Những xa lộ ẩn mình chờ tiêm kích

Khánh An
Khánh An
24/08/2018 07:28 GMT+7

Nhiều nước đầu tư xây dựng đường băng ngay trên xa lộ để tăng khả năng linh hoạt, bí mật và dự phòng cho các căn cứ không quân.

Khi hàng không mẫu hạm USS George H.W.Bush của Mỹ ghé thăm Israel vào năm ngoái, Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng tuyên bố chỉ cách đó vài ki lô mét là một “tàu sân bay” hùng hậu khác, chính là quốc gia Trung Đông này. Theo trang Asia Times, giới quan sát lập tức suy đoán rằng phát biểu của ông có thể bắt nguồn từ khả năng xuất kích bất ngờ của máy bay chiến đấu trên các xa lộ, do Israel nằm trong nhóm nước tập trung đầu tư vào các đường băng cơ động. Các chuyên gia nhận định việc biến xa lộ thành đường băng ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh khoa học quân sự hiện đại có thể giúp tên lửa bắn phá căn cứ không quân từ xa một cách dễ dàng. Thậm chí, căn cứ không quân cũng có thể bị tấn công bằng các thiết bị bay không người lái (UAV) thô sơ như trường hợp cứ địa Hmeimim của Nga ở Syria thời gian gần đây.
Xuất kích bất ngờ
Ý tưởng dùng xa lộ làm nơi cất và hạ cánh cho tiêm kích từng được Đức quốc xã áp dụng trong Thế chiến thứ 2. Tới năm 1984, NATO sử dụng một đoạn cao tốc ở phía tây bắc Đức để diễn tập suốt 2 ngày. Khi đó, xe chở thiết bị điều khiển không lưu được đưa đến hỗ trợ các máy bay vận tải Hercules và chiến đấu cơ Tornado diễn tập cất, hạ cánh ngay gần cầu vượt. Theo trang News.com.au, một trong những đoạn cao tốc liên bang ở Đức có thể dùng làm đường băng nằm trên đường A44 nối vùng Rhine-Rhuhr với khu vực trung tâm nước này. Chú ý kỹ mới thấy gần thị trấn Buren có một đoạn đường ngắn thẳng tắp, không còn cây cỏ trồng ở giữa mà thay vào đó là một dải phân cách cơ động. Gần đó là “bãi xe” rộng lớn với mục đích thực sự để đỗ máy bay.
Những xa lộ ẩn mình chờ tiêm kích
Đoạn đường cao tốc ở Đức có thể biến thành đường băng Ảnh chụp màn hình Daily Herald

Tầm quan trọng của các căn cứ không quân và sự linh hoạt của “đường băng xa lộ” từng được khẳng định trong “Cuộc chiến tranh 6 ngày” ở Trung Đông vào năm 1967. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, quân đội Israel đã đè bẹp lực lượng của 3 nước Ai Cập, Jordan, Syria và chiếm một vùng đất rộng lớn gấp 4 lần lãnh thổ của mình, gồm cao nguyên Golan, Dải Gaza, vùng Đông Jerusalem và Bờ Tây sông Jordani.
Căng thẳng kéo dài giữa Israel và các nước láng giềng lên đỉnh điểm vào sáng 5.6.1967, khi gần 200 máy bay chiến đấu của Israel bất ngờ tấn công một sân bay của Syria, 3 sân bay của Jordani và 11 sân bay của Ai Cập. Hàng trăm máy bay của các nước này đang đỗ trên đường băng và trong các hầm trú bị tiêu diệt, hàng chục phi công thiệt mạng và toàn bộ các sân bay trên bị tê liệt. Theo National Interest, lực lượng mặt đất của Israel trước đó đã được huấn luyện để tiếp nhiên liệu và vũ khí cho mỗi tiêm kích chỉ trong vòng chưa đến 8 phút để có thể xuất kích trở lại. Thêm vào đó, giới phân tích cho rằng các tiêm kích của Israel đã được tiếp tế trên đường băng cơ động tại các xa lộ gần biên giới để rút ngắn thời gian tái xuất kích, góp phần đáng kể cho chiến dịch thần tốc và bất ngờ.
Châu Á vào cuộc
Tại châu Á, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari từng tuyên bố có thể tạm thời chặn một số đoạn đường để máy bay cất và hạ cánh nhằm tiết kiệm chi phí xây sân bay cũng như thúc đẩy ngành hàng không dân dụng. Tuy nhiên, cây bút Srikanth Ramakrishnan của tạp chí Swarajya nhận định nhiều khả năng nước này đang muốn có những đường băng linh hoạt có thể sử dụng cho mục đích quân sự nếu xảy ra chiến tranh. Trước đó vào năm 2015, chiếc Mirage của Ấn Độ từng đáp thành công xuống xa lộ gần New Delhi.
Tại Singapore, Bộ Quốc phòng nước này lần đầu tiên đưa mẫu tiêm kích F-15SG tham gia cuộc tập trận Torrent, với chi tiết đáng chú ý nhất là các máy bay đáp xuống một đoạn trên đường Lim Chu Kang. Khoảng 110 nhân viên mất 2 ngày để dọn các trụ đèn, biển báo, thanh chắn và các chướng ngại vật khác, đồng thời lắp đặt cáp hãm để biến đoạn đường rộng 24 m, dài 2,5 km thành đường băng. Sau khi diễn tập thành công, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhận định biến đường phố thành đường băng là một việc vô cùng phức tạp.
Theo trang Asia Times, các nước và vùng lãnh thổ có xa lộ có thể được sử dụng làm đường băng cho tiêm kích gồm CHDCND Triều Tiên, Singapore, Đài Loan, Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sĩ, Ba Lan, Pakistan, Israel và Cộng hòa Czech. Trong khi đó, không quân Phần Lan là lực lượng duy nhất trên thế giới mà mọi máy bay chiến đấu đều có thể cất và hạ cánh trên xa lộ và đôi khi cả trên mặt hồ đóng băng. Phần Lan hằng năm đều duy trì việc diễn tập cất và hạ cánh tiêm kích trên xa lộ. Những đoạn đường ở Phần Lan được trang bị cáp hãm y như trên tàu sân bay, trong khi các tiêm kích F-18 của Phần Lan đều có móc ở đuôi để neo vào dây cáp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.