Những tiết lộ mới về Tưởng Giới Thạch

09/09/2009 23:09 GMT+7

Lãnh đạo Đài Loan Tưởng Giới Thạch luôn ôm mộng quay lại Trung Quốc và từng vạch ra các chiến lược cụ thể để đánh chiếm đại lục.

Sau thất bại năm 1949, Tưởng Giới Thạch và binh lính của ông đã chạy đến Đài Loan. Những hồ sơ mới được chính quyền Đài Loan giải mật đã tiết lộ kế hoạch của Tưởng Giới Thạch trong nỗ lực tái chiếm đại lục. Bất chấp nhiều trở ngại to lớn, nhà lãnh đạo Đài Loan luôn bị ám ảnh với ý nghĩ sẽ một lần nữa quay lại cầm quyền tại Trung Quốc, theo hãng tin BBC.

Kế hoạch Quốc Quang

Các tài liệu mật mới được công bố lần đầu tiên cho thấy cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của Tưởng, có tên gọi là kế hoạch Quốc Quang, bao gồm 26 chiến dịch, trong đó có các cuộc đổ bộ bằng bộ binh, những chiến dịch đặc biệt bên trong hàng ngũ quân địch và các cuộc đột kích bất ngờ. Tưởng cũng chỉ đạo con trai là Tưởng Kinh Quốc lập kế hoạch tiến hành cuộc tấn công bằng không quân vào miền nam Trung Quốc, thuộc địa phận tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. Toàn bộ kế hoạch trên đều nằm trong vòng bí mật vào thời điểm đó. Tưởng Giới Thạch còn ra lệnh xây dựng khu vực đầu não kiểm soát chiến dịch tại Từ Hồ, lúc đó thuộc huyện Đài Bắc, vào năm 1961. Đây cũng là nơi trú ẩn an toàn của gia đình họ Tưởng nếu Bắc Kinh tấn công Đài Bắc khi chiến tranh nổ ra, theo hãng tin Reuters.

Để khởi động, Đài Loan đã thành lập phi đội 35, biệt danh Hắc Miêu, do đại tá Lữ Kim Lương làm tư lệnh, bắt đầu thực hiện các chuyến bay do thám trên bầu trời đại lục vào năm 1962. Với sự trợ giúp của máy bay U-2 do Mỹ cung cấp, phi đội Hắc Miêu thực hiện khoảng 102 chuyến bay từ năm 1962 đến 1974. Năm 1965, các kế hoạch đã được chuẩn bị sẵn sàng. Lính tráng và sĩ quan viết sẵn thư tuyệt mệnh trong khi lãnh đạo cấp cao cố gắng chọn ra một ngày thích hợp để triển khai quân đội. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phát hiện được kế hoạch trên và triển khai kế hoạch đối phó. Vào ngày 6.8.1965, hai tàu hải quân Đài Loan mang theo binh lính với sứ mệnh do thám đã bị đánh đắm, khoảng 200 binh sĩ thiệt mạng. Tháng 11 cùng năm, một tàu hải quân có nhiệm vụ cung cấp quân nhu cho binh lính đóng tại các đảo vành ngoài của Đài Loan cũng bị trúng ngư lôi, khoảng 90 người chết. Hai sự kiện trên đã khiến nhà lãnh đạo họ Tưởng chùn bước. Ngân sách chi cho kế hoạch Quốc Quang bị cắt giảm dần và cuối cùng chiến lược này chính thức bị hủy bỏ vào năm 1972, ba năm trước khi họ Tưởng qua đời, theo BBC.

Theo những tài liệu mới được công bố, vào những năm 60, Tưởng Giới Thạch nghĩ rằng đây là thời điểm thuận tiện để tiến hành cuộc tấn công đại lục. Đây là lúc Trung Quốc gặp khó khăn trong việc áp dụng phong trào cải cách Đại nhảy vọt, khiến nhiều nơi lâm vào nạn đói. Thêm vào đó, đại lục đã thử thành công bom hạt nhân vào năm 1964, và viễn cảnh Bắc Kinh sớm sở hữu vũ khí nguyên tử đã khiến họ Tưởng càng kiên quyết xúc tiến nhanh kế hoạch này. Tuy nhiên, lúc đó Mỹ đã sa lầy vào chiến tranh Việt Nam và Tưởng biết chắc cần phải có sự hỗ trợ của Washington nếu muốn có cơ may thành công. Thế là ông này đã đề nghị trợ giúp Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam để đổi lại sự ủng hộ của đồng minh quan trọng. Dù Washington đã bác bỏ đề nghị trên, Tưởng Giới Thạch vẫn thực hiện các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng về quân sự cho giấc mơ trở về Trung Quốc, theo trang Taiwantoday.com.

Tuy nhiên, theo tướng Hoàng Chấp Trung, đại tá lục quân vào thời điểm đó và từng dự phần vào việc hoạch định chiến lược, họ Tưởng chưa bao giờ hoàn toàn từ bỏ tham vọng trở lại đại lục. "Ngay trong lúc lâm chung, ông vẫn nuôi hy vọng rằng tình hình thế giới sẽ xoay chuyển", tướng Hoàng nói với BBC.

Thay đổi chính sách

Kế hoạch không thành của Tưởng đã làm thay đổi diễn biến lịch sử giữa hai bờ eo biển. Đài Loan bắt đầu "chuyển trọng tâm vào việc hiện đại hóa và bảo vệ lãnh thổ thay vì chuẩn bị lực lượng tấn công đại lục", theo hãng tin BBC dẫn lời Andrew Dương, một nhà khoa học chính trị chuyên về quan hệ Trung Quốc - Đài Loan thuộc Hội đồng Nghiên cứu chính sách hiện đại tại Đài Bắc.

Những bí mật trên đã được giữ kín trong suốt 44 năm, và chỉ được phơi bày ra ánh sáng khi Sở Du lịch huyện Thảo Điền thuyết phục được quân đội và Thư viện trung ương cho phép tiếp cận vào kho lưu trữ. Theo Sở Du lịch huyện Thảo Điền, có tổng cộng 26 chiến dịch đã được lên kế hoạch, nhưng quân đội chỉ lưu trữ tài liệu của 10 chiến dịch, số còn lại đã bị tiêu hủy.

Vẫn chưa rõ đã có bao nhiêu binh lính thiệt mạng trong quá trình chuẩn bị tấn công Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch. Và theo Andrew Dương, cho đến giờ phút này một số gia đình vẫn có thể không biết người thân của họ đã chết như thế nào. Khu vực Từ Hồ, từng là nơi lẽ ra đặt bộ tư lệnh thời chiến, đã được biến thành địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch. Giờ đây, tướng Hoàng hy vọng Đài Loan có thể rút ra những bài học từ lịch sử và theo ông thì "không cần thiết phải có chiến tranh nữa".

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.