Những vi phạm nghiêm trọng cần phải được xử lý hình sự

23/04/2010 09:38 GMT+7

Sau một thời gian tạm dừng, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14) sẽ chính thức trở lại, phối hợp cùng VFF ngăn chặn và xử lý những trường hợp tiêu cực, làm trong sạch bóng đá Việt Nam. Ngay trong lễ kí kết diễn ra sáng qua (22.4), đại tá Hồ Sĩ Tiến (Phó cục trưởng C14) đã khẳng định: “Bằng việc ký kết này, C14 sẽ cùng VFF ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực từ cấp độ đội tuyển, đến các CLB, các giải đấu”.

Khán giả ném vật thể xuống sân là hình thức tiêu cực đáng lên án - Ảnh: B.D

Sau một thời gian tạm dừng, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14) sẽ chính thức trở lại, phối hợp cùng VFF ngăn chặn và xử lý những trường hợp tiêu cực, làm trong sạch bóng đá Việt Nam. Ngay trong lễ kí kết diễn ra sáng qua (22.4), đại tá Hồ Sĩ Tiến (Phó cục trưởng C14) đã khẳng định: “Bằng việc ký kết này, C14 sẽ cùng VFF ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực từ cấp độ đội tuyển, đến các CLB, các giải đấu”.

Trở lại phối hợp cùng VFF, C14 đánh giá về tình trạng tiêu cực trong bóng đá Việt Nam (BĐVN) hiện nay như thế nào?

Chúng tôi vẫn thường xuyên thu thập thông tin về các vụ việc nổi cộm, cũng như tình huống nghi ngờ trong làng bóng đá Việt Nam. Như chuyện của đội Tiền Giang mới đây, khi HLV Nguyễn Văn Thịnh từ chức có nói về những tin nhắn mua độ. C14 đã chỉ đạo công an Tiền Giang khẩn trương xác minh và đi đến kết luận là không có căn cứ. Ở bóng đá nước ta, có các hiện tượng tiêu cực nhưng vẫn chưa ở mức độ nghiêm trọng thật sự mà vẫn chỉ ở dạng tự phát, chứ chưa bị thao túng bởi các tổ chức, các nhà tài phiệt như ở một số nền bóng đá khác.

Theo ông, bóng đá VN vẫn còn tồn tại tình trạng xin-cho điểm?


Đại tá Hồ Sĩ Tiến

Ở ta, có một số CLB thì chủ tịch và các thành viên quan hệ thân quen với nhau. Cầu thủ cũng vậy. Họ có quan hệ rất tốt nên hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng xin điểm, nhường điểm. Bên cạnh đó, hiện tượng cá độ bóng đá cũng có thể là tác động khách quan có thể gây ảnh hưởng đến trận đấu. Trong thời gian sắp tới, C14 sẽ phối hợp, trao đổi thông tin cùng VFF kiên quyết xử lý nếu phát hiện ra tình trạng này.

Bóng đá Việt Nam thời gian này đang bị khán giả quay lưng, nhưng chủ yếu là vì nạn bạo lực và những quyết định xử phạt gây tranh cãi của VFF. Theo ông, nạn bạo lực, đặc biệt của khán giả trên sân có nên được coi là tiêu cực trong bóng đá?

“Chống tiêu cực là tất yếu”

Phát biểu tại lễ ký kết, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói: “Bóng đá Việt Nam đang ngày càng trở nên khốc liệt. Các CLB được sự quản lý, đầu tư của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn khiến yêu cầu thành tích trở thành yếu tố hàng đầu. Các HLV, cầu thủ của chúng ta cũng đang nhận mức lương, thưởng cao chưa từng có.

Tất cả đã khiến các trận đấu trở nên “nóng” hơn và từ chuyện thành tích, những nguy cơ tiêu cực cũng dễ xảy ra hơn. Là tổ chức lãnh đạo BĐVN, VFF mong muốn các giải đấu của mình thực sự chuyên nghiệp. Những tiêu cực, nếu có, cần phải được phát hiện và xử lý ngay để tránh gây ảnh hưởng giống như nhiều nền bóng đá khác đang phải hứng chịu. Vì vậy, sự phối hợp của C14 là vô cùng cần thiết trong lộ trình chuyên nghiệp hóa mà BĐVN đang hướng tới vào năm 2011.”

Tiêu cực trong bóng đá đang diễn biến phức tạp hơn và không chỉ gói gọn trong việc mua, bán độ. Việc mất an ninh trật tự tại các trận đấu V-League vừa qua cũng là một hình thức tiêu cực trong bóng đá. Hành vi nói trên phải bị xử lý nghiêm khắc và nếu VFF không làm tốt vấn đề kỷ luật, tất yếu sẽ dẫn đến phản ứng của khán giả như trong thời gian qua. Kéo dài tình trạng này, BĐVN sẽ mất niềm tin nơi người hâm mộ. Những trường hợp tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội thì phải xử lý hình sự.

Ông có lời khuyên nào cho VFF về các hình thức xử lý kỷ luật?

Điều quan trọng là khi đã ngồi lại để bàn thảo về việc phối hợp với nhau làm việc, VFF chắc chắn vẫn là người chủ động giải quyết những vấn đề trong phạm vi quản lý của mình. Chỉ những vi phạm vượt qua phạm trù bóng đá, C14 mới điều tra xử lý. Quan trọng nhất là VFF không thể tiếp tục đưa ra quá nhiều xử lý trái chiều dư luận như thời gian vừa rồi.

Trở lại cùng công tác phòng chống tiêu cực, C14 sẽ chuẩn bị những phương án cụ thể như thế nào?

Tháng 6 này, chúng tôi sẽ trình chính phủ xem xét đề án đấu tranh chống tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Tiêu cực bóng đá cũng là một phần trong đề án này và chúng tôi đang hy vọng công tác phòng chống tiêu cực trong xã hội nói chung, bóng đá nói riêng sẽ được nâng lên một tầm mới, triệt để hơn để thực sự làm trong sạch BĐVN.

Xin cảm ơn ông.

Bình Minh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.