Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn chủ quan và khách quan, nhưng nhờ sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, 6 tháng đầu năm 2023, Ninh Thuận vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 12.311 tỉ đồng, tăng 7,95% so cùng kỳ năm 2022 (xếp thứ 8/63 tỉnh thành cả nước và nhất vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung). Trong đó, giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.176 tỉ đồng, tăng 4,88%, công nghiệp - xây dựng đạt 4.516 tỉ đồng, tăng 10,8% (trong đó công nghiệp tăng 9,64%, xây dựng tăng 14,18%); dịch vụ 4.094 tỉ đồng, tăng 8,5% và thuế sản phẩm 525 tỉ đồng, giảm 0,36%. Đặc biệt là chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tập trung chỉ đạo, đã có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động cho sản phẩm giá trị cao, công nhận 4 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo hoàn tất các thủ tục phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải giai đoạn 2021-2030. Trong 6 tháng đầu năm đã cấp mã số 5 vùng trồng/134,9 ha, gồm: 1 vùng trồng táo xanh/16 ha; 1 vùng trồng măng tây/40 ha; 2 vùng trồng nho/51,5 ha; 1 vùng trồng lúa/27,4 ha, nâng tổng số được cấp mã lên 15 vùng trồng/215,534 ha.
Đáng chú ý, các ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh và tăng 8,5% cao nhất trong 5 năm gần đây. Công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch được quan tâm chỉ đạo, triển khai các hoạt động phối hợp với Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch Quốc gia năm 2023 và tổ chức thành công Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp", thu hút số lượng khách du lịch đến Ninh Thuận tăng 19%, đạt 63,3% kế hoạch; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 29,4% so cùng kỳ… Thương hiệu du lịch của Ninh Thuận ngày càng được khẳng định nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch năm 2023.
Theo ông Trần Quốc Nam, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt khá nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu lại trong các ngành, lĩnh vực còn chậm nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách giảm; tỷ lệ giải ngân đạt thấp nhất là vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu Quốc gia; công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu thủy sản còn khó khăn. Một số công trình, dự án trọng điểm về năng lượng, đô thị, du lịch... triển khai chậm. Kế hoạch sử dụng đất, các đồ án quy hoạch phân khu chậm ban hành; tình trạng khai thác khoáng sản, xây dựng trái phép chưa được xử lý triệt để; công tác đấu giá tài sản công còn chậm; việc xử lý các dự án BT còn khó khăn, vướng mắc nhất là việc xác định lại giá đất; hoạt động doanh nghiệp còn rất khó khăn; tình hình mất việc làm tăng, giải quyết việc làm còn hạn chế… Để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận năm 2023, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, đột phá vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, gồm: tập trung đẩy nhanh đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%; tập trung đột phá trong các ngành dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp thủy sản; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2023.
Bình luận (0)