Những ý tưởng thay đổi thế giới

28/11/2004 22:19 GMT+7

Thật khó có thể biết chắc công trình nghiên cứu nào trong ngày hôm nay có thể làm thay đổi ngày mai. Lịch sử đã chứng minh có biết bao ý tưởng - trong đó không thiếu những ý tưởng cực kỳ quan trọng - đã bị cho là hoang tưởng trước khi nó trở thành hiện thực. Cứ thử tưởng tượng cách đây vài thế kỷ, nếu ai đó nói về một cỗ máy biết bay, chắc anh ta sẽ bị cho là điên. Làm sao để biết một ý tưởng nào đó là quan trọng? Tuần báo Newsweek đã đề cập đến 10 ý tưởng có thể sẽ góp phần làm thay đổi thế giới ngày mai.

Kim cương giả như thật

Nữ trang sẽ trở thành một lĩnh vực kém tính “quý tộc” hơn nếu như một ngày nào đó người ta có thể sản xuất được loại kim cương nhân tạo có chất lượng tương đương kim cương thiên nhiên. Điều làm nhiều nhà khoa học hào hứng nhất là khả năng sử dụng chúng cho các vi mạch điện tử vì kim cương có khả năng chịu được nhiệt độ lên đến 260 độ C và các điện tử có thể di chuyển dễ dàng trong chúng mà không làm chúng nóng lên, nhờ đó các kỹ sư có thể "nhồi nhét" vào đó thật nhiều vi mạch. Chỉ có một điều kiện duy nhất: phải có một loại kim cương mà giá thành thấp hơn rất nhiều so với kim cương thiên nhiên. Cuộc chạy đua đang diễn ra ráo riết. Sau nhiều năm bí mật nghiên cứu, một số công ty của Mỹ như Apollo Diamond và Gemisis đã bước đầu cho ra đời những mẫu kim cương chất lượng cao có thể sử dụng cho các vi mạch điện tử. Trước đó, những loại kim cương nhân tạo chất lượng thấp dùng để làm mũi khoan hay máy đánh bóng đã xuất hiện trên thị trường từ hàng chục năm nay với sản lượng vào khoảng 80 tấn/năm.

Lái xe từ ghế sau

Bạn từng bực mình vì bà vợ ngồi ở ghế sau cứ liên tục bảo bạn phải lái xe theo kiểu này kiểu nọ? Một công nghệ mới có thể sẽ ra đời trong tương lai, cũng "lắm lời" như bà vợ kể trên nhưng hy vọng sẽ không làm bạn nổi cáu. Bánh lái và bàn đạp trên xe hơi trong tương lai có thể sẽ được nối với một con chíp điện tử có nhiệm vụ hỗ trợ bạn lái xe an toàn. Con chíp sẽ ghi lại mọi quyết định của bạn, từ đó phát tín hiệu đến một mô-tơ điện tử để quay bánh lái, kiểm soát thắng hay điều chỉnh xăng, từ đó hạn chế nguy cơ tài xế cua xe ở góc quá hẹp hay làm trượt xe ra khỏi đường. Đến đây, mọi người có thể lo ngại rằng công nghệ này quá nguy hiểm trong trường hợp tài xế đang cố tránh một người qua đường bất cẩn nào đó. Đây chính là bài toán người ta đang tìm cách giải quyết trước khi đưa công nghệ này vào thực tế.

Nhìn mắt đoán người

Facelab là một loại camera đặc biệt có thể chuyển tải hình ảnh 3 chiều của bạn vào máy tính, phân tích cử động của đôi mắt để biết rõ mức độ tập trung cũng như xác định chính xác bạn đang nhìn vào cái gì. Nhờ Facelab, người ta có thể theo dõi được mức độ tập trung của những người đang làm các công việc cực kỳ nguy hiểm như vận hành một nhà máy hạt nhân hay cảnh báo cho người tài xế biết rằng anh ta đang thiếu tập trung hoặc mệt mỏi. Câu hỏi trước mắt là liệu Facelab có thể thay đổi cách thức chúng ta điều khiển các loại máy móc xung quanh hay không? Người ta có thể nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào đó, nhờ Facelab mà nếu chúng ta nhìn vào ly nước, rô-bốt sẽ "hiểu" rằng chúng ta đang ra lệnh "đem ly nước kia lại đây" mà chấp hành theo.

Chíp làm tăng dung lượng bộ nhớ con người

Đó là tham vọng của ông T.Berger, một kỹ sư sinh học tại Trường Đại học Nam California (Mỹ). Ông đã mất cả chục năm nghiên cứu các tế bào thần kinh và đang thiết kế một loại chíp điện tử có thể hỗ trợ não bộ để tăng cường bộ nhớ. Nếu thành công, ông Berger sẽ là vị cứu tinh của những người bị đột quỵ hay alzheimer, còn những ai khỏe mạnh thì có thể nghĩ đến việc trang bị cho mình một trí nhớ siêu phàm.

Ruồi máy

"Chuyên gia ruồi xanh" là biệt hiệu của giáo sư M.Dickinson (Mỹ) sau những năm dài ông dồn tâm trí vào lũ côn trùng này. Dưới mắt ông, chúng chẳng đáng ghét tí nào mà thậm chí rất kỳ diệu với đôi cánh tuyệt vời và khả năng đánh hơi thức ăn không chê vào đâu được. Ông chỉ mong một ngày nào đó sẽ cho ra đời những thiết bị điện tử dù không tài ba bằng lũ ruồi nhưng cũng có thể bắt chước một phần năng lực của chúng. Cứ thử tưởng tượng một người đi lạc trong rừng sâu thì ai sẽ phát hiện ra anh ta đầu tiên, cảnh sát hay lũ ruồi muỗi tài tình? Biết đâu trong tương lai, "những đàn ruồi máy" sẽ lãnh nhiệm vụ tìm kiếm người đi lạc!

(Còn tiếp)
Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.