(Tin Nóng) Thời Thế chiến II, Đức Quốc xã đã phát minh và sản xuất các loại vũ khí công nghệ cao mà ngày nay rất phổ biến như máy bay tàng hình, xe tăng điều khiển từ xa, bom thông minh, máy bay phản lực... Tuy nhiên những vũ khí hiện đại này không giúp lãnh đạo Đức Quốc xã là Adolf Hitler giành được chiến thắng.
Mẫu máy bay ném bom tàng hình Horten Ho 229, rất giống oanh tạc cơ tàng hình B-2 ngày nay của Mỹ - Ảnh: War Thunder
|
Business Insider ngày 5.9 liệt kê một số vũ khí công nghệ cao "đi trước thời đại" này của Đức Quốc xã.
Máy bay ném bom tàng hình Horten Ho 229
Mẫu máy bay này khiến ngày nay mọi người kinh ngạc khi nó giống hệt mẫu máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ. Được xem là "vũ khí bí mật của Hitler", chiếc Horten Ho 229 được thiết kế dạng cánh bay, 2 động cơ phản lực, mang được 1 tấn vũ khí và bay với tốc độ 965 km/giờ ở độ cao 15 km.
Horten Ho 229 bay thử - Ảnh: Wikipedia
|
Vũ trang 2 khẩu pháo, tên lửa R4M, chiếc Horten Ho 229 là máy bay tàng hình đầu tiên của thế giới, bay thử năm 1944. Theo Viện bảo tàng Smithsonian (Mỹ), Chỉ huy Không quân Đức (Luftwaffe) là Hermann Göring đã cho phép chi nửa triệu mark cho hai anh em Reimar và Walter Horten sản xuất mẫu máy bay này.
Do gặp nhiều vấn đề, chiếc Horten đã không thể tham chiến. Các thông số kỹ thuật của máy bay này được mọi người ngày nay thán phục vì nó tương tự mẫu máy bay ném bom tàng hình B-2 của hãng Northrop Gruman (Mỹ).
Bom thông minh Fritz X điều khiển bằng vô tuyến
Bom thông minh đầu tiên của thế giới, quả Fritz X - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Được mệnh danh là "ông của các loại bom thông minh", bom Fritz X mang khối lượng thuốc nổ 1.565 kg cùng với bộ thu nhận tín hiệu vô tuyến và cánh đuôi tinh vi để hướng quả bom đến đúng mục tiêu.
Theo Không lực Mỹ, bom thông minh Fritz X có thể xuyên thủng lớp giáp thép dầy 71 cm và có thể được thả từ độ cao 6 km, độ cao ngoài tầm với của các loại súng phòng không lúc đó.
Chưa đầy một tháng sau khi được phát triển, phát xít Đức đã dùng bom thông minh Fritz X đánh chìm chiến hạm Roma của Ý ngoài khơi đảo Sardinia vào tháng 9.1943. Tuy nhiên, việc sử dụng bom Fritz X rất hạn chế vì chỉ có một vài máy bay của Không quân Đức là được thiết kế để mang loại bom này.
Xe tăng đánh bom điều khiển từ xa
Quân đồng minh xem xát các chiếc Goliath của phát xít Đức - Ảnh: Wikipedia
|
Mẫu xe tăng đánh bom cảm tử mini Goliath được điều khiển bằng vô tuyến, chạy bằng 2 động cơ điện (sau này chạy bằng động cơ gas). Goliath được thiết kế để mang khối lượng thuốc nổ từ 60 - 100 kg, dùng để điều chỉnh bố trí các bãi mìn và rải mìn phòng thủ, cũng như để mang thuốc nổ đâm vào xe tăng địch.
Đức Quốc xã đã sản xuất hơn 7.000 chiếc Goliath trong Thế chiến II và đã mở đường cho việc sử dụng vũ khí điều khiển bằng vô tuyến.
|
Máy bay dùng động cơ tên lửa
Cuối những năm 1930, Đức Quốc xã đã phát triển chiếc Messerschmitt Me 163 Komet, máy bay dùng động cơ tên lửa đầu tiên với tốc độ 1.126 km/giờ.
Để so sánh, máy bay chiến đấu (cánh quạt) hiện đại nhất của Mỹ lúc đó là chiếc P-51 Mustang có tốc độ 700 km/giờ, tức còn thua kém chiếc Komet hơn 480 km/giờ.
Messerschmitt Me 163 Komet, máy bay dùng động cơ tên lửa đầu tiên - Ảnh: Wikipedia
|
Đã có hơn 300 chiếc Komet được sản xuất, vũ trang pháo 2 nòng loại 30 mm. Với tốc độ cực nhanh này, Komet dễ dàng thoát khỏi các máy bay tấn công của quân Đồng minh, nhưng cũng do bay quá nhanh nên Komet hầu như không thể tiếp cận được máy bay địch để dễ tấn công tiêu diệt.
Anh Sơn
>> Xe lửa chở vàng của Đức chứa phòng hổ phách huyền thoại của Nga?
>> Khám biệt thự, lòi ra xe tăng, pháo cao xạ thời Thế chiến II
>> Công thức toán giúp tìm ra số xe tăng phát xít Đức sản xuất
>> Phát xít Đức thí mạng dân thường để thử bom bay V-2
>> Phi công phụ kể lại chiến dịch tuyệt mật ném bom nguyên tử xuống Nhật
>> Phát hiện xưởng vũ khí hạt nhân dưới lòng đất của phát xít Đức ?
Bình luận (0)