Những vấn đề đặt ra từ vụ SITC

11/02/2006 12:07 GMT+7

Vụ hàng loạt các cơ sở đào tạo ngoại ngữ thuộc Trung tâm Anh ngữ SITC tại các tỉnh, thành phố lớn đột ngột đóng cửa mà không có bất cứ một thông báo hay giải thích nào trong những ngày ngay trước và sau Tết đã gây bức xúc đối với phụ huynh, học viên theo học tại đây. Vấn đề đặt ra từ vụ việc này không chỉ là giải quyết sự việc cụ thể - quyền lợi của học viên, đặc biệt là những trường hợp đã đóng tiền (thậm chí trước cả năm), mà quan trọng hơn là vấn đề quản lý với các việc cụ thể như kiểm định chất lượng, cấp phép, theo dõi hoạt động... đối với các cơ sở kinh doanh dạng này.

Giải quyết sự việc cụ thể

Tại Hà Nội, chiều ngày 10/2, Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành chức năng và quận Đống Đa, Hai Bà Trưng để bàn giải pháp nhằm bảo đảm ổn định tình hình trật tự an ninh chính trị trên địa bàn thành phố và giải quyết quyền lợi cho người lao động, học viên sau khi Trung tâm SITC đóng cửa. Trong cuộc họp, Sở GD - ĐT đã đề nghị một số cơ sở đào tạo tiếng Anh trên địa bàn có phương án tiếp nhận học viên của SITC. Hiện nay đã có 4 trung tâm có văn bản chính thức gửi Sở GD - ĐT đề nghị sẽ tiếp nhận số học viên của SITC, vì mục đích bảo đảm quyền lợi của người học, chia sẻ rủi ro, góp phần ổn định môi trường đầu tư. Sở LĐTB và XH đã và sẽ nắm tình hình thiệt hại của người lao động. Công an TP chỉ đạo công an quận, huyện, phường nơi có trụ sở của SITC nắm vững tình hình để bảo đảm không có những diễn biến xấu về an ninh trật tự.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, Phó chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ đạo : trước mắt, các đơn vị chức năng tiếp tục có biện pháp ổn định tình hình trật tự tại địa phương. Thành phố sẽ thành lập một tổ công tác để rà soát lại toàn bộ tình hình, xác định đúng mức độ thiệt hại, để khi có ý kiến chỉ đạo của các cơ quan quản lý cấp trên (vì vụ việc diễn ra trên nhiều tỉnh thành, cần phải có giải pháp chung) sẽ có đủ cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo. Để giảm bớt thiệt hại và sự căng thẳng cho người học, Thành phố nhất trí với phương án của Sở GD - ĐT liên hệ nơi học mới cho các học viên, đồng thời kêu gọi các trung tâm dạy tiếng Anh trên địa bàn hỗ trợ giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch, qua vụ việc này có một vấn đề cấp bách đặt ra là phải có biện pháp quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài đóng trên địa bàn. Bởi thế, biện pháp lâu dài và quan trọng là các ngành chức năng cần tham mưu cho thành phố sớm ban hành quy định tạm thời về quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài đóng trên địa bàn, để vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến với Hà Nội, thực hiện chủ trương mở cửa và xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, đúng với các văn bản pháp luật hiện hành, vừa phải tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý làm tốt nhiệm vụ của mình, hạn chế tối đa mọi kẽ hở có thể dẫn đến những sự việc tương tự.

Về phía Bộ KH-ĐT, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - ông Phan Hữu Thắng cho biết, bộ này đã chấp thuận cử đoàn công tác sang Singapore để giải quyết vụ việc này. Bộ cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cử cán bộ cùng sang Singapore trong tuần tới để làm việc với chủ đầu tư của SITC và các cơ quan quản lý của Singapore.

Cùng ngày, Bộ KH-ĐT đã chính thức gửi văn bản báo cáo Thủ tướng nội dung vụ việc cũng như những giải pháp cụ thể của Bộ KHĐT; GD-ĐT; LĐ-TBXH và Bộ Công an (báo SGGP đã đưa tin). Đồng thời, bộ cũng gửi văn bản đề nghị Bộ Công an: phối hợp với các địa phương để ổn định ngay tình hình; phối hợp kiểm soát, bảo vệ toàn bộ giấy tờ, tài liệu, tài sản của SITC xác định rõ tính chất vụ việc, nếu có dấu hiệu lừa đảo thì áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định.

Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cũng cho biết cơ quan này đã đặt lịch làm việc để trong tuần tới sẽ làm việc với chủ đầu tư của SITC và Cơ quan quản lý nhà nước liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các học viên, giáo viên và những người bị thiệt

LS Phạm Liêm Chính - người từng làm luật sư tư vấn cho SITC, hiểu khá rõ về thực trạng và hoạt động của tổ chức này cho rằng: "Bài học rút ra ở đây là vấn đề hậu kiểm chưa nghiêm. Trong lĩnh vực này sẽ phải có tổ chuyên gia liên ngành gồm Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài chính và cả thuế nữa... Nếu làm chặt khâu hậu kiểm thì sẽ tránh được sự sụp đổ của doanh nghiệp một cách đột ngột. Có nghĩa, sẽ phát hiện ra được những căn bệnh của doanh nghiệp và kéo những hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng. Từ đó, sẵn sàng có những hành động cụ thể để ngăn chặn sự sụp đổ lớn gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Mặt khác, các cơ quan chức năng trong nước nên có yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài cần thiết phải đặt một khoản tiền bảo lãnh đặt cọc tại ngân hàng. Để khi xảy ra sự cố liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư sẽ dễ giải quyết cho khách hàng...".

hại liên quan.

Ông Phan Hữu Thắng cũng cho hay, trong cuộc làm việc với chủ đầu tư diễn ra trong tuần tới, Bộ KH-ĐT sẽ đề nghị chủ đầu tư phải trả lời về khả năng có tiếp tục hoạt động ở Việt Nam nữa hay không? Khi nào mở lớp trở lại? Khi nào bồi thường, giải quyết quyền lợi học viên, giáo viên và những người có quyền lợi liên quan? Bộ này cũng lên phương án tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án trong trường hợp chủ đầu tư cũ có yêu cầu chuyển nhượng cơ sở.

Và chấn chỉnh hoạt động quản lý trong tương lai

Nhiều người còn nhớ vụ trường ĐH châu Á  đã “treo” số phận của hàng ngàn sinh viên lơ lửng cho đến khi Bộ GD-ĐT buộc phải đứng ra dàn xếp theo một giải pháp mang tính tình thế; tiếp theo là trung tâm Tin học lấy danh nghĩa của Hội Tin học VN chỉ ghi danh lấy chứng chỉ không tổ chức  học hành tử tế cho người học.

Gần đây nhất, vụ việc của Công ty Liên doanh trường Quốc tế Hà Nội lại nổi cộm với một số sai phạm: Bản tiếng Anh của Điều lệ Cty liên doanh không có (hay bỏ qua?) hai nội dung quan trọng so với bản tiếng Việt; sau 9 năm hoạt động trường này vẫn không có Quy chế hoạt động và chương trình giảng dạy được Bộ GD-ĐT phê duyệt; trường đã tự ý vượt rào đào tạo học sinh trong quá trình hoạt động, Hội đồng quản trị không đưa ra các kế hoạch kinh doanh cụ thể, không ký hợp đồng lao động với Tổng GĐ, Phó tổng GĐ, Kế toán trưởng...

Theo đề  nghị của Thanh tra Chính phủ mới đây (ngày 09/1/2006), trường này phải chấn chỉnh, sửa chữa các sai phạm; nếu không chấn chỉnh và không thống nhất được giữa các bên trong việc phối hợp, điều hành, quản lý thì sẽ được đề nghị  giao cho các Bộ KHĐT, GD-ĐT và Bộ Tài chính nghiên cứu, cân nhắc trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý dứt điểm theo hướng: Rút giấy phép đầu tư hoặc thay đổi đối tác liên doanh.

Vụ SITC, những sai phạm bước đầu của SITC như Sở GD-ĐT TP HCM kết luận  là: Quảng cáo sai giấy phép; chiêu sinh đào tạo không đúng chức năng; cấp giấy chứng nhận không đúng mẫu... và theo nhận định ban đầu của một cơ quan có trách nhiệm là  bước đầu có dấu hiệu lừa đảo. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao từ năm 2002, tiền thân của SITC là Trung tâm Anh ngữ SIMI đã bị Sở GD-ĐT TP HCM cảnh cáo vì hành vi hoạt động ngoài chức năng cho phép và yêu cầu chấm dứt các hoạt động này nhưng SITC vẫn được cấp phép, hoạt động đến nay; hơn nữa, còn phát triển rộng rãi ra các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hoà và Bà Rịa Vũng Tàu?

Nhiều ý kiến cho rằng, trước xu hướng đặt niềm tin vào các nhà GD-ĐT ngoại quốc của các phụ huynh học sinh hiện nay, ngành GD-ĐT, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này cần kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo này và có thông báo rộng rãi để người học không bị rơi  vào tay những cơ sở kém chất lượng hoặc thậm chí lừa đảo.

Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết việc kiểm định các cơ sở này là chưa thể thực hiện được. Theo ông, trong lúc chưa kiểm định được chất lượng thì phải có một cơ chế nào đó để những cơ sở đào tạo nước ngoài hay liên doanh tại VN cũng như các trung tâm bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học mang tính phổ thông như các dạng kể trên có trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình cho ngành GD-ĐT và ngành cần thiết kế một kênh để thông báo rộng rãi cho người học biết được những thông tin tối thiểu như tên cơ sở đào tạo, lĩnh vực đào tạo, bằng cấp, chứng chỉ, học phí và địa chỉ tin cậy... để người học định hướng. Và nhất thiết trong tương lai cần có sự kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng, cấp dấu chất lượng cho những cơ sở giáo dục kể trên.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam):

"Vụ SITC càng rõ hơn tính hình thức của việc cấp phép"
 
Khi xem xét hồ sơ, phải nói rằng SITC có đầy đủ, quá nhiều các giấy phép, thủ tục liên quan. Vụ việc đổ bể này chứng tỏ tính không hữu dụng của cơ chế quản lý của nhà nước. Chúng ta thường chăm lo đến khâu cấp phép là coi như xong rồi. Mà vấn đề hậu kiểm mới là quan trọng.

Vụ này càng rõ hơn tính hình thức của việc cấp phép. Tôi nghĩ, Nhà nước phải thiết kế xây dựng phát luật để nhà nước là trung tâm quyền lực của hệ thống hậu kiểm, trong đó người tiêu dùng, đối tác, bạn hàng, những người cạnh tranh… là những đối tượng tích cực tham gia vào công tác này.

Về nguyên tắc, phải thiết lập một hệ thống pháp luật mà trong đó quy định rõ thẩm quyền thuộc về ai, nên quy về chỉ một cơ quan, để cũng chỉ cơ quan ấy chịu trách nhiệm. Như thế, sẽ hạn chế sự chồng chéo.

Trong hệ thống pháp luật, chúng ta phải thiết kế để các luật chuyên ngành phải được ưu tiên áp dụng trước. Luật đầu tư chỉ quy định những nguyên tắc chung, cái khung. Chứ không thể nói rằng, một đơn vị cấp phép thành lập, rồi một đơn vị khác lại đi quản lý về mặt chuyên môn. Như vậy, có bất cập.

Ví dụ, các công ty bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp phép và quản lý hoạt động, hay ngân hàng nhà nước cấp phép hoạt động cho các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Và các công ty, ngân hàng này có nghĩa vụ phải báo cáo hoạt động. Đây không phải là một quy trình khép kín mà là quy trình trong đó thẩm quyền có trách nhiệm phải chịu.

Tương lai giáo dục, y tế cũng có thể sẽ theo hướng như vậy".

TNO (tổng hợp từ VNN/Tiền Phong/SGGP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.