Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 4: Thành công không được ca tụng

31/10/2014 18:15 GMT+7

(TNO) Sau Đại khủng hoảng, nhất là sau chiến tranh thế giới thứ 2, học thuyết kinh tế vĩ mô của John Maynard Keynes đã nhanh chóng được áp dụng ở Mỹ và châu Âu, được các chính phủ coi là 'bảo điển' để thoát khủng hoảng và phục hồi kinh tế.

>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson


Nhà kinh tế học Keynes (giữa) năm 1915 - Ảnh: National Portrait Gallery London (Bloomberg Businessweek ngày 30.10.2014 có bài viết John Maynard Keynes Is the Economist the World Needs Now, tạm dịch: Thế giới lại cần đến Keynes)

Cuộc Đại khủng hoảng diễn ra khiến cho dân chúng mất phương hướng, niềm tin vào thị trường nhường chỗ cho niềm tin vào chính phủ. Trong khi đó, Liên Xô với nền kinh tế kế hoạch tập trung, trở thành một cường quốc chỉ sau vài thập niên. Người ta không biết điều gì diễn ra sau “bức màn sắt”, chỉ biết Liên Xô trở thành một nước rất mạnh và không có thất nghiệp.

Hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành sau Đại chiến thế giới 2 lại trở thành mối đe dọa đối với phương Tây. Kinh tế học vĩ mô của John Maynard Keynes, một học thuyết pha trộn giữa kinh tế học cổ điển truyền thống và kinh tế kế hoạch, được coi là giải pháp để “cứu chủ nghĩa tư bản”. Về lý thuyết, nó vẫn để thị trường làm phận sự của mình nhưng Nhà nước “nắm đằng chuôi”, thông qua chính sách tài khóa. Nhưng các nhà chính trị thường có khuynh hướng lấn tới, “dấn thân” vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, thâm nhập sâu vào miếng ăn giấc ngủ của người dân và gánh thêm nhiều sứ mệnh khác. Nợ công được “thể chế hóa” thành công cụ điều hành nền kinh tế và thực hiện các “sứ mệnh cao cả”.

Việc dùng những món nợ khổng lồ để tăng đầu tư công nhằm “toàn dụng lao động” mà ngày nay chúng ta đang áp dụng chính là sáng kiến của Keynes, bất chấp những hậu quả trong dài hạn, thậm chí ông cũng không che giấu hậu quả đó bằng câu nói nổi tiếng “trong dài hạn, tất cả chúng ta đều chết” (do bài này chỉ đề cập đến những vấn đề lịch sử liên quan đến nợ công nên tôi không đi vào các phân tích và tranh luận kinh tế học).

Nước Mỹ và châu Âu đạt được thành tựu 30 năm huy hoàng. Keynes trở thành thần tượng của các nhà kinh tế. John Kenneth Galbraith, một kinh tế gia người Mỹ từng viết: “Kinh tế học cổ điển trước đây thường dạy vào ban ngày, nhưng kể từ năm 1936, các buổi tối hầu hết mọi người đều nói về Keynes”.

 

Theo quan điểm của Keynes đang thịnh hành lúc đó về nền kinh tế thì thất nghiệp và lạm phát giống như trò chơi bấp bênh của trẻ em, một bên lên thì một bên xuống...

Alan Greenspan,
cựu Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ, trong cuốn hồi ký Kỷ nguyên hỗn loạn

Đầu những năm 1960, trong vòng 5 năm, dưới thời các tổng thống Kennedy và Johnson, nước Mỹ đã tạo thêm 7 triệu việc làm, GDP tăng 1/3. Báo cáo thường niên của Hội đồng cố vấn kinh tế vào đầu năm 1965 làm cả nước Mỹ hào hứng, thị trường chứng khoán bùng nổ và đến cuối năm, tạp chí Time đưa hình Keynes lên bìa với tuyên bố “Giờ đây tất cả chúng ta đều theo Keynes”. Nước Mỹ tự tin là các nhà hoạch định chính sách sẽ giúp chính phủ dự đoán và định hướng được sự phát triển trong tương lai.

Nhưng nền kinh tế dần dần đi vào bất ổn. Ngoài mọi dự báo của các nhà kinh tế, đến năm 1970, thất nghiệp lên tới 6%, tương đương với khoảng 5 triệu người. Và thay vì giảm như tất cả các mô hình dự báo, lạm phát lên mức 5,7%, là mức rất cao ở thời điểm đó.

Alan Greenspan, cựu Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ ghi trong cuốn hồi ký Kỷ nguyên hỗn loạn (*) của mình: “Theo quan điểm của Keynes đang thịnh hành lúc đó về nền kinh tế thì thất nghiệp và lạm phát giống như trò chơi bấp bênh của trẻ em, một bên lên thì một bên xuống… Tuy nhiên mô hình kinh tế của Keynes đã thất bại trong việc giải thích hiện tượng cả thất nghiệp và lạm phát đều tăng ở mức phi mã”. Greenspan nhớ lại, một cuộc khảo sát dư luận vài năm sau đó cho thấy dân chúng xếp khả năng dự báo của các nhà kinh tế ngang hàng với khả năng dự báo của các nhà thiên văn học khiến cho ông phải tự hỏi “không biết các nhà thiên văn học đã dự báo sai điều gì”.

Cuộc khủng hoảng dầu lửa diễn ra năm 1973 làm cho nền kinh tế Mỹ tồi tệ hơn, thất nghiệp vẫn gia tăng còn lạm phát thì lên tới 2 con số. Năm 1974, nước Mỹ chìm trong một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1930.

Thất bại trong chiến tranh Việt Nam và vụ bê bối Watergate khiến tổng thống Nixon từ chức, để lại cho Gerald Ford một nước Mỹ đầy thương tích cùng chằng chịt những dây nhợ trói buộc, như Greenspan mô tả: “Thật khó tưởng tượng được những doanh nghiệp Mỹ đã bị hạn chế như thế nào. Các ngành hàng không, vận chuyển bằng xe tải, đường sắt, đường ống dẫn dầu, điện thoại, vô tuyến, những người môi giới cổ phiếu, thị trường tài chính, các ngân hàng tiền gửi tiết kiệm, những ngành phục vụ đều hoạt động dưới những quy định nặng nề, các hoạt động được giám sát tới từng chi tiết nhỏ nhất”.

 
Có lẽ trong thế kỷ 20, Ford là một trong số ít những tổng thống nghĩ đến sự phát triển bền vững dài hạn hơn là “tư duy theo nhiệm kỳ”.

Nhưng Gerald Ford đã không dùng “bảo điển” của Keynes, ông làm ngược lại những gì mà F.D. Roosevelt đã làm. Ông tuyên bố sẽ “tháo xiềng xích cho các doanh nhân Mỹ”, cam kết với các doanh nghiệp “để Chính phủ liên bang tránh xa doanh nghiệp của các vị, khỏi cuộc sống, khỏi ví tiền và không chạm tới một sợi tóc của các vị nếu tôi có thể”. Ông đã phát động một chiến dịch phi luật lệ hóa để “xóa bỏ những điều nực cười” mà Greenspan mô tả ở trên. Greenspan gọi “đó là một thành công không được ca tụng”. Ford đã làm cho nền kinh tế Mỹ dần dần hồi phục, nhưng cho đến khi người ta nhận ra những giải pháp của ông là đúng thì cuộc bầu cử đã qua. Ông đã thất cử, Jimmy Carter lên làm tổng thống từ đầu năm 1977.

Có lẽ trong thế kỷ 20, Ford là một trong số ít những tổng thống nghĩ đến sự phát triển bền vững dài hạn hơn là “tư duy theo nhiệm kỳ”. “Thành công không được ca tụng” của Ford tạo một bước khởi động của sự đồng thuận mới trong lịch sử nước Mỹ: Chính phủ lùi dần ra khỏi thị trường.

Tất nhiên Gerald Ford, cũng như các tổng thống khác sau này không có khả năng giảm nợ. Tuy có sự đồng thuận lùi dần ra khỏi thị trường nhưng nợ nần đã ăn sâu vào các thiết chế kinh tế của Mỹ, mọi nỗ lực chỉ có thể làm chậm lại tốc độ tăng nợ mà thôi.

Vào năm 1994, Milton Friedman, nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng đoạt giải Nobel năm 1976 còn nhận xét: “Chính phủ không còn chú tâm vào hoạt động sản xuất nữa mà chú tâm vào việc điều tiết một cách gián tiếp các doanh nghiệp được cho là của tư nhân và còn chú tâm hơn vào các chương trình tái phân phối thu nhập của chính phủ, bao gồm việc thu thuế của một số người nhằm bao cấp cho một số người khác - tất cả đều nhân danh công bằng và xóa đói giảm nghèo nhưng trên thực tế lại tạo ra sự hỗn độn đầy mâu thuẫn và thất thường của những khoản bao cấp cho những nhóm lợi ích đặc biệt. Kết quả là phần thu nhập quốc dân bị chính phủ sử dụng ngày càng gia tăng” (**).

(Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

(*) Anlan Greenspan, Kỷ nguyên hỗn loạn - những cuộc khám phá trong thế giới mới, bản tiếng Việt, NXB Trẻ, 2008.

(**) Trích từ F.A. Hayek, Đường về nô lệ, NXB Tri Thức, Hà Nội 2009.

>> Cơ chế ‘xin - cho’, nguồn gốc của núi nợ công
>> Kiểm soát chặt nợ công, kéo giảm nợ xấu
>> Cục nợ công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.