyện lứa cầu thủ sinh năm 2005 và 2006. Ngoài ra, anh còn đảm nhiệm công việc tuyển trạch viên của PVF. Với tất cả mọi người, ấn tượng về anh là một con người vui vẻ, hòa đồng, dí dỏm, luôn mang đến tiếng cười sảng khoái cho đồng nghiệp sau những giờ làm việc vất vả.

Trịnh Tấn Thành huấn luyện ở PVF

Sau khi PVF chuyển từ TP.HCM ra Hưng Yên làm việc, Tấn Thành cũng chấp nhận dấn thân trên đất bắc. Trịnh Tấn Thành tâm sự: “Do đã có bằng HLV trong tay nên giờ tôi chỉ dành hết thời gian góp sức cùng Trung tâm PVF tìm kiếm những tài năng nhằm đào tạo ra những cầu thủ giỏi cho bóng đá nước nhà trong thời gian tới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.