>> Những vở diễn để đời – Kỳ 9: Dương Vân Nga và bản dựng đầu tiên
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 8: Bài ca giữ nước
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 7: Nỏ thần
|
Thời điểm đó là khoảng 10 năm sau ngày giải phóng, bắt đầu có những xáo trộn xã hội thời bình, và Lê Duy Hạnh lại dũng cảm cất lên một lời cảnh báo...
Từ khi Triệu Đà thôn tính Âu Lạc của An Dương Vương, nước ta rơi vào giai đoạn hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Mãi đến đầu thế kỷ 10, nhân lúc nhà Đường suy yếu, hào trưởng người Việt là Khúc Thừa Dụ đem quân tiến vào thành Đại La và bắt đầu xác lập quyền tự chủ. Sau đó, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, Dương Đình Nghệ tiếp tục lên thay làm tiết độ sứ. Nhà Nam Hán lăm le sang xâm chiếm. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại. Con rể ông là Ngô Quyền đem quân giết Kiều Công Tiễn và đánh tan đại quân xâm lược của Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc thời kỳ Bắc thuộc, mở ra giai đoạn độc lập lâu dài.
Bối cảnh trong vở là Ngô Quyền đang cầm quân chống Nam Hán tại Châu Ái, vùng địa đầu Tổ quốc, thì tại kinh thành Đại La xảy ra biến động. Kiều Công Tiễn bỏ thuốc độc giết Dương Đình Nghệ, rồi bắt Như Ngọc - vợ Ngô Quyền - cống nạp cho nhà Hán để lập công. Hắn cầu viện Nam Hán giúp đỡ để lên thay Dương Đình Nghệ nắm quyền. Như Ngọc tự sát để giữ thủy chung cùng chồng và trung thành với đất nước, nên cô cung nữ Huệ Nương phải thay vào. Nhưng Huệ Nương đã chọn cách bước sang đất giặc để làm gián điệp thu thập tin tức gửi về cho Ngô Quyền. Cô giả câm vì bị bệnh do khác biệt phong thổ, để người yêu của cô (chính là tướng giỏi của Ngô Quyền cử sang) giả làm thầy thuốc vào điều trị, từ đó thực hiện chặt chẽ kế sách quân sự, giúp Ngô Quyền dàn trận trên sông Bạch Đằng. Chi tiết này chỉ là hư cấu nhưng làm vở diễn mềm mại hẳn đi vì chuyện tình yêu và có kịch tính hấp dẫn hơn.
Vấn đề là Ngô Quyền đã hối hận khi không kiên quyết trừng phạt Kiều Công Tiễn dù ông đã nhìn thấu tâm địa hắn qua rất nhiều chuyện lộng hành, tiêu cực. “Phụ hoàng vì quá tin nên dung dưỡng con rắn độc trong vườn hoa, còn ta thì nhìn thấy nhưng vì nể nang nên đành chấp nhận để rồi con rắn độc kia gây bao thù hận phá nát vườn hoa làm điên đảo cơ đồ. Ta còn trách ai mà phải tự hỏi chính bản thân mình. Tại sao trong chiến chinh ta không hề do dự, nhưng xây dựng lúc thanh bình ta lại nhân nhượng trong đấu tranh. Biết kẻ phá hoại sẽ lộng hành, tại sao ta chưa cẩn trọng giữ gìn, cứ nể nang, chờ đợi. Trong khi lẽ ra ta phải kiên quyết diệt trừ mầm mống gây ra cho đời bao điều thảm cảnh...”.
Thật sự Kiều Công Tiễn từng có công lao trận mạc với Dương Đình Nghệ nên khi hắn sai phạm đều được thông cảm, thứ tha, chỉ khiển trách nhẹ mà thôi. Thế nhưng hắn lại càng làm tới, thậm chí nuôi hận thù vì bị khiển trách. Cái sảy nảy cái ung, từ chỗ gây lỗi nhỏ đã trở thành gây tội lớn. Tiếng nói của Lê Duy Hạnh cũng chính là tiếng lòng của nhân dân khi chứng kiến xã hội bắt đầu nảy sinh tiêu cực, mà cái tiêu cực thời bình đôi khi thấy nhẹ nhàng nhưng liệu nó có thể phát triển hơn nữa để làm đắm con tàu đất nước? Lời cảnh báo ấy đâu có thừa, đâu có vô ích. Mà dẫu những kẻ tiêu cực không trực tiếp bán nước như Kiều Công Tiễn thì nó cũng làm suy yếu sức dân, sức quân, làm rối ren hậu phương, thử hỏi người nơi tiền tuyến làm sao đủ tập trung mà đánh giặc? Giặc ngoài tràn vào, chống đỡ đã gian nan, mà thù trong còn đẩy ra, tạo thành sức ép nguy hiểm cho người cầm quân.
Thương cho Ngô Quyền, cảm phục thay Ngô Quyền. Nhưng tự hỏi không biết thời nay còn có chăng những Ngô Quyền và những Kiều Công Tiễn như thế? Bánh xe lịch sử không lăn lại trên cùng một con đường, nhưng có thể lặp lại những dấu vết lỗi lầm. Vận mệnh đất nước phải được cảnh báo, dự báo từ những điều tưởng như rất nhỏ, từ những ngày tưởng như hòa bình êm ấm, từ những hành động tưởng như rất cá nhân, riêng tư...
“Sau này tôi có chỉnh lý và dàn dựng lại vở cho các diễn viên trẻ như Thoại Mỹ, Trọng Phúc, Tô Châu, Kim Thoa, Tâm Tâm... tham gia thu hình video. Vở lịch sử bao giờ cũng làm đắng lòng người diễn, người xem vì những bài học quý giá. Nhưng nghệ sĩ chúng tôi thích diễn lịch sử bởi đó là thế mạnh của cải lương, và là một kênh học lịch sử cho khán giả trẻ rất hiệu quả”, NSƯT Mỹ Châu. |
Hoàng Kim - Vũ Anh
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 6: Tâm sự Ngọc Hân
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 5: Lam Sơn tụ nghĩa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 4: 'Bão táp Nguyên Phong
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 3: Câu thơ yên ngựa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 2: Nhụy Kiều tướng quân
>> Những vở diễn để đời: Tiếng trống Mê Linh
Bình luận (0)