Những thành phố ngủ sớm

26/09/2011 17:55 GMT+7

(TNO) Được mệnh danh là thành phố du lịch, thành phố festival, thành phố di sản… nhưng người Huế vẫn chưa biết thức khuya để kiếm tiền từ du khách.

Đến Huế để… ngủ!

Một đồng nghiệp ở tạp chí Heritage đến Huế, sau khi ngồi lai rai với chúng tôi ở sân thượng nhà hàng Festival đến 23 giờ. Quán nghỉ. “Chả lẽ đến Huế để ngủ?”, anh buồn rầu. Chiều khách, chúng tôi lên taxi và dạo quanh một vòng thành phố, nhưng chẳng có nơi nào “phù hợp” để dừng chân. Muốn có một không gian đẹp, ngồi uống vài ly rượu, nghe vài bản ca Huế “rin”… nhưng chẳng tìm thấy.

Cuối cùng, mấy anh em đành lên ga Huế ngồi ngắm trời mưa, rít thuốc lào, nhai kẹo lạc và nghe tiếng còi tàu… Dịch vụ về đêm của Huế quá nghèo nàn. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài điểm ăn khuya như: Phố cháo gà (người Huế thường gọi là Ngõ vắng xôn xao, ở đường Trần Hưng Đạo), chợ An Cựu, chợ Bến Ngự, Mai Thúc Loan... Nhưng những điểm “ăn khuya” này lại không đạt chuẩn về hạ tầng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lẫn cung cách phục vụ… để làm vừa lòng du khách.

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, song du lịch ở Thừa Thiên - Huế vẫn còn quá nghèo nàn về dịch vụ để giữ chân khách. Doanh thu du lịch chủ yếu ở lĩnh vực lưu trú, dịch vụ ăn uống và vận chuyển, trong khi dịch vụ mua sắm và vui chơi giải trí chỉ chiếm khoảng 10%. Dịch vụ này nhiều năm qua không có gì mới, ngoài một số shop thời trang nhỏ lẻ trên vài tuyến phố như Phạm Ngũ Lão, Hùng Vương, Bến Nghé… Dịch vụ vui chơi giải trí về đêm hiện chỉ có ca Huế trên sông Hương, nhưng thời gian quy định không quá 22 giờ. Bar DMZ trước khách sạn Century vẫn là điểm giải trí “ngủ muộn” nhất dành cho du khách, mở cửa từ 7 giờ sáng đến 2 - 3 giờ sáng hôm sau. Nhiều du khách, kể cả nước ngoài đến đây đều cảm nhận, DMZ là căn nhà bé nhỏ nhưng đầy ấm cúng của TP Huế về đêm...

Vì vậy, không ít khách du lịch đến Huế đều cảm thấy hụt hẫng. Nhiều du khách ra thăm Huế vào ban ngày, tối đến, quay vào Đà Nẵng hay Hội An để tìm sự sôi động.

Sẽ “thức khuya”...

Thời gian qua, Huế cũng đã có nhiều nỗ lực tạo ra những điểm đến, những khu vui chơi về đêm để níu kéo du khách. Ra mắt từ Festival 2006, rồi trở thành một sản phẩm dịch vụ du lịch đầy hấp dẫn và mới lạ nhưng “Đêm Hoàng Cung” ở Đại Nội cũng không “sống nổi” đành phải “hạ màn” trong sự nuối tiếc của nhiều người dân Huế và du khách gần xa.

Từ Festival Huế 2004, UBND TP Huế đã chọn con đường Nguyễn Đình Chiểu chạy dọc bờ nam sông Hương thơ mộng để làm phố đi bộ. Ngoài các kỳ Festival, con phố này hiện tại vẫn chưa có các dịch vụ du lịch và ẩm thực được triển khai nên không thu hút được du khách.

Gần đây, vào các đêm cuối tuần trên đường Nguyễn Đình Chiểu, UBND TP Huế đã cho phép Công ty Du lịch Sài Gòn Morin tổ chức chương trình khám phá món ngon Nam bộ. Nhưng hạn chế ở đây là thiếu vắng các món ăn đặc sản của Huế.

“Đến Huế là để thưởng thức nét độc đáo của Huế, chứ đến để ăn món Nam bộ thì vào miền Nam ăn sướng hơn”, một du khách tâm sự. Dù còn hạn chế, nhưng Tuần văn hóa ẩm thực phương Nam đã góp phần làm cho Huế “sáng đèn” và “thức khuya” hơn, mang lại không gian đêm cho du khách sau một ngày khám phá thành quách, đền đài, lăng tẩm.

Những người làm quản lý du lịch ở Huế từng trăn trở để có một “Huế thức khuya”. Cách đây gần chục năm, tại một hội thảo về dịch vụ du lịch, ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch UBND tỉnh thời điểm đó đã than phiền: “Một thành phố du lịch nhưng về đêm Huế chẳng có gì để cho du khách thưởng thức. Chả lẽ bỏ tiền, đi một hành trình dài đến Huế chỉ để... ngủ?”. Câu hỏi do vị chủ tịch UBND tỉnh hai nhiệm kỳ trước đặt ra, đến nay dù các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực, nhưng xem ra Huế chưa thực sự là thành phố biết thức khuya để kiếm tiền từ du khách.

Đêm ở TP Đông Hà

Gọi Đông Hà là thành phố ngủ sớm cũng đúng bởi thường khoảng 9 giờ tối, khi ra đường chỉ còn lèo tèo vài bóng người phóng vội xe về nhà.

Đi vào giờ này chỉ có các cột đèn đường là bạn bởi phố phường đã vắng teo, các quầy hàng lục đục dọn dẹp, đóng cửa, muốn mua một thứ gì đó cũng khó khăn. Đêm, muốn được vui chơi một chút chẳng có việc gì khác ngoài… đi nhậu.

Chưa hẳn toàn bộ người dân Đông Hà thích thế nhưng họ thực sự không có sự lựa chọn, dần dà rồi già trẻ, gái trai cũng quen. Thật khó cho các đơn vị tổ chức tour du lịch “cực chẳng đã” dừng lại đêm ở Đông Hà, bởi họ chẳng biết “chiêu đãi” các vị “thượng đế” của mình bằng “món” gì.

Một sự thật phủ phàng rằng hiện nay tại TP Đông Hà không có một tụ điểm văn hóa về đêm nào đúng nghĩa hoặc nếu có cũng hoạt động trầy trật. Rạp chiếu phim được xây dựng quá lâu, xuống cấp trầm trọng và chỉ chiếu những bộ phim được phát hành từ… vài tháng trước, đã tràn ngập trên mạng.

Trung tâm văn hóa tỉnh được xây dựng rất hoành tráng, đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng hằng đêm vẫn… tắt đèn vì không tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật quy mô. Dành cho con trẻ cũng có một chỗ chơi nho nhỏ ở Nhà văn hóa thiếu nhi nhưng chỉ hoạt động vào các đêm cuối tuần. Thậm chí, đến một khu chợ đêm bán các thứ lặt vặt để mọi người đi thăm thú, giải khuây cũng không có nốt…

Một nữ viên chức thuộc thế hệ 8X sống trên đường Nguyễn Trãi kết luận: “Đến tôi sống ở Đông Hà đây mà về đêm cũng chẳng biết làm gì, đi đâu thì làm sao người từ nơi khác biết cho được…”.

Nguyễn Phúc

Bùi Ngọc Long - Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.