Tại Hội thảo đánh giá kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 do UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây tại TP.Phan Rang-Tháp Chàm, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Ninh Thuận cần phải năng động để cải thiện môi trường đầu tư.
DN khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhiều công trình chậm tiến độ. Ảnh chụp một công trình xây dựng tại TP.Phan Rang-Tháp Chàm - Ảnh: Lê Văn Hùng
|
Năm 2014, VCCI công bố CPI tỉnh Ninh Thuận đạt 56,88 điểm, xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2013.
TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của Ninh Thuận còn nhiều hạn chế. Cụ thể, trong năm 2014, qua kết quả khảo sát của doanh nghiệp (DN) cho thấy, các chỉ số thành phần, như: Tính minh bạch, thiết chế pháp lý, gia nhập thị trường, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo nghề… đã bị tụt giảm điểm số hoặc thứ hạng.
“Muốn đột phá trong cải thiện chỉ số PCI trước hết Ninh Thuận phải năng động, linh hoạt trong giải quyết, xử lý các vấn đề phù hợp tình hình kinh tế hiện nay, nhất là phải tăng cường công khai các tài liệu pháp lý và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh của DN. Ngoài ra, tỉnh cần quán triệt đồng bộ từ các sở, ngành đến UBND các huyện, thành phố cần có thái độ thật sự đồng hành, thân thiện và cởi mở khi tiếp xúc DN”, TS Tuấn góp ý.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư , phân tích Ninh Thuận là một trong số các tỉnh, thành phố có chỉ số PCI được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nếu phân nhóm điều hành thì chỉ trừ năm 2009, nhờ sự tiến bộ trong cải cách đã giúp tỉnh bước vào nhóm điều hành khá, còn lại luôn bị xếp vào nhóm các tỉnh có năng lực điều hành tương đối thấp.
Để cải thiện chỉ số PCI, theo TS Nguyễn Đình Cung, ngoài việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, công khai các tài liệu pháp lý, Ninh Thuận cần chú trọng tới việc phát triển từng bước các dịch vụ hỗ trợ DN gắn với thực hiện các chương trình đào tạo, giới thiệu việc làm, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ninh Thuận, ông Vũ Hữu Tuân cho rằng hầu hết các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn còn “vướng” trong khâu tiếp cận vốn vay ngân hàng, các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, thuê đất, xây dựng, liên kết trong phát triển sản xuất, kinh doanh và tiếp cận các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ DN của tỉnh… Ông Tuân kiến nghị, trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN để xây dựng Ninh Thuận trở thành địa phương có môi trường đầu tư tốt của cả nước.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp thiết thực của các chuyên gia, doanh nghiệp, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, đưa ra giải pháp điều chỉnh kịp thời, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, nâng cao PCI của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Theo ông Vĩnh, vai trò trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố là hết sức quan trọng trong chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người đứng đầu các sở, ngành, địa phương đưa ra những giải pháp điều chỉnh kịp thời, tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN phát triển.
Bình luận (0)