Những vở kịch ăn Tết sớm

03/01/2007 23:45 GMT+7

Tết Nguyên đán chưa tới, nhưng tại TP.HCM đã có mấy vở kịch dựng xong và bắt đầu diễn lai rai từ Tết tây...

Sớm nhất là Tri ân của Kịch Sài Gòn.  Đó là câu chuyện hai ông cán bộ xã thời nay (Hữu Nghĩa, Mạnh Tràng) ham mê cá độ đá banh đến nỗi phải vay tiền xã hội đen, bị siết nợ. Ai ngờ siết nhằm hai khúc vải gấm do chú Tư bí thư huyện ủy (Hữu Thạch) gửi tặng hai vị cách mạng lão thành là má Năm và ông Sáu (Phương Dung, Trung Dân). Rốt cuộc, khúc vải bị cắt còn bé tẹo, nên hai ông bà phải may... đồ tắm. Khán giả cười bể bụng. Chú Tư kịp thời đi xuống địa phương để chấn chỉnh cấp dưới. Vở này vui vẻ, hài hước với tài quăng bắt của Hữu Nghĩa, Mạnh Tràng; đặc biệt Mạnh Tràng ngày càng có duyên dù chỉ đóng những vai phụ. Còn Trung Dân lại làm khán giả cảm động trong vai ông Sáu. Ông bầu Phước Sang nói: "Tôi hy vọng Sở VH-TT TP.HCM sẽ tài trợ cho một số suất để chúng tôi đem vở đi diễn phục vụ các bà mẹ Việt Nam anh hùng xem". Hiện nay, Sở VH-TT vẫn còn chế độ tài trợ 3-4 triệu đồng mỗi suất diễn phục vụ vùng sâu vùng xa, chắc mong muốn của Kịch Sài Gòn sẽ được thực hiện.

Làm người ai làm thế của Kịch Phú Nhuận lại hấp dẫn ở sự duyên dáng. Anh nhiếp ảnh gia nghèo tên Hải (Hòa Hiệp) khao khát tổ chức một cuộc triển lãm cho riêng mình, nên đã làm quen Thủy - một cô gái đẹp, giàu có (Thanh Vân đóng), phụ rẫy mối tình chân thật của cô gái bán kẹo kéo Quỳnh Như (Việt Hương)... Câu chuyện giản dị với một kinh nghiệm sống rất thật: đừng chạy theo danh vọng mà quên hạnh phúc trong tầm tay. Việt Hương đã làm mới hình ảnh của mình qua vai diễn chỉ có hài chút chút, còn lại là nét chân chất của cô gái quê, yêu thiệt tình, không tính toán.

Pháp sư xuống núi của IDECAF lại mang một thông điệp đầy triết lý. Ông pháp sư (Hữu Châu) đi học phép cải tử hoàn sinh, ai ngờ người chết sống dậy lại làm cho đời sống trong ngôi làng nhỏ bé kia loạn cả lên. Dân chúng bèn bảo ông thôi đi. Ông lại đòi đi học phép trường sinh bất tử. Anh mục đồng, bạn của ông (Thành Lộc) cười phá lên, nói thà ông đi học làm ruộng, học nắn cục đất thành con trâu còn hay hơn! Ông ngộ ra một điều, hãy để đời sống diễn ra đúng quy luật sinh lão bệnh tử của nó, đừng can thiệp vào tạo hóa. Điều mà người ta nên quan tâm là những điều thực tế, gần gũi nhất, và đừng bao giờ phân chia "giai cấp" theo kiểu: thà đi làm pháp sư học cao hiểu rộng hơn làm người nông dân chân lấm tay bùn. Vở vui vẻ, nhẹ nhàng với những màn làm phép và hài hước vốn là sở trường của IDECAF.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.