Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tại mục 8, phần 4 của dự thảo thông tư, Bộ Xây dựng quy định BĐS chưa có giấy tờ hợp lệ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình) cũng phải thực hiện đăng ký giao dịch qua sàn hoặc trung tâm giao dịch BĐS là quy định thêm ngoài Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định 153, đồng thời cũng mâu thuẫn trong chính dự thảo thông tư. Bởi ngay mục 1, phần 4 của dự thảo thông tư nêu rõ: "Hàng hóa BĐS phải đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được đem chuyển nhượng, bán, cho thuê".
Một giám đốc của hệ thống nhiều trung tâm giao dịch BĐS tại TP.HCM nhận xét: "Chưa có giấy tờ hợp lệ cũng đưa vào giao dịch tại sàn thì trách nhiệm của sàn giao dịch đối với tính pháp lý của các BĐS này sẽ ra sao? Không căn cứ trên tính pháp lý mà vẫn nhận đăng ký giao dịch, nếu xảy ra chuyện gì, ai chịu trách nhiệm?". Ông Lương Sĩ Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BĐS Phú Gia cho rằng: "Việc quy định thêm như dự thảo thông tư sẽ khiến khách hàng không an tâm khi đến sàn giao dịch. Đồng thời biến sàn giao dịch trở thành nơi môi giới không chuyên nghiệp".
HoREA cũng cho rằng, việc quy định phải đưa thông tin chuyển nhượng BĐS lên các phương tiện thông tin đại chúng là cần thiết. Tuy nhiên không nên quy định chung chung BĐS nào cũng phải đăng thông tin liên tiếp trên 3 số báo trước khi giới thiệu 5 ngày. Theo HoREA, việc đưa thông tin này chỉ bắt buộc đối với chủ đầu tư khi công bố các đợt bán hàng BĐS của dự án. Còn đối với các loại BĐS đơn lẻ, không nên ràng buộc điều này. Một doanh nghiệp phát biểu: "Người dân cần bán một căn nhà, một khu đất qua sàn phải đăng quảng cáo trên 3 số báo thì quá phức tạp và sẽ làm gia tăng giá bán sản phẩm nhà đất".
Một điểm khác khiến các doanh nghiệp băn khoăn và không đồng tình là các sàn giao dịch BĐS hằng tháng phải báo cáo kết quả giao dịch về cho Sở Xây dựng. Đây là việc "hành chính hóa" hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Lương Sĩ Khoa cho rằng: "Doanh nghiệp hoạt động cần linh hoạt, năng động và làm sao để đạt hiệu quả cao nhất. Việc báo cáo lại lượng giao dịch hằng tháng cho các cơ quan chức năng thực sự không cần thiết. Chưa kể những thông tin kinh doanh cần phải được bảo mật để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Ai sẽ cam kết những thông tin báo cáo lại cho các cơ quan chức năng không lọt vào tay đối thủ cạnh tranh?". Một số doanh nghiệp khác thì thắc mắc: Sàn giao dịch phải có địa chỉ ổn định sẽ được hiểu như thế nào? Phải sở hữu hay chỉ cần thuê và nếu thuê thì bao nhiêu năm mới được gọi là ổn định? Những định nghĩa này phải được làm rõ để doanh nghiệp không gặp lúng túng khi hoạt động.
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)