Theo Bloomberg, nếu bạn muốn sống ở nơi là tâm điểm của tăng trưởng kinh tế thế giới vài thập niên tới, hãy đến những nơi như là thành phố Phật Sơn (Trung Quốc), Kigali (Rwanda) hay Belo Horizonte (Brazil). Báo cáo mới của nhà kinh tế James Pomeroy thuộc ngân hàng HSBC cho hay nhiều đô thị vốn đang đứng hàng sau trên trường quốc tế sẽ trở thành các yếu tố đóng góp nhiều nhất cho hoạt động kinh tế thế giới. Tất cả là nhờ mức tăng dân số nhanh.
Nghiên cứu của McKinsey và Liên Hiệp Quốc cho hay trong khi nhiều nước giàu hơn đang có mức đô thị hóa cao hơn, tỷ lệ dân cư đô thị trên nông thôn ở những nền kinh tế mới nổi được cho là tăng 63% trong năm 2050 từ mức 50% ở thời điểm hiện tại. Đến năm 2050, khoảng 5 tỉ người, tức hơn một nửa dân số thế giới, sẽ sống ở các thị trường mới nổi, những nơi chiếm một nửa sức tăng GDP toàn cầu.
Chuyên gia Pomeroy cho hay: “Sự đi lên của các thành phố cỡ vừa ở những thị trường mới nổi, cả về quy mô và sự giàu có, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư cần tập trung nhiều hơn vào thị trường mới nổi và các quyết định chính sách ở đây. Những đô thị này sẽ bắt đầu đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu và hiểu biết về những gì đang diễn ra ở đây thậm chí còn quan trọng hơn”.
|
Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải cân bằng thành tựu của đô thị hóa, chẳng hạn như quy mô nền kinh tế, năng suất và cơ sở hạ tầng, với trở ngại tiềm tàng, chẳng hạn như ô nhiễm, mức độ tội phạm và giao thông thiếu trật tự. Nếu các nước phát triển không làm tốt, những điểm yếu trên sẽ gây ảnh hưởng đến tiềm năng kinh tế.
Hiện Trung Quốc đang tập trung xây dựng các thành phố tốt hơn khi phát triển khu vực Xiongan New Area cách thủ đô Bắc Kinh hai tiếng lái xe. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu biến thành phố buồn tẻ này thành trung tâm cho giới doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới và là chiếc van cho nguồn vốn dồi dào.
|
Dù vậy, các đô thị sẽ hưởng mức tăng dân số lớn nhất thế giới có lẽ nằm ở châu Phi. Dự kiến, thủ đô Kigali của Rwanda sẽ tăng gấp đôi dân số hiện thời là 1,3 triệu người trong 15 năm tới. Để chuẩn bị cho sự thay đổi này, chính quyền đô thị phát triển kế hoạch tổng thể cho giao thông vận tải và nhà ở, đặt mục tiêu là thành phố không có khu ổ chuột.
Tăng trưởng không theo kế hoạch là điểm yếu của nhiều nơi đô thị hóa quá nhanh, chẳng hạn như Karachi (Pakistan), Lagos (Nigeria) và Dhaka (Bangladesh). Song đây sẽ là những đô thị thuộc top 10 đông dân nhất thế giới. Đến năm 2030, 81 trong số 100 thành phố đông dân nhất thế giới sẽ thuộc các thị trường mới nổi.
Trong khi đó, thị trường phát triển đang đối mặt với dân số già, tỷ lệ người dân sống ở thành phố đạt đến mức đỉnh điểm. Những đô thị mà nhà đầu tư phương Tây chưa từng nghe tới có thể đóng góp nhiều cho tăng trưởng GDP toàn cầu hơn là Geneva (Thụy Sĩ), Berlin (Đức) hay Milan (Ý).
tin liên quan
Ấn Độ khiến thế giới 'thèm thuồng' với tốc độ tăng trưởng khủngTốc độ tăng trưởng chóng mặt của quốc gia Nam Á có chậm lại, nhưng chưa đủ để tước mất danh hiệu nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.
Bình luận (0)