'Từ ngày chơi xe đạp, các chấn thương cổ tay, hay lưng, gót chân hết đau hẳn. Trước đó tôi còn bị chẩn đoán là có vôi trong gan, mỡ máu cao, huyết áp cao… nhưng sau thời gian tập xe đạp, sức khỏe trở lại bình thường'
Xe đạp không chỉ là phương tiện, với những người như anh Nguyễn Quang Vinh thì đây là thú vui, là người bạn và cũng là vị “bác sĩ” giúp anh điều trị những chấn thương do chơi thể thao. Cho nên ngoài niềm vui gặp gỡ bạn bè, anh mê loại xe hai bánh này còn vì lý do tốt cho sức khỏe, chạy xe đạp mỗi ngày trở thành nhu cầu.
Những người tầm tuổi của anh Nguyễn Quang Vinh thời trước có lẽ ai cũng biết đi xe đạp nhưng anh cũng không thể ngờ có ngày mình phải tập đi xe đạp, bởi loại xe anh đi là fixie (fixed gear) và roadbike, những dòng xe khá đặc biệt.
Cả 2 loại xe đều là những chiếc xe thể thao, chạy với tốc độ khá nhanh và hơi khó điều khiển. Fixie, nhiều người gọi là xe đạp không ngừng, vì xe không có phanh, cứ ngồi lên yên thì đạp không nghỉ, xe không có hệ thống phanh mà phải dùng bàn đạp để giảm tốc nên đòi hỏi người đi xe phải tập luyện thành thục mới đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường. Roadbike là xe đường trường, đòi hỏi lái xe phải có sức bền, kỹ thuật chạy, tránh gió, mượn lực… để đạp trên đường dài nhẹ nhàng đỡ tốn sức.
|
Trước khi đến với xe đạp, anh Vinh từng chơi golf, chơi tennis, đá banh… nhưng do chấn thương liên tục, đặc biệt là vị trí gót chân, cổ tay, lưng của anh thường xuyên đau nhức.
Anh kể: “Tôi rất mê chơi thể thao, hầu như ngày nào cũng sắp xếp thời gian để đi tập nhưng vì chấn thương nhiều lần nên phải nghỉ. Vào một ngày tình cờ, có anh bạn cứ thuyết phục tôi chơi xe đạp coi như tập thể dục, ban đầu thấy cũng kỳ kỳ vì không nghĩ mình phải học đi xe đạp. Nhưng vì được giới thiệu đến các phiên bản xe đặc biệt khá lạ lùng như fixie - xe đạp không phanh nên tôi đồng ý thử và mê cho đến giờ".
"Từ ngày chơi xe đạp, các chấn thương cổ tay, hay lưng, gót chân hết đau hẳn. Trước đó tôi còn bị chẩn đoán là có vôi trong gan, mỡ máu cao, huyết áp cao… nhưng sau thời gian tập xe đạp kiên trì mỗi ngày, kết quả là sức khỏe trở lại bình thường, dẫu tôi không áp dụng chế độ ăn kiêng hay uống thuốc gì đặc biệt cả. Nhờ thấy cái lợi trước mắt mà tôi kiên trì theo đuổi đến giờ”, anh Vinh kể thêm.
|
Chiếc fixie, chiếc xe đạp đầu tiên của anh Quang Vinh là chiếc specialized của Mỹ được sản xuất riêng để đi trong các con đường đóng hoặc đua lòng chảo. Cùng với chiếc xe này, vào năm 2014 anh Vinh và đồng đội qua Thái Lan tham dự giải Bangkok Criterium 2014 thi đấu với rất nhiều vận động viên quốc tế.
Tại đây nước chủ nhà đã tạo một lòng máng từ bãi giữ xe cũ và cho các vận động viên chạy tốc độ liên tục trong 8 vòng để tính thời gian. Chuyến đi đã giúp những tay chơi xe đạp biết cảm giác thế nào là “đạp không ngừng” và cảm giác tốc độ của vòng pedan, chuyển động nhanh như chớp của bánh… để giúp các vận động viên lao liên tục trên đường đạt được thành tích tốt nhất. Đó là giải quốc tế đầu tiên mà anh Vinh tham dự khi bước vào thế giới của những tay chơi “đạp không ngừng”.
|
Chưa hài lòng với giới hạn tốc độ và sự kén chọn đường đi của fixie, anh Vinh tìm đến với road bike. Anh mua một chiếc cũng rất đặc biệt của hãng Pinarello kiểu dáng cổ điển nhưng lắp bộ “đề” bằng điện giúp người đạp có thể đổi số nhanh và dễ dàng hơn so với phụ kiện bằng cơ. Xe chạy tốc độ nhanh và mượt mà hơn.
Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ đây có lẽ là một trong những môn thể thao dễ tính nhất, không cần sân bãi, chỉ cần một chiếc xe và người lái đủ sức để đạp thì xe sẽ chuyển động đưa bạn đi đến bất cứ nơi đâu. Chẳng sợ hết xăng, cạn nhớt, chuyển động nhờ sức người, không hao tổn nhiên liệu hay ô nhiễm môi trường. Đó cũng là một trong những lý do tôi kiên trì với môn thể thao này, mỗi sáng tôi đạp xe một vòng thành phố rồi về. Cuối tuần, anh em rủ nhau đạp xe từ trung tâm đi Bình Dương, Vĩnh Long, Vũng Tàu hay lên Đà Lạt đổi gió".
|
"Cuối tuần vừa rồi chúng tôi có hành trình từ Sài Gòn đi Phan Rí dài hơn 300 km, xe di chuyển từ 12 giờ đêm để tránh các xe khác, đường rộng hơn, ít các vật cản để có thể đạp xe với tốc độ cao nhất. Một điều đặc biệt là các tay chơi xe đạp thích đi vào ban đêm để tránh ánh nắng gắt dễ làm mất sức, mất nước khiến đoàn xe phải dừng liên tục bổ sung nước, kéo dài thời gian di chuyển", anh Vinh hào hứng cho biết.
"Cứ lên lịch trình, vẽ bản đồ cung đường sẽ đi, rồi rủ rê bạn bè cùng… đạp. Thử nghĩ hiếm có môn thể thao nào vừa được chơi cùng đồng đội, vừa đi dã ngoại ngắm cảnh thoải mái nhẹ nhàng, thích dừng ở đâu thì dừng lại một cách gọn lẹ như môn này. Tuy nhiên, nói là thích chỗ nào thì tấp vào lề chụp hình, ngắm cảnh, nhưng các bạn cũng cần chú ý, khi dừng lại, xe ở đâu thì người chủ phải đứng bên cạnh kẻo mất xe (cười)”, anh Vinh nói thêm.
Bình luận (0)