Những thông tin đáng chú ý

07/05/2008 01:14 GMT+7

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã có ý kiến chính thức về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ làm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch qua các bài phỏng vấn đăng trên Báo Lao động, Sài Gòn giải phóng số ra ngày hôm qua và đăng trên Thanh Niên hôm nay. Chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin để bạn đọc hiểu thực chất của vấn đề.

1- Theo chúng tôi biết, những vấn đề của ông Nguyễn Quốc Kỳ không chỉ là "những thông tin bên ngoài", mà đã được phản ánh lên các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm. Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, do biết có vấn đề, nên khi nghe tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ làm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đề nghị hoãn việc công bố quyết định. Một cán bộ có trách nhiệm của Văn phòng Trung ương Đảng đã gọi điện trực tiếp cho Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh để truyền đạt ý kiến của đồng chí Trương Tấn Sang, lúc đó Bộ trưởng đang công tác tại Campuchia. Nhưng hai ngày sau, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vẫn tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ.

2- Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng cho Thanh Niên biết: Tại buổi gặp mặt nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khi hay tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ, bà Thắng đã góp ý với ông Nguyễn Danh Thái, Thứ trưởng bộ này. Bà Thắng phản đối việc bổ nhiệm ông Kỳ. Bà nêu: Thứ nhất, tại sao có nhiều người đủ năng lực và đạo đức lại không được chọn mà chọn ông Kỳ vào chức vụ này ? Thứ hai, nếu Bộ bổ nhiệm ông Kỳ thì chắc chắn các công ty du lịch trong nước sẽ không đồng tình và không phục. Lúc đó ông Nguyễn Danh Thái nói với bà Thắng là Bộ chưa bàn đến việc này.

3- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ca ngợi ông Nguyễn Quốc Kỳ đã xây dựng Viettravel "thành một DN có tên tuổi của ngành với doanh thu hàng trăm tỉ đồng và tạo việc làm cho 600 lao động" (Báo , 6.5.2008). Thực chất là như thế nào?

Được thành lập vào ngày 20.12.1995 trên cơ sở của Trung tâm Tiếp thị và Du lịch (Tracodi Tours), trong hơn 10 năm qua Viettravel đã được trao tặng hàng loạt danh hiệu. Từ Huân chương Lao động hạng ba (2001), Huân chương Lao động hạng nhì (2005), Cờ thi đua "Đơn vị thi đua xuất sắc" trong các năm 2001, 2002, 2003, 2004 do Công đoàn Bộ Giao thông vận tải trao tặng. Từ năm 2001 đến nay, Viettravel liên tiếp nhận các danh hiệu, trong đó có "Du lịch lữ hành được hài lòng nhất" do độc giả Báo Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn (2002, 2003, 2004, 2005), "Thương hiệu Việt được yêu thích nhất" do độc giả Báo Doanh nhân bình chọn (2004)... Mới nhất là danh hiệu “Doanh nghiệp du lịch xuất sắc nhất năm 2007” của Báo The Guide... Ngoài ra, Viettravel còn nhận được nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen khác của nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước... Bên cạnh những danh hiệu cao quý tặng cho Viettravel, cá nhân ông Nguyễn Quốc Kỳ còn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Tuy nhiên, mặc dù hoạt động rất đình đám và được trao tặng nhiều danh hiệu như thế nhưng thực tế hiệu quả kinh doanh của Viettravel lại quá thấp so với các công ty du lịch khác có quy mô nhỏ hơn. Hãy xem hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong hai năm gần đây:

Năm 2006, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Viettravel là 483,4 tỉ đồng, trừ đi các khoản chi phí thì phần lợi nhuận trước thuế còn lại là 1,653 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1,19 tỉ đồng.

Năm 2007, tổng doanh thu của Công ty Viettravel là hơn 431 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế cũng ở mức thấp 1,844 tỉ đồng và sau thuế là 1,327 tỉ đồng.

Điều này càng bất ngờ hơn khi mức lãi bình quân của các công ty du lịch khoảng 4 - 5 tỉ đồng/năm. Trong đó, những công ty khác ít tên tuổi hơn lại hoạt động hiệu quả hơn. Chẳng hạn, năm 2007, Công ty du lịch Bến Thành Tourist lãi 15 tỉ đồng, Công ty du lịch Fiditourist lãi 8 tỉ...

Một doanh nghiệp chỉ làm ra lợi nhuận ở mức hơn 1 tỉ đồng/năm mà được tặng Huân chương Lao động và đủ các thứ danh hiệu, được coi là doanh nghiệp “hàng đầu” của ngành du lịch thì thật là lạ lùng. Người ta có thể đặt câu hỏi: các cơ quan, tổ chức trao tặng cho Viettravel những danh hiệu đó có xem xét hiệu quả kinh doanh thật của nó hay không ? Và Tổng giám đốc của doanh nghiệp làm ra lợi nhuận mỗi năm chỉ hơn 1 tỉ đồng đó có thật sự là nhân tài nổi trội để cho lãnh đạo Bộ VH-TT-DL bất chấp tiền sự “gợi ý và nhận hối lộ” của người này mà đưa lên làm nhân vật đứng đầu quản lý Nhà nước ngành du lịch? Thật vô cùng khó hiểu.

Nhóm PV thời sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.