Những thương hiệu bình dân

18/02/2012 09:37 GMT+7

Tại nhiều con phố ở Hà Nội có những món hàng không cần quảng bá, không cần sang trọng mà lăn lóc nơi góc phố, nhưng khách hàng cứ đông nườm nượp.

Tại nhiều con phố ở Hà Nội có những món hàng không cần quảng bá, không cần sang trọng mà lăn lóc nơi góc phố, nhưng khách hàng cứ đông nườm nượp.

Suốt quãng phố dài hàng trăm mét là những chiếc ghế nhựa kê sát vào nhau ở quán trà chanh nối dài. Mùa đông, gió thổi vù vù ngoài đường cũng không ngăn được những tốp khách liên tục đến quán. “Các em uống gì nhỉ?” - chàng thanh niên ngồi bán hàng ân cần hỏi một nhóm khách mới vào. “Năm trà nóng và hai trân châu, một chè khoai môn”.

Trà mạn cho giới trẻ

“Nhiều người Hà Nội thích uống trà mạn, hẳn thế! Nhưng đa số là những người đã có tuổi. Còn lớp trẻ hơn mươi năm trước lại đổ xô tìm những cốc trà chanh pha sẵn. Tôi uống thử trà túi lọc thì thấy thua đứt trà mạn, vị khác chỉ bởi chanh và đường” - ông Trương Ngọc Toán, chủ quán trà chanh ở số 31 Đào Duy Từ, kể về căn nguyên ra đời những ly trà mạn hương nhài pha loãng, bỏ thêm đường, vắt thêm chanh đang hút khách của mình. Khách hàng giới trẻ sau này gọi là “trà chanh”.

 
Dưa cà của bà Boong đã trở thành thương hiệu nổi tiếng với nhiều người - Ảnh: H.Điệp

“Buổi sáng bán cà phê cho lứa trung niên, buổi trưa vừa trà vừa cà phê cho lớp công chức, tối bán trà chanh cho tuổi teen. Bảy người trong gia đình, cả dâu rể và trai gái cùng 20 nhân viên phục vụ khách” - anh Trương Ngọc Nam, con trai ông Toán, luôn tay vắt chanh vào ly trà tự hào khoe. Mùa hè thì trà chanh đá, mùa đông trà chanh nóng, không chát, không đắng, món ăn vặt có thêm bát chè ngọt khoai môn, trân châu, đỗ đen... do con dâu ông Toán nấu. Bận rộn từ sáng đến tối nên bảy người trong gia đình ông chia nhau ra đứng bán hàng và không chỉ ở địa chỉ 31 mà cả dãy nhà từ 21 đến 31 đều được ông Toán thuê hết.

Nam phụ trách bán hàng từ 2g chiều đến tối, vừa mới từ nước ngoài trở về với quán trà khi ông Toán bảo: “Chả đâu bằng nhà mình, về thôi con”. Vậy là chàng trai sinh năm 1982 từ bỏ công việc của một nhiếp ảnh gia kiêm người mẫu để trở về VN ngồi bán trà.

Nam miệng không ngừng hỏi khách dùng trà gì, nóng hay đá, nhiều đường hay ít đường và nói: “Muốn bán được hàng phải năng nói chuyện với khách. Bố dạy tôi thế đấy”. Thế nên sẽ không lạ khi có những vị khách uống cà phê chui trong bếp nhà ông Toán từ những năm 1980 và giờ con của họ lại đến đây uống trà chanh.

Bà Boong “dưa cà”

Bà Boong là tên mà người dân chợ Hàng Bè đặt cho bà Nguyễn Thị Hợi. Bà Hợi, 83 tuổi, có hàm răng đen nhánh như hạt na và đều tăm tắp cứ cười ngất bảo: “Cái tên Boong chỉ ở đây gọi thôi, cũng không biết tại sao người ta gọi thế. Boong là thương hiệu của món dưa cà, mắm tôm, mắm tép của tôi”.

Nhà bà Hợi vốn không phải ở phố Hàng Bè mà ở ngõ chợ Khâm Thiên. “Nhỏ tí tôi đã quen với mùi dưa cà. Biết phân biệt mùi nước chua hay chưa chua, nhìn quả cà biết giòn hay ỉu” - bà Hợi kể. Và khi biết cầm con dao nhỏ, bà đã biết ngồi cắt những cuống cà giúp mẹ. Lớn chút nữa pha nước muối cà, rửa rau dưa... Đến khi đứng cao hơn đôi quang mây thì mẹ cho gánh dưa đi theo bán ở chợ Hàng Bè.

Đó là câu chuyện khởi đầu từ những năm 1940, đến sau khi đất nước thống nhất năm 1975 bà Hợi vẫn bán cà. Có một dạo bà nghỉ vì sợ chồng mang tiếng có vợ là “tiểu thương”, nhưng cuối những năm 1980 xóa bỏ bao cấp, bà Hợi lại tiếp tục muối cà... Đến nay đã ngót 40 năm. Mấy chục năm bán dưa, cà muối, mắm tôm, mắm tép, bà không chỉ nổi tiếng với các loại dưa cải vừa đủ chua, không khú cùng những quả cà muối đủ chua và giòn tan. Bà khoe: “Bốn đứa con đều học đại học và mỗi đứa bây giờ đều có hai cơ ngơi”.

Bà Hợi thường ngồi bán dưa cà từ 6g sáng đến 10g trưa, đến giờ ấy ngồi là để những bạn hàng lâu năm cung cấp nguyên liệu cho đến đưa hàng và lấy tiền. Anh Sang, ở Gia Lâm (Hà Nội), chở cho bà Hợi 50kg cà pháo, bảo: “Nhà tôi đưa hàng cho bà Boong từ thời mẹ vợ, mẹ vợ mất giao lại mối cho vợ chồng tôi. Mình cung cấp rau quả hằng ngày nhưng nếu muốn ăn dưa cà muối ngon thì mua lại của bà”. Bà Hợi cho biết mắm tôm, mắm tép lấy từ Thanh Hóa, cà, rau cải, hành từ Gia Lâm.

Gian hàng nhỏ, người ra người vào tấp nập, tất cả đều bận rộn không ngừng nghỉ. 11g, chị Hằng, con gái út của bà Hợi, mới đến thay cho mẹ. Bà Hợi đón taxi về. Bà bảo chợ Hàng Bè bị giải tỏa nên số lượng bán giảm. Thế nhưng Tết Nguyên đán vừa rồi cũng bán được vài tấn hành, mỗi ngày vài tạ mắm tôm, mắm tép.

Giữ lại chút kỷ niệm

Đoạn phố ngắn trên phố Lương Văn Can bán kính nên cũng có thợ sửa kính. Thợ sửa kính này tên Lương Quốc Phong, hậu duệ đời thứ tư của chí sĩ Lương Văn Can. Nơi sửa kính của anh Phong chỉ là một góc hẹp nằm nép vào bức tường của hai căn nhà cao tầng với tấm biển nhỏ: “Phong, nhận sửa kính”.

Một cậu bé đưa hai chiếc kính Rayban nói: “Chú sửa luôn nhé, chiều khách lấy”. Đó là người làm ở tiệm bán kính bên cạnh. Chồng sửa kính, vợ nhận và trả. Đồ nghề của người thợ sửa kính chỉ có một máy mài nhỏ, một đèn khò cùng cơi đựng đủ các loại mắt, gọng và những chi tiết tỉ mỉ khác của kính chẳng dễ gọi tên. “Ba chục năm nay tôi vẫn ngồi ở đây, vẫn thế này. Nghề này do tôi học từ bố, bố cũng đi làm cho tiệm kính của người ta rồi sửa được, học được”. Thợ sửa kính ở phố Lương Văn Can có nhiều nhưng sửa những chi tiết nhỏ, khó thì chỉ có anh Phong làm được.

Hơn 40 năm làm nghề, hàng vạn lượt khách ghé vào gian hàng của anh. Một bữa, có ông Việt kiều mang theo một chiếc kính mắt tròn, gọng rất mảnh đã bị gãy. Ông ấy nói đã mang cho thợ sửa kính ở nước ngoài nhưng người ta không thể sửa và khuyên ông nên mua một chiếc khác. Khi đưa chiếc kính cho anh Phong, ông ấy nói: “Đây là một món đồ gắn bó nhiều năm, không nỡ bỏ”. Nói thế dường như sợ anh Phong không hiểu nên ông kể câu chuyện về người đàn bà cắt cỏ thì đánh rơi chiếc trâm bằng cỏ thi và ngồi khóc. Người qua đường thấy vậy liền hỏi: Tại sao chị lại khóc, nó cũng chỉ làm bằng cỏ thi thôi mà. Người đàn bà ấy nói: Tôi không tiếc một chiếc trâm làm bằng cỏ thi mà tôi tiếc vật đã sử dụng lâu và gắn bó. Anh Phong nói: “Nghề của tôi đôi khi cũng chỉ là để giữ lại những kỷ niệm thôi”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.