ĐẠT TIÊU CHUẨN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG QUỐC GIA
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, nhận thấy sự cần thiết của xã hội học đối với công tác lãnh đạo, quản lý Ban giám hiệu Trường Tuyên huấn Trung ương 1 quyết định thành lập tổ bộ môn Xã hội học trực thuộc Khoa Kiến thức bổ trợ gồm 9 cán bộ đã đảm nhận giảng dạy cho 3 môn: xã hội học, tin học và dân số học.
Trong giai đoạn những năm 2004 - 2014, đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa ngày càng phát triển, nhiều sinh viên ưu tú do khoa đào tạo được giữ lại, cho đi đào tạo nâng cao đồng thời tuyển thêm một số giảng viên mới của các cơ sở đào tạo khác. Cùng với quá trình phát triển, một số cán bộ giảng viên của khoa trưởng thành được cất nhắc lên chức vụ cao hơn, một số chuyển sang cơ quan khác nhưng số lượng thường giữ ở mức trên dưới 15 người.
Từ năm học 2012 - 2013, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, khoa đào tạo thêm chương trình cử nhân ngành công tác xã hội và năm 2013 bắt đầu khóa đào tạo thạc sĩ ngành xã hội học.
Năm 2018 khoa có tên mới là Xã hội học và Phát triển. Sau khi nhà trường đạt chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục năm 2018, nhằm khẳng định hơn nữa uy tín và vị thế, khoa đã chủ động đăng ký đánh giá ngoài kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành xã hội học. Đến năm 2022 được công nhận là một trong 4 khoa đầu tiên có chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia.
NHIỀU DẤU ẤN RIÊNG TRONG ĐÀO TẠO, TẬP HUẤN
Năm học 2013 - 2014, khoa bắt đầu đào tạo cao học ngành xã hội học, đến nay đã có 7 khóa ra trường với gần 100 học viên và hàng chục học viên Lào. Khoa đã xây dựng 2 chương trình đào tạo cao học xã hội học: Một theo định hướng nghiên cứu và một theo định hướng ứng dụng (dành cho đào tạo cao học tại các địa phương).
Có thể nói, các đặc trưng chung trong chương trình đào tạo tại Khoa Xã hội học và Phát triển vẫn được giữ vững nhằm tạo dấu ấn riêng. Trong chương trình đào tạo cử nhân công tác xã hội, cán bộ giảng dạy của khoa nhấn mạnh rèn luyện các kỹ năng. Trong đó, sử dụng được các kỹ năng công tác xã hội cá nhân, nhóm vào việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp các cá nhân, gia đình và nhóm để giúp họ tăng cường năng lực tự giải quyết vấn đề và đáp ứng nhu cầu của mình.
Các chương trình đào tạo mới có xu hướng tăng cường các học phần về ngành và chuyên ngành, tăng cường tỷ lệ thực hành, đổi mới các phương pháp giảng dạy và đánh giá người học.
Ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy đối với các chương trình đào tạo của khoa, môn xã hội học đại cương cho các ngành khác, giảng viên của khoa còn tham gia giảng dạy, đào tạo ở nhiều khóa tập huấn khác cho cán bộ, phóng viên trong và ngoài Học viện thông qua các dự án với Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em; Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội và truyền thông dân số (trong khuôn khổ dự án VIE/97/P19 và sau này là dự án VIE/01/P09); Quỹ Ford; Viện FES…
TÍCH CỰC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Nhận thức được rằng muốn nâng cao chất lượng giảng dạy thì không thể không nghiên cứu khoa học tốt, do vậy đội ngũ giảng viên của khoa trong 30 năm qua đã tích cực nghiên cứu khoa học. So với giai đoạn 10 năm sau khi thành lập, hiện nay tiềm năng nghiên cứu khoa học của khoa đã tăng lên, đặc biệt trong những năm gần đây, các giảng viên trong khoa đều tham gia nghiên cứu khoa học và hầu hết đều có công trình công bố trong các hội thảo quốc tế, quốc gia.
Cán bộ khoa đã hướng dẫn sinh viên thực hiện nhiều đề tài khoa học, hầu hết các đề tài được đánh giá cao. Sinh viên của khoa có phong trào nghiên cứu khoa học tốt. Đến nay đã có 2 đề tài đạt giải nhất và nhiều đề tài đạt giải nhì, ba, khuyến khích. Sinh viên của Khoa Xã hội học và Phát triển đã góp phần vào thành tích chung về công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Trong một số năm vừa qua, Học viện Báo chí - Tuyên truyền đã được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích nghiên cứu khoa học của sinh viên trong đó có nhiều công đóng góp tích cực, hiệu quả của sinh viên xã hội học.
TỶ LỆ SINH VIÊN RA TRƯỜNG CÓ VIỆC LÀM CAO
Với những kỹ năng đó, sinh viên của khoa sau khi ra trường có tỷ lệ việc làm cao. Hiện rất nhiều cựu sinh viên của khoa đang đảm trách những vị trí quan trọng ở nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Sinh viên của khoa ra trường làm việc ở nhiều vị trí nghề nghiệp như cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng viên, cán bộ phụ trách các dự án phát triển của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị ở các địa phương và trung ương.
Tỷ lệ PGS cao nhất trong học viện
Có thể nhận thấy, Khoa Xã hội học và Phát triển là một trong những đơn vị có tỷ lệ PGS cao (3/20 PGS trong toàn Học viện), có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Khoa luôn chú trọng việc đảm bảo chất lượng giảng dạy là hàng đầu, chủ động thường xuyên đổi mới cả nội dung chương trình, giáo trình, đặc biệt là phương pháp giảng dạy.
Đơn vị tiên phong của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Trải qua 30 năm phát triển, Khoa Xã hội học và Phát triển luôn thể hiện là đơn vị tiên phong của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đội ngũ giảng viên có năng lực và trình độ chuyên môn cao, được đào tạo chuyên nghiệp trong và ngoài nước, có khả năng ngoại ngữ, đi đầu trong đổi mới phương pháp giảng dạy; có nhiều giảng viên đạt thành tích cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế được công bố trên các diễn đàn học thuật; tạo động lực và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, đạt nhiều giải thưởng cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết nối được các nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu của khoa và nhà trường. Sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường lao động.
Môi trường giáo dục mở, chú trọng vào trải nghiệm của người học thông qua các dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích phát triển năng lực cá nhân.
Bình luận (0)