Những thông tin quan trọng về đề thi

16/06/2011 22:52 GMT+7

Từ tuần tới, nhiều địa phương tổ chức thi tuyển vào lớp 10. Lãnh đạo các sở và nhiều giáo viên có kinh nghiệm định hướng cho thí sinh những thông tin quan trọng trước ngày thi.

TP.HCM: Đề có 30% phân loại trình độ học sinh

Ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là các kiến thức của lớp 9. Trong đó, 70% là kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành, 30% còn lại nhằm mục đích phân loại trình độ HS. Đề thi các môn chuyên sẽ khó hơn để chọn những HS có năng khiếu. Cấu trúc đề có 60% số lượng câu hỏi xoay quanh kiến thức cơ bản và 40% nội dung còn lại là những câu hỏi thông minh”.


Giáo viên trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) hướng dẫn phụ huynh cách thức nộp hồ sơ dự thi lớp 10 cho con em mình - Ảnh: Đ.N.T  

Về đề thi môn ngữ văn, ông Chương nhấn mạnh: “Để tránh tình trạng HS học vẹt, học tủ, lệ thuộc vào các bài văn mẫu nên sở tiếp tục thực hiện biên soạn đề theo hướng mở. Tuy nhiên để tránh những vấn đề còn gây tranh cãi, chưa rõ ràng, những người được giao trách nhiệm làm đề sẽ chú ý chi tiết từng câu, từng chữ”.

Nói về quy trình ra đề thi, ông Chương cho biết: “Sở có một ngân hàng đề thi dành cho tuyển sinh lớp 10 và được cập nhật thường xuyên. Khi hội đồng đề thi vào khu vực cách ly sẽ chọn mỗi môn 5 đề từ ngân hàng đề thi, sau đó ban ra đề của từng môn sử dụng nội dung trong 5 đề đó để làm thành một đề thi chính thức và một đề dự bị. Tiếp theo, đề thi sẽ được phản biện và chủ tịch hội đồng đề thi sẽ thông qua. Từ đó, hội đồng sao in thực hiện sao in và niêm phong đề cho từng phòng thi. Trước mỗi môn thi, đề thi sẽ được chuyển tới các hội đồng thi dưới sự giám sát của lực lượng an ninh”.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học này có 65% HS được vào trường THPT công lập. Tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập ở TP.HCM là 58.590 HS, tăng 2.862 chỉ tiêu so với năm học trước, số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS là 76.980 em. Tỷ lệ tuyển vào lớp 10 chung của toàn TP là 76,11% (năm học trước là 71,67%)

Trong đợt kiểm tra học kỳ 2 lớp 9 vừa qua, HS tại TP.HCM xôn xao vụ lộ đề mà đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân. Khi đặt vấn đề bảo mật đề thi, ông Chương giải thích: “Trước ngày thi 5 ngày, sở ra quyết định triệu tập thành viên hội đồng đề thi. Đây là những người có năng lực, có đạo đức xã hội và đặc biệt không tham gia dạy luyện thi các môn thi của kỳ thi này. Tất cả những người này đều bị cách ly cho đến khi kỳ thi kết thúc mới được ra ngoài. Và tầm quan trọng của đề kiểm tra cuối học kỳ khác với đề thi tuyển sinh lớp 10 nên đề kiểm tra chỉ do chuyên viên phụ trách bộ môn của sở biên soạn. Sau khi lãnh đạo sở thẩm định, người ra đề sẽ photo thành 24 bản, niêm phong rồi giao cho phòng GD các quận, huyện. Từ đó, các địa phương có nhiệm vụ sao in cho tất cả HS trên địa bàn”.

Với quy trình và cách ra đề thi như vậy nên ông Chương khẳng định rằng thí sinh yên tâm bước vào kỳ thi vì đề thi do sở biên soạn, thí sinh dù ôn thi ở trung tâm hay trường THCS nào thì cơ hội cũng như nhau.

Hà Nội: Đề thi có tính phân hóa cao

Theo chủ trương về cách ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT của Sở GD-ĐT Hà Nội, đề thi năm nay sẽ có tính phân hóa cao. Mỗi đề thi (toán, văn) sẽ có khoảng 4-5 câu hỏi, yêu cầu kiểm tra kiến thức đối với thí sinh tương đối rộng; sẽ không có những câu hỏi kiểm tra kiến thức của một bài cụ thể nên thí sinh phải nắm kiến thức bao quát toàn bộ chương trình. Vì thế HS học vẹt, học tủ sẽ không thể làm được bài.

Cô Nguyễn Thanh Hà - giáo viên dạy văn trường THCS Thành Công - TP Hà Nội lưu ý HS một số điều về bài thi môn ngữ văn như sau: Trong quá trình làm bài thi, HS chú ý sử dụng kỹ năng hợp lý cho từng loại câu hỏi.  Đề bài sẽ có thang điểm 4-6 hoặc 3-7; phần 4 hoặc 3 điểm sẽ là các câu hỏi nhỏ, kiểm tra kiến thức; phần câu hỏi 6, 7 điểm sẽ có 4 điểm cho câu hỏi viết đoạn văn. Trọng tâm của đề là yêu cầu viết đoạn văn. Ở bài cảm thụ văn học, thường đề thi chỉ hỏi một ý trong toàn bộ văn bản (tác phẩm) và yêu cầu HS viết một đoạn tối đa từ 10 - 12 câu. HS phải nắm vững kiến thức về cấu trúc đoạn, phân bổ số lượng câu trong mỗi đoạn cho phù hợp. Đối với phần này, HS phải có kỹ năng phân tích đề, xác định thật trúng chủ đề mà đề bài yêu cầu, tránh lan man sang những vấn đề đề thi không đề cập. Khi viết phải có kỹ năng nối ý, dẫn dắt cho liền mạch.

Ở môn toán, ông Nguyễn Quang Phương - giáo viên dạy toán lớp 9 trường THCS Nguyễn Trường Tộ - Q.Đống Đa - Hà Nội, đưa ra một số hướng dẫn như sau: Trong một đề thi toán những năm gần đây thường có 5 dạng bài, tính phân hóa đề thi sẽ thể hiện ngay trong mỗi dạng bài đó. Tuy nhiên, có những dạng bài HS hay mắc phải sai sót: ở bài dạng hình nhiều HS bị mất điểm do trình bày cẩu thả. Ở dạng bài giải toán, HS lưu ý phải làm đủ 3 bước: lập phương trình, giải phương trình và trả lời. Trong khi lập phương trình thì yêu cầu là phải biểu diễn những số chưa biết nhưng HS thường quên và bỏ qua phần này hoặc trong khi biểu diễn các số chưa biết, HS thường quên đơn vị.

Để có thể làm tốt bài thi, HS không nên quá sa đà vào những câu hỏi khó, nên làm trước những dạng bài quen thuộc.

Bích Thanh - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.