Ngành công nghiệp game, cũng giống như những lĩnh vực giải trí khác như điện ảnh và âm nhạc, rất chú trọng đến tính sáng tạo và những ý tưởng độc đáo của các sản phẩm. Chính vì đặc điểm này đã làm phát sinh một vấn đề lớn không có lời giải: vấn nạn sao chép ý tưởng hay thậm chí, nặng nề hơn, là ăn cắp bản quyền ý tưởng. Vấn nạn này đã diễn ra ngay từ những ngày sơ khai của ngành game cho đến lúc phát triển như ngày nay, đi kèm với vô số vụ kiện tụng hao tiền tốn của.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng điểm qua những vụ kiện tụng vi phạm bản quyền tiêu biểu trong ngành game nhé:
Asteroids vs. Meteors
Đây là một trong những vụ kiện lâu đời và nổi tiếng nhất được ghi nhận trong ngành game, vì nó liên quan đến “ông lớn” của ngành thời đó là Atari. Vụ kiện diễn ra năm 1982 khi Atari cáo buộc công ty Amusement World đã sao chép ý tưởng game Asteroids (một “bom tấn” vào thời đó) cho game Meteors của mình. Cả hai game đều xoay quanh nội dung người chơi điều khiển một chiếc phi thuyền không gian bắn vỡ các thiên thạch xung quanh và các phi thuyền địch.
Asteroids (trái) và Meteors (phải) (Ảnh: Gamasutra)
Khi đem ra xét xử, mặc dù tòa án đã chỉ ra đến hơn 20 điểm tương đồng giữa 2 game, nhưng cuối cùng vẫn quyết định bác bỏ đơn kiện của Atari. Lý do được đưa ra là những điểm tương đồng đó rất cơ bản, bất kỳ ai thiết kế nên một game phi thuyền bắn thiên thạch như Asteroids cũng đều phải đưa những tính năng đó vào game (chẳng hạn như tảng đá lớn bị bắn sẽ vỡ ra nhiều mảnh, hay phi thuyền chỉ cần va chạm 1 lần với thiên thạch là “tanh bành” ngay).
Bài học rút ra: nếu nhà thiết kế game chứng minh được mình đã sử dụng những tính năng được cho là hiển nhiên cho thể loại game của mình thì sẽ an tâm, khó có thể bị kiện.
Karate champ vs. World karate championship
Sáu năm sau vụ kiện của Atari, công ty Data East quyết định lôi công ty Epyx ra tòa với cáo buộc sao chép game song đấu Karate champ của mình. Tòa án đã nhận ra Karate champ và game World karate championship của Epyx có 15 điểm giống nhau, hầu hết là các thế võ.
Karate champ (trái), World karate championship (phải) (Ảnh: Gamasutra)
Tuy nhiên, quan tòa lập luận rằng những chi tiết đó không thể được bảo hộ. Vì các thế võ karate, sự hiện diện của nhân vật trọng tài, và hệ thống tính điểm là những thứ rất hiển nhiên và có thật ngoài đời. Hơn nữa tòa cũng chứng minh được một game thủ bình thường không thể tìm được những điểm tương đồng rõ ràng giữa 2 game. Đơn kiện vì vậy cũng bị bác bỏ.
Bài học rút ra: những tính năng game dựa trên những yếu tố có thực, không được ai sở hữu ngoài đời cũng có thể được sử dụng thoải mái mà không cần xin phép.
Street fighter II vs. Fighter's history
Trớ trêu thay, năm 1993, công ty Data East lại một lần nữa dính đến một vụ kiện bản quyền khác, nhưng lần này với tư cách bị đơn. Trò chơi song đấu Fighter's history của họ bị công ty Capcom kiện, với cáo buộc sao chép từ trò chơi “huyền thoại” phát hành năm 1991 của họ: Street fighter II.
Fighter's history (trái) và Street fighter II (phải) (Ảnh: Gamasutra)
Cả 2 game có cùng thể loại, và rất giống nhau về cách vận hành cũng như lối chơi. Nhìn qua hình ảnh trong game, quả thật cả 2 cứ như “anh em một nhà”:
Lần này, tòa án nhận thấy rõ ràng Data East đã cố ý bắt chước Street fighter II để “ăn theo” tiếng vang. Thế nhưng, những bằng chứng có được vẫn không đủ mạnh để khép vào tội “vi phạm bản quyền”. Hơn nữa, tòa cũng chỉ ra rằng bản thân game Street fighter cũng thiết kế ra những nhân vật theo “khuôn mẫu thực tế” (chẳng hạn nhìn cô nàng Chun-li ai cũng biết ngay là người Trung Quốc), cũng như hàng trăm thế võ trong game đều có thật ngoài đời.
Fighter's history (trên) và Street fighter II (dưới) (Ảnh: Gamasutra)
Chưa hết, Data East đã phát triển game song đấu trước Street fighter rất lâu nên khó cáo buộc họ sao chép ý tưởng của Capcom. Hơn nữa, những chiêu thức giả tưởng trong 2 game (như các đòn chưởng) đều khác nhau về thiết kế (màu sắc và hình dáng).
Bài học rút ra: nếu bạn đã có thâm niên làm game trong cùng một thể loại, thì cho dù game mới của bạn có bị cáo buộc giống một đối thủ ra mắt trước đó, cũng không nên quá sợ hãi.
Tetris vs. Mino
Tháng 5.2009, công ty Xio phát hành Mino, một game chịu ảnh hưởng mạnh từ “huyền thoại” xếp gạch Tetris. Lối chơi 2 game hoàn toàn giống nhau, có chăng chỉ là sự thay đổi của hình ảnh các khối gạch và âm thanh trong game. Nhìn hình so sánh bên dưới, bạn có phân biệt được đâu là game Tetris gốc không (nếu không đọc chú thích)?
Tetris (trái) và Mino (phải) (Ảnh: Gamasutra)
Xio đã viện dẫn một thực tế là lối chơi và luật chơi của Tetris chưa hề được đăng ký bản quyền, và khẳng định việc “sao chép” của mình là hoàn toàn hợp pháp. Thế nhưng, quan tòa đã không đồng tình với lập luận này, khi chứng mình được một game thủ bình thường không thể phân biệt nổi giữa 2 trò chơi. Vì vậy, cuối cùng Tetris đã thắng kiện.
Bài học rút ra: nếu bạn nghĩ mình sẽ thoát án “vi phạm bản quyền” chỉ với vài chiêu tinh chỉnh đồ họa âm thanh thì nên suy nghĩ lại.
Triple town vs. Yeti town
Năm 2012, hãng Spry Fox đã cáo buộc game Yeti town của hãng 6Waves tội sao chép trò chơi rất thành công của mình là Triple town.
Cả 2 game đều thuộc thể loại “match-3” (tương tự các game “xếp kim cương” như Bejeweled hay Candy crush saga). Cả Triple town và Yeti town đều có một yếu tố lối chơi tương đồng là khi hợp nhất 3 vật thể giống nhau, chúng sẽ tiến hóa. Trong Triple town là bụi cây – cây – nhà – nhà thờ…, còn Yeti town là cây non – cây – lều – nhà gỗ…
Triple town (trái) và Yeti town (phải)
Để hỗ trợ cho việc phán quyết, tòa án đã dùng nhiều phép thử, trong đó có việc huy động cộng đồng blogger về game. Kết quả chứng minh mọi người đều thấy cả 2 game đều tương đồng về ý tưởng và cảm giác chơi. Chưa hết, một đòn kết liễu dành cho 6Waves là chữ “town” trong cả 2 tựa game.
Cuối cùng, nhận biết sẽ thua cuộc, 6Waves đã đàm phán và chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu thương hiệu Yeti town và những thứ liên quan cho Spry Fox.
Bài học rút ra: tuyệt đối không được bắt chước một cách lộ liễu, ít ra cũng nên dùng một cái tên khác cho tựa game.
Hearthstone vs. Ngọa long truyền thuyết
Mới đây, hãng Blizzard khởi kiện công ty Trung Quốc Unico Interactive do đã gần như “bê nguyên xi” game đấu bài Hearthstone để “xào nấu” thành Ngọa long truyền thuyết, ngay từ khi Hearthstone… chưa phát hành chính thức. Thanh Niên Game đã có một bài phân tích về sự giống nhau giữa 2 game này. Sự sao chép lộ liễu là điều ai cũng có thể thấy ngay.
Ngọa long truyền thuyết (trên) và Hearthstone (dưới) (Ảnh: Game in Asia)
Chính vì vậy mà Blizzard cùng đối tác TQ của mình là Netease đã chính thức kiện Unico, đòi bồi thường 10 triệu nhân dân tệ (hơn 350 tỉ đồng). Hiện vụ việc chưa được xét xử.
Bài học rút ra: cần phải rất cẩn trọng khi phát hành game của mình tại những thị trường có nguy cơ vi phạm bản quyền cao.
Liên minh huyền thoại vs. 300 heroes
Có thể nói đây là trường hợp “nhái” khôi hài nhất trong danh sách này. Game 300 heroes gần như “copy 100%” hình ảnh và lối chơi của Liên minh huyền thoại, có điều đã thay thế các tướng bằng những nhân vật manga, hoạt hình…, tạo nên một trò chơi cực kỳ vui nhộn. Bạn đọc có thể xem chi tiết về game 300 heroes tại bài viết này.
Giao diện và lối chơi của 300 heroes hệt như Liên minh huyền thoại (Ảnh: Kotaku)
Vụ việc hiện vẫn chưa được khởi kiện, nhưng với những bằng chứng rành rành, hãng sở hữu game Liên minh huyền thoại (cùng công ty phát triển Riot Games) là Tencent có thể “vung đao kết liễu” 300 heroes bất kỳ lúc nào.
Bài học rút ra: cũng tương tự như trên, có những thị trường game mà bạn hầu như không thể tránh khỏi nguy cơ bị làm nhái, vì vậy phải hết sức cẩn trọng và sẵn sàng ứng phó.
Bangbang online vs. Tank Việt
Thanh Niên Game xin được kết thúc bài viết với một vụ việc gần đây của làng game Việt. Một webgame có tên là Tank Việt được quảng bá là một game “thuần Việt”. Thế nhưng, cộng đồng chưa kịp tung hô thì phát hiện game này sao chép “y xì” sản phẩm Bangbang online do công ty CMN Online phát hành.
Hình ảnh các mẫu xe trong Tank Việt đều lấy từ Bangbang online.
Trước vụ việc này, công ty CMN Online khẳng định sẵn sàng nhờ đến pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trước mắt, đại diện công ty khẳng định họ tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình, cùng với việc liên tục cải tiến, cập nhật cho sản phẩm, đảm bảo sự khác biệt lớn giữa sản phẩm “chính hãng” và hàng “nhái”.
Bài học rút ra: Một cách bảo vệ chính mình trước nạn sao chép lậu rất hiệu quả là chú tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến, cung cấp nội dung mới. Từ đó, các game thủ có thể thấy được quyền lợi rõ ràng của họ khi sử dụng sản phẩm “chính hãng”.
Bình luận (0)