Nơi sữa quá ư xa lạ và xa xỉ
Xã miền núi Hướng Hiệp, thuộc huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị, trong những ngày cuối tháng 3 như rộn rã hẳn lên. Hôm Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức lễ khởi công xây dựng làng thanh niên lập nghiệp Hướng Hiệp, vào ngày 31.3 vừa qua, cũng là lúc đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên chuyển quà của các nhà hảo tâm tới phát cho trẻ em nghèo ở đây.
Từ sáng sớm, từ khắp các thôn bản nằm sâu trong vùng rừng núi miền tây Quảng Trị, dân làng đã kéo về vùng thung lũng nằm trên địa bàn các thôn Kareng, Paloang và Khe Hiên, nơi sẽ mọc lên một ngôi làng thanh niên khang trang trong tương lai, nơi niềm hy vọng về sự đổi thay cho khu vực nghèo này được nhen nhóm. Trong số những người kéo về thung lũng, có những em nhỏ quần áo mong manh, chân bước thoăn thoắt qua từng mỏm đá, lòng suối, vạt rừng. Đoàn chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước đời sống vật chất quá ư khốn khó của đồng bào ở nơi được coi là một trong những huyện đặc biệt nghèo của đất nước... "Em là Hồ Thị Nhương, em học lớp bốn. Em chưa được uống sữa hộp bao giờ", cô bé 11 tuổi, ở trường Tiểu học số 2 thuộc xã miền núi Hướng Hiệp bẽn lẽn đáp khi đón nhận phần quà gồm sữa của Công ty Nestlé Việt Nam và tập vở của Công ty Roussel Việt Nam được Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh Đoàn Quảng Trị chuyển tới trao tặng.
Giữa thung lũng bốn bên là núi, với suối chảy róc rách, với gió đại ngàn thổi vi vu, câu nói của em Nhương làm chúng tôi giật mình. Nếu như ở nơi khác, những hộp sữa đã trở thành một nguồn dinh dưỡng hiển nhiên của các em nhỏ thì tại đây, sữa vẫn là một thế giới quá ư xa lạ và xa xỉ. "Em cùng các bạn đi bộ từ mờ sáng tới đây. Em rất vui khi nhận được quà của các cô các chú", em Hồ Văn Quynh, học sinh lớp 4, nhanh nhảu trả lời câu hỏi của chúng tôi. Nhìn ánh mắt rạng ngời, nhìn nụ cười răng sún của các em nhỏ họ Hồ người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, chúng tôi bỗng thấy rưng rưng, lòng vừa vui với niềm vui của các em vừa thắt lại trước cuộc sống đơn sơ, thiếu thốn đủ thứ ở nơi này.
Sau buổi phát quà giữa rừng đại ngàn Đakrông, chúng tôi lại lội bộ ra xe để tiếp tục đến với trẻ em nghèo ở các làng xã khác của tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi bước đi cùng các em, qua suối, qua đèo. Nhìn các em nhỏ nói cười líu lo với món quà vừa nhận được, lòng chúng tôi rộn lên những cảm xúc khó tả.
Mong làm chiếc cầu nối...
Trước khi đến với xã miền núi Hướng Hiệp, đoàn chúng tôi cũng đã chuyển quà gồm sữa, vở và tiền của các nhà hảo tâm tới làng Nhĩ Hạ, xã Gio Thành, huyện Gio Linh và làng Hà Lỗ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng. Tiếp đó, đoàn tiếp tục hành trình đến với các em ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh và làng Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng. Ở đâu chúng tôi cũng gặp những em bé thơ ngây, hồn nhiên, rất ham học dù cuộc sống vô cùng nghèo khó.
Tổng cộng trong đợt công tác từ thiện cuối tháng 3 - Tháng thanh niên vừa qua, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh Đoàn Quảng Trị đã trao tận tay các em nhỏ các phần quà gồm 1.500 hộp sữa bột loại 900g do Công ty Nestlé tài trợ, 2.000 cuốn vở do Công ty Roussel Việt Nam tặng cùng các phần quà là tiền mặt do các nhà hảo tâm, trong đó có những người con của tỉnh Quảng Trị, đang sinh sống và làm việc ở các tỉnh phía Nam gửi về cho trẻ em với tổng trị giá hơn 400 triệu đồng. Như gia đình ông Phan Hữu Nam, Tổng giám đốc Công ty cao su Phú Riềng - Kratie ở Campuchia, khi biết chúng tôi đang ở Quảng Trị đã nhờ chúng tôi ứng trước 11 triệu đồng làm quà tặng cho các em. Tiến sĩ Trần Hành, Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng đã hỗ trợ kinh phí để cùng Công ty Roussel Việt Nam vận chuyển số hàng trên từ TP.HCM ra các thôn xã xa xôi của tỉnh Quảng Trị. Hay như bác sĩ Nguyễn Thanh Vân gửi tặng 5 triệu đồng làm quà cho các em nhỏ, anh Nguyễn Thuyên ở Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cao su Phú Thịnh, Bình Phước gửi tặng 2 triệu đồng...
Trong chuyến công tác vừa qua, trao đổi với các cán bộ Tỉnh Đoàn Quảng Trị, chúng tôi được biết còn rất nhiều em nhỏ nghèo khó ở trong các khu làng giữa núi non trùng điệp Hướng Hóa, Đakrông, giữa vùng cát trắng Triệu Phong, Hải Lăng. Có nhiều khu làng bản trong vùng rừng núi giáp với Lào, phải đi bộ cả ngày đường mới tới. Ở những nơi đó, cuộc sống của các em đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Ở những nơi đó, các em cần lắm những nguồn động viên từ các cá nhân, tổ chức, cơ quan. Và chúng tôi mong muốn được tiếp tục làm chiếc cầu nối chuyển tấm lòng của các nhà hảo tâm tới các em.
Đỗ Hùng - Tấn Tú
Bình luận (0)