Bán nhà trả… vạ
Trưởng công an xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) A Chớ cười hết miệng khi nghe hỏi chuyện bị làng phạt vạ do “quan hệ bất chính”. A Chớ nhẩm đếm rồi bảo: nhiều trường hợp lắm! Thế nhưng để biết đầu đuôi thế nào, A Chớ đưa đi tìm Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Đếm. Hôm đó là ngày giữa tuần, không hiểu vì sao anh chủ tịch này hào hứng kể chuyện “vạ làng” đến thế.
“Có phải anh cũng bị “phong tục” mà cưới vợ làng Chứ này?”, chúng tôi hỏi. Đếm không giải thích, chỉ nói gọn: “Yêu nhau ấy mà”. Còn A Chớ thì nháy mắt, cười cười nói nhỏ với chúng tôi: “Ở đây có một vài anh bộ đội có thời gian “5 cùng” với dân, giờ giống Chủ tịch Đếm làm rể làng mãi mãi. Cô dâu bây giờ cũng là cán bộ xã Ya Ly đấy”. Có thể, “chuyện người cũng là chuyện ta” nên anh Đếm bóc bụng ra trò chuyện với khách.
|
Nhấp ngụm chè đắng, Chủ tịch Đếm kể anh quê ở xã Ba Dinh (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), mấy mươi năm làm rể tại làng người Gia Rai ở đây, anh chứng kiến rất nhiều cảnh làng phạt vạ trai gái quan hệ bất chính. Điển hình nhất là cách đây khoảng 5 năm, Y Brêr đã có vợ là A Dảo, có nhà cửa ở làng Chứ. Vậy mà một lần sang làng bên uống rượu, ma xui quỷ khiến, Y Brêr lại yêu con gái làng này, thế là bỏ vợ theo gái. A Dảo ở nhà ôm con ngày nhớ đêm mong, tưởng Y Brêr làm ăn lớn nên đi xa chưa kịp nói với vợ con. Từ ngày Y Brêr đi, đêm đêm A Dảo không bao giờ đóng cửa, sợ Y Brêr về gọi cửa làm con thức giấc. Vậy mà ai ngờ, sau đó phát hiện Y Brêr ở nhà của cô gái làng bên. Thế là làng Chứ vào cuộc và bắt quả tang Y Brêr dan díu bên ngoài, đưa về làng phạt vạ. Vạ ban đầu cho cả làng ăn, uống rượu tại nhà rông là con gà trắng, con heo trắng, con dê trắng và cuối cùng là con trâu trắng “hết lớn”. Sau đó còn kèm theo hàng trăm triệu đồng, nhưng Y Brêr không có tiền, đành để lại mảnh đất và căn nhà sát mặt đường lớn (khoảng 150 triệu đồng) cho mẹ con A Dảo rồi bỏ làng đi mãi đến giờ không ai biết. “Thiệt ra, tiền phạt vạ này chính là để nuôi đứa con thôi”, Chủ tịch Đếm giải thích.
Đố ai tránh được tục làng
Ngày ở xã Ya Ly, chúng tôi nghe rất nhiều chuyện làng phạt vạ. Ngay cả nếu chưa làm lễ “bỏ mả” (sau ngày vợ hoặc chồng chết 3 năm) mà quan hệ bất chính cũng bị làng “tuyên án”. Trai gái ngủ với nhau, nếu có mang, làng cũng phạt: phạt nhẹ nếu lấy nhau, phạt nặng nếu chàng trai không lấy cô gái. Chưa hết, cả đôi nam nữ này đều không được đi trên đường chính của làng, không được uống nước ở máng nước chính của làng và đặc biệt không được bén mảng tới nhà rông.
Khi lấy nhau xong, đôi nam nữ này phải lên rừng một năm mới được về làng. Ngày trở về, làng phạt hai vợ chồng tại nhà rông. Sau đó, đôi trai gái phải lấy máu gà, máu lợn hòa lại với nhau, đi đến từng nhà trong làng, đứng trước cửa “xin” người làng thứ tội. Dần dần, làng mới xóa án cho. Điều đáng nói nữa, để tránh việc “ăn cơm trước kẻng”, nếu đôi trai gái nào lấy nhau chưa đầy năm mà đã có con, làng cũng bắt vạ như có thai trước khi cưới. Già làng A Duỗi bảo rằng, đây là tập tục “cứng rắn” nhưng mà hay, vì chỉ có như vậy trai gái mới giữ được nếp làng. “Nếu không nộp vạ mà bỏ làng đi mất thì sao?”, chúng tôi hỏi. Già A Duỗi nói chắc nịch: Thì cha mẹ hai bên gia đình phải chịu. Nhà nghèo thì làng đi bắt gà, heo, dê và trâu giùm, sau đó nhà bị phạt vạ phải trả từ từ. “Có ai thoát vạ này không?”. “Không ai tránh được vạ khi phạm tục làng đâu”.
Cách đây mấy năm, có một giáo viên người Kinh về dạy tại làng Tum. Trong một ngày uống rượu ghè tại nhà cô Y Blêu, anh giáo viên say quá nên ngủ lại. Thời gian sau, Y Blêu có thai và khai tác giả là anh giáo viên. Làng bắt anh giáo viên nọ phạt vạ. Thế nhưng anh giáo viên không chịu “sản phẩm” sau lần say rượu ấy là của mình. Các già trong làng đành phải tìm “chính chủ” theo luật tục. Buổi sáng hôm ấy, làng bắt ba thanh niên có quan hệ với Y Blêu ra con suối làng Tum, trong đó có anh giáo viên này. Già làng hô một tiếng, ba thanh niên lặn úp mặt xuống nước, ai nổi đầu lên trước thì người đó là… tác giả. Cuối cùng, anh giáo viên ngoi đầu lên đầu tiên. Thế nhưng chưa bội phục, làng bắt ba thanh niên chặt mỗi người một cây le cắm ở máng nước chính của làng. Lá cây le của ai héo trước, thì đó là cha của đứa bé. Lần này, lá le của anh giáo viên cũng héo trước. Thế là làng cứ theo luật mà thi hành, anh giáo viên nọ phải bỏ tiền túi, mượn vay của gia đình mới đủ nộp phạt cho làng (để nuôi đứa bé sau này). Chủ tịch Đếm kể lại hôm phạt vạ anh giáo viên tại nhà rông làng Tum, làng có mời chính quyền chứng kiến. Vài năm sau, anh giáo viên xin chuyển công tác đi đâu mất. Còn Y Blêu giờ đã có chồng, có thêm đứa con nữa.
Đến hôm nay, vạ làng ấy vẫn còn, nhưng biến tướng ít nhiều. A Chớ bảo, có người Kinh bị phạt vạ, có khi mua trâu trắng không được, đành mua trâu đen rồi… sơn trắng, sau đó dắt về cho làng ăn vạ. Theo A Chớ, ngay đến bây giờ, thanh niên đi mua gà trắng, heo trắng, dê trắng và trâu trắng rất khó. “Làng khác người ta không bán, vì biết ngay là bị phạt vạ, bán cho họ rất xui. Do đó thanh niên bây giờ bị phạt vạ, đều nhờ các già làng đi mua dùm, nói là mua về cúng lễ”, A Chớ kể. |
Phạm Anh
>> Bí ẩn phong tục tàn bạo thời đồ đá
>> Cảnh đẹp yên bình nơi làng quê Mỹ
>> Làng quê dậy sóng vì casino
Bình luận (0)