Những 'thiên đường' mua sắm giá rẻ không lo cháy túi

18/08/2024 08:00 GMT+7

Hầu hết tân sinh viên học ở thành phố đều gặp phải tình trạng chưa hết tháng đã "cháy túi". Dưới đây là những gợi ý về địa điểm mua sắm giá rẻ cũng như những kinh nghiệm chi tiêu hữu ích dành cho sinh viên.

Địa điểm mua sắm phù hợp túi tiền sinh viên

Địa điểm đầu tiên không thể không nhắc đến là chợ đêm ở Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM. Được mở bán vào buổi tối, chợ đêm luôn thu hút đông sinh viên đến mua sắm bởi giá cả hợp lý và mẫu mã đa dạng, từ thời trang nam, nữ, ba lô, giày dép, trang sức, phụ kiện điện thoại cho đến đồ gia dụng. Điều quan trọng là mức giá phù hợp với túi tiền sinh viên vì chỉ từ vài chục ngàn đồng; trong đó có nhiều mặt hàng quần áo giá rẻ đồng giá 35.000 - 40.000 đồng.

Là khách hàng quen thuộc của chợ đêm Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, Nguyễn Thanh Hậu, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: "Lúc mới đến thành phố, mình được chị gái đưa ra đây để mua sắm các đồ dùng sinh hoạt như gối, thau giặt đồ, khăn, mền… Bây giờ mỗi khi cần mua quần áo mới hay giày dép, mình sẽ nghĩ ngay đến chợ đêm. Ở đây có đa dạng mặt hàng, giá cả thì phù hợp với túi tiền sinh viên tụi mình, người bán cũng rất dễ thương". Ngoài ra, tại chợ đêm này còn bán rất nhiều đồ ăn, thức uống, từ món ăn chính cho đến đồ ăn vặt.

Những 'thiên đường' mua sắm giá rẻ không lo cháy túi- Ảnh 1.

Chợ đêm Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM là một trong những địa điểm mua sắm giá rẻ thu hút rất đông sinh viên

THẢO PHƯƠNG

Ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) còn có một "thiên đường" mua sắm giá rẻ khác cũng rất nổi tiếng với sinh viên, đó là chợ đêm Bắc Ninh. Chợ đêm Bắc Ninh nằm ở đường Nguyễn Bá Luật, P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức. Vì là chợ đêm nên nơi đây tấp nập nhất trong khoảng thời gian từ 16 - 22 giờ. Cũng giống như chợ đêm ở Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, chợ đêm Bắc Ninh có đa dạng các mặt hàng thời trang nam, nữ, giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

Một khu chợ thời trang khác cũng khá nổi tiếng mà không thể không nhắc đến mỗi lần đi mua sắm của sinh viên TP.HCM là chợ Hạnh Thông Tây, nằm trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp). Được biết đến là một khu chợ có đồ đẹp và giá cả khá phải chăng, tuy nhiên kinh nghiệm được chia sẻ từ những bạn trẻ đã mua sắm ở đây là phải biết trả giá.

Đã từng trải nghiệm mua sắm ở cả 3 khu chợ trên, Trần Ngọc Ánh Trúc (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Trong suốt 4 năm đại học và bây giờ khi đã đi làm, thỉnh thoảng mình vẫn ghé đến những khu chợ trên để mua sắm. Giá cả các mặt hàng thời trang khá rẻ, theo kịp "trend" và chất lượng cũng ổn".

Ngoài những khu chợ thì cung đường mua sắm thời trang sầm uất ở đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) cũng thu hút rất đông người trẻ. Có rất nhiều cửa hàng thời trang nằm dọc hai bên đường, từ những thương hiệu có tiếng cho đến những sạp hàng bình dân. Con đường này chủ yếu kinh doanh thời trang nam nữ, phụ kiện và giày dép.

Những 'thiên đường' mua sắm giá rẻ không lo cháy túi- Ảnh 2.

Một tiệm sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn (Q.5, TP.HCM)

THẢO PHƯƠNG

"Bỏ túi" những bí kíp quản lý chi tiêu

Muốn mua sách, giáo trình cũ, sinh viên có thể đến phố sách cũ Trần Nhân Tôn (Q.5, TP.HCM). Hiện tại, dọc con đường này có một số cửa hàng bán và thu mua sách cũ. Ở đây có rất nhiều loại sách với những chủ đề, thể loại khác nhau.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên còn truyền nhau bí kíp mua giáo trình giá rẻ bằng cách vào các hội nhóm dành cho sinh viên để săn giáo trình cũ từ những anh chị khóa trên. "Mình hay vào các hội nhóm sinh viên ở ký túc xá hoặc trường đại học để tìm mua giáo trình cũ từ các anh chị khóa trên với giá rất rẻ, chỉ từ 15.000 đồng. Có nhiều anh chị còn tặng sách kèm tài liệu chứ không lấy tiền", Võ Hoàng Nhật, sinh viên ngụ khu B, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ.

Rời xa vòng tay gia đình, các bạn trẻ bước vào cuộc sống sinh viên, đồng nghĩa với việc sẽ phải tự lập và học cách quản lý chi tiêu. Vậy sinh viên nên quản lý tài chính thế nào để không rơi vào cảnh chưa hết tháng đã cạn tiền?

Trần Thanh Hằng (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, chia sẻ bí quyết: "Mình sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu để ghi chú lại những khoản tiền đã tiêu trong ngày cho dễ kiểm soát. Đầu tháng, sau khi ba mẹ chuyển tiền sinh hoạt, mình sẽ chia nhỏ từng khoản tiền dành cho những việc khác nhau một cách rõ ràng để tránh việc tiêu... lố. Sau này, để chi tiêu thoải mái hơn, mình đã tận dụng thời gian rảnh để đi làm thêm".

Chỉ ra một số cách giúp sinh viên chi tiêu sao cho hợp lý, thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên của Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: "Sinh viên nên chia sẻ chi phí với bạn bè bằng cách ở trọ ghép để giảm chi phí; chia sẻ sách, tài liệu từ những sinh viên khóa trên hoặc bạn bè. Quản lý chi tiêu mỗi ngày bằng việc lập bảng chi tiêu cụ thể trong sổ tay hoặc ứng dụng chi tiêu. Sinh viên có thể tìm kiếm công việc làm thêm để trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng và có thêm thu nhập. Đồng thời, các bạn hãy nỗ lực học tập để đạt học bổng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.