>> Những vở diễn để đời - Kỳ 2: Nhụy Kiều tướng quân
>> Những vở diễn để đời: Tiếng trống Mê Linh
|
Lý Thường Kiệt trưởng thành đúng giai đoạn nhà Lý vừa lên trị vì chưa bao lâu, tuy vua tài tướng giỏi nhưng vẫn còn nhiều nội loạn do chưa quy phục. Cha của ông là Thái úy đời vua Lý Thái Tông, đến lượt ông cũng được vào hầu vua với vai trò nội thị. Rồi Lý Thái Tông băng hà, Lý Thánh Tông lên ngôi, Lý Thường Kiệt càng được tin cậy giao cho nhiều trọng trách, thu phục các châu huyện chung quanh, theo vua thu phục Chiêm Thành giữ yên bờ cõi. Khi Lý Thánh Tông mất, Lý Nhân Tông lên thay lúc mới 7 tuổi (năm 1072), với sự nhiếp chính của Thái hậu Ỷ Lan thì Lý Thường Kiệt đã nắm quyền Thái úy, binh lực nằm hết trong tay. Như vậy trải 3 đời vua, Lý Thường Kiệt đều là lương đống trụ cột của triều đình và đất nước.
Năm 1075, nhà Tống đem binh hùng tướng mạnh sang đánh Đại Việt. Thế giặc như vũ bão, cả đường bộ lẫn đường sông. Nhưng chúng không ngờ đi đến đâu đều bị quân của Lý Thường Kiệt đánh tan tác. Trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, tương truyền Lý Thường Kiệt đã để lại “bài thơ thần” được đời sau xem như tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Tên tuổi Lý Thường Kiệt không chỉ đi vào lịch sử quân sự mà còn vào lịch sử văn chương với bài thơ bất hủ ấy.
|
Vở Câu thơ yên ngựa kể lại một giai đoạn hào hùng với những nhân vật đan xen nhau trong những rối ren thời cuộc, yêu ghét, chính tà, mạnh yếu, xung đột quyền lợi, chọn lựa, hy sinh... Đằng sau chiến công của Lý Thường Kiệt là số phận đất nước nhưng cũng là số phận của bao nhiêu con người khi họ có quyết định đồng hành với dân tộc hay không. Và câu trả lời muôn thuở vẫn là đất nước trên hết. Tướng quân Lý Ngân bị quân phản gián của địch lừa bằng bức huyết thư giả mạo để chàng ngỡ Lý Thường Kiệt hại cha mình, nên tìm cách trả thù. Tình yêu của chàng và con gái nuôi của Lý Thường Kiệt cũng suýt tan vỡ. Còn Thái hậu Ỷ Lan quyết dẹp hiềm khích cũ để mời cho được Thái sư Lý Đạo Thành trở lại triều đình chung tay chống giặc. Đến lượt Lý Đạo Thành dẹp tình riêng mà xử tội “chị sui” Thượng Dương Hoàng hậu vì đã lầm mưu giặc dẫn sói vào nhà. Rồi cuộc chiến giữa hai người phụ nữ Thượng Dương - Ỷ Lan từng chung một người chồng, làm sao dễ dàng hòa giải... Những ngổn ngang tâm lý, những bức xúc riêng tư đều góp phần làm cho cuộc chiến căng thẳng hơn, chứ đâu chỉ có giặc bên ngoài mới là đáng sợ. Lời của Lý Đạo Thành khiến bao thế hệ sau phải cùng suy ngẫm: Gương xưa trị nước đành dẹp tình riêng lo việc chung. Nếu nay ta đành tự ý tha cho Thượng Dương; toàn dân đảo điên khôn lường, bao thảm họa tóc tang. Ngoại bang lấn sang biên thùy, ta phải trừ diệt đứa gian. Cầu nương nương đừng lay chuyển, lòng thần đã quyết! Không có sự đoàn kết, công tâm sẽ không có chiến thắng. Kịch bản đã tả hết ngần ấy phức tạp chỉ trong hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ, ngồn ngộn chi tiết và kịch tính, thu hút khán giả từng giây từng phút.
Phải công nhận tài năng của NSND Thanh Tòng khi ông viết kịch bản lẫn đạo diễn vở tuồng này vào năm 1982, cũng không thể không nhớ một thế hệ nghệ sĩ tuồng cổ Minh Tơ quá giỏi, như Thanh Bạch vai Lý Thường Kiệt, Bạch Lê - Ỷ Lan, Trường Sơn - Lý Đạo Thành, Thanh Loan - Thượng Dương... Năm 2010, đạo diễn Vũ Minh dựng lại Câu thơ yên ngựa tại Nhà hát TP.HCM với đầy đủ ê kíp năm xưa từ hải ngoại về, cùng với các nghệ sĩ kế thừa như Thành Lộc, Bạch Long, Xuân Trúc, Tú Sương... đã làm nên chương trình Gìn vàng giữ ngọc hoành tráng và sang trọng. Thanh Bạch vẫn uy nghi như xưa, giọng hát trầm ấm đã làm những “cố nhân” ngồi dưới khán phòng nghẹn ngào cảm động. Bạch Lê nền nã, giọng vẫn đầy đặn lạ kỳ, nghe thật đã tai với cách ngân nga của tuồng cổ. Lý Đạo Thành của Trường Sơn và Thành Lộc cùng đúp vai thì vũ đạo đã thành tuyệt kỹ. Cái thời Trường Sơn còn trẻ, ông làm người ta mê mẩn bái phục vì những cú xoay người, nhảy ghế tập luyện công phu như con nhà võ. Và vợ ông, nghệ sĩ Thanh Loan lại tẩm ngẩm tầm ngầm khắc họa từng cái nhíu mày, liếc mắt để bật lên một Thượng Dương ghen hờn mà kiêu hãnh, trở thành vai diễn để đời của bà. Nhưng lớp diễn đẹp nhất, bi hùng nhất chính là ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bạch Long, Xuân Trúc đã có đất để thi thố sở trường vũ đạo của mình, khiến khán giả vỗ tay vang dậy.
Hoàng Kim - Vũ Anh
Bình luận (0)