Ròng rã suốt 2 ngày qua, những chuyến bay thả hàng lương thực cho bà con vùng lũ ở sân bay Phù Cát (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên) lên xuống như thoi đưa, hoạt động hết công suất. Đoàn B70 cũng đã điều 4 máy bay ra miền Trung ứng cứu bão lụt cùng Đoàn B72, nâng tổng số máy bay phục vụ cứu trợ, thả hàng tại Bình Định và Phú Yên trong ngày 4.11 lên 6 chiếc.
Thả hàng
Báo Thanh Niên tiếp tục nhận tiền, hàng cứu trợ của bạn đọc giúp đỡ các nạn nhân của bão số 11. Địa chỉ tiếp nhận cứu trợ: Tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội, TP.HCM và các văn phòng đại diện trên toàn quốc. |
Nhìn từ cửa sổ máy bay, nhiều vùng ở Tuy Hòa chìm trong biển nước. Nhiều người già, trẻ em phải trèo lên nóc nhà, dùng nón, áo để vẫy máy bay cứu trợ. Nhiều nơi, khi hàng vừa chạm nước, hàng chục người dân thi nhau lặn ngụp để vớt, bất chấp khó khăn và cả nguy hiểm, bởi dù sao, đây cũng là cách duy nhất để tự giúp mình và người thân qua cơn đói. Và họ cũng biết đây là cách duy nhất các lực lượng cứu trợ có thể làm được trong tình thế nước sôi lửa bỏng này.
PV Thanh Niên thả hàng cứu trợ của báo cho người dân Tuy Hòa từ trên trực thăng - Ảnh: V.P.T |
Cảm động nhất là chuyến bay thả hàng cho người dân xã Canh Hiệp, H.Vân Canh (Bình Định). Mặc dù nước đã rút đi phần nào nhưng do chiếc cầu duy nhất nối lên các xã vùng trên của huyện bị gãy nên người dân vẫn lâm vào cảnh thiếu đói. Khi trực thăng vừa hạ cánh, bà con từ già đến trẻ, trai hay gái đều xắn tay phụ giúp đoàn bốc vác hàng hóa xuống đất. Tất cả đều được bà con tập kết lại một nơi rất trật tự để chờ xã phân phát trong bầu không khí ấm áp, san sẻ. “Nhà bị sập, mấy ngày qua vợ chồng con cái phải tá túc nhà hàng xóm. Cả làng lâm vào cái đói vì không còn hạt gạo, gói mì tôm nào”, vợ anh Lê Văn Thâm (Canh Hiệp) kể trong nước mắt.
Hàng cứu trợ được thả xuống từ trực thăng - Ảnh: V.P.T |
Cụ già với 40 giờ vẫn còn trên cây...
Trưa 4.11, lực lượng không quân nhận được lời kêu cứu từ Sư đoàn 3 ở Gia Lai cho biết tại xã Yang Nam (Gia Lai), có một cụ già hơn 60 tuổi bị mắc kẹt trên cành cây cao 15m tại khu vực ngay gần ngã ba sông đã hơn 40 tiếng đồng hồ, nhưng mọi nỗ lực của lực lượng cứu hộ địa phương đã bất thành. Đoàn B72 đã điều động ngay một trực thăng bay từ Đà Nẵng vào làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi đến nửa đường, máy bay này phải quay về vì sự cố kỹ thuật. Lập tức, máy bay trực thăng MI8 477 của Đoàn B70 đang làm nhiệm vụ thả hàng ở sân bay Phù Cát được điều động đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.
Càng khẩn cấp hơn khi tin hối về cụ già bị mắc trên cây chỉ còn cách mặt nước lũ cuồn cuộn chưa đầy 2 mét, cả đoàn cứu hộ chúng tôi ai cũng nóng lòng lên đường. Mọi phương án cứu hộ đã được bàn bạc chớp nhoáng ngay tại phi trường với sự chỉ huy của đại tá Đỗ Minh Tuấn, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân. Theo đó, trợ lý dù, thiếu úy Hoàng Anh Tuấn của C40 được giao nhiệm vụ đeo dây cáp xuống tiếp cận người bị nạn. Máy bay vừa cất cánh, người ở mặt đất, người trên máy bay ai nấy đều căng thẳng, thầm cầu mong sao cho mọi việc suôn sẻ.
Người dân xã Canh Hiệp (Bình Định) mừng rỡ nhận hàng cứu trợ từ trực thăng - Ảnh: V.P.T |
Tuy nhiên, thời tiết đã không ủng hộ lòng người. Khi đoàn cứu hộ của chúng tôi đến chân đèo An Khê thì trời mưa tầm tã, mây mù dày đặc. Tầm nhìn xa chỉ còn khoảng 1-2m, không thể quan sát, trong khi đó, những ngọn núi cao sừng sững của đèo An Khê lẩn nấp sau những đám mù đặc khiến tổ lái phải quyết định quay về để đảm bảo an toàn.
Không thể khác hơn! Chúng tôi tiếp cận mặt đất trong nỗi buồn không giấu nổi, lòng cứ thầm mong cụ vẫn bình an cho đến lần giải cứu tiếp theo.
Vũ Phương Thảo
Ít nhất 95 người chết, 20 người mất tích
Trong đó Phú Yên có 65 người chết, 16 mất tích; Bình Định 13 người chết, 3 mất tích; Khánh Hòa 12 người chết, 1 mất tích; Gia Lai 4 người chết; Ninh Thuận 1 người chết. Phú Yên chỉ mới xác định được 413 căn nhà sập hoàn toàn, 5.542 căn nhà bị tốc mái, 22 tàu thuyền bị chìm... Bình Định 311 nhà sập hoàn toàn, 3.549 nhà hư hỏng nặng, 41.750 nhà bị ngập sâu. Riêng tại TP Quy Nhơn, lũ lớn bất ngờ đã gây thiệt hại nặng nề tại 2 cụm công nghiệp Quang Trung và Nhơn Bình, hầu hết các văn phòng làm việc, nhà xưởng, nhà kho, nhiều thiết bị máy móc, hàng hóa... của các doanh nghiệp bị ngập sâu từ 1 - 2m. Quảng Ngãi 17 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 107 ngôi nhà và 9 phòng học bị tốc mái, hỏng nặng; 20 ha tỏi của bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn vừa mới trồng đã bị gió bão quần nát. Đắk Lắk có 18 người bị thương, 107 nhà bị sập, 4.730 ngôi nhà, 280 trường học và 73 công sở bị hư hỏng, tốc mái; hơn 4.800 ha lúa, ngô và hoa màu bị hư hại, hơn 10.000 trụ tiêu, 93.000 cây điều, 73.000 cây cao su, 79.000 cây cà phê và hơn 8.000 cây ăn quả bị gãy đổ; 2 km kênh mương, 4,1 km đường giao thông nông thôn cùng hàng chục cầu cống và hồ đập thủy lợi nhỏ bị sạt lở... Khánh Hòa 211 nhà bị hư hại hoàn toàn, 737 nhà bị tốc mái, nhiều phòng học và trạm y tế bị hư hỏng; hơn 2.000 lồng bè nuôi thủy sản bị trôi.
Phó thủ tướng ghi nhận và cho biết Chính phủ sẽ cân đối mức hỗ trợ cụ thể cho các địa phương. Phó thủ tướng đã trực tiếp đi kiểm tra, gửi lời thăm hỏi, chia buồn đến từng gia đình có người bị nạn; lưu ý các địa phương tổ chức mai táng chu đáo cho người bị chết, tiếp tục tìm kiếm cứu hộ người mất tích. Phó thủ tướng chỉ đạo không được để người dân bị đói rét, không có nơi ở; xử lý môi trường nhằm tránh xảy ra dịch bệnh; sớm khắc phục các tuyến giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc để phục vụ cho công tác cứu trợ. Khẩn trương tổng dọn vệ sinh trường, lớp học, sửa chữa cơ sở vật chất hư hỏng, sớm ổn định tình hình học tập. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế nhanh chóng cung cấp thuốc men, thuốc xử lý nước... Theo báo cáo của các địa phương và ghi nhận của PV Thanh Niên, đến chiều 4.11 vẫn còn nhiều nơi bị nước lũ, núi lở cô lập. Gần 10.000 nhân khẩu người dân tộc Giẻ Triêng, Châu... ở các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Đắk Choong và Xốp (H.Đắk Glei, Kon Tum) đang rơi vào nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng do trục đường huyết mạch dẫn vào các xã bị ách tắc vì sạt lở núi. Đường giao thông vào nhiều xã ở miền núi Quảng Ngãi bị chia cắt do sạt lở, cầu cống hư hỏng. Gia Lai còn 4 xã phía nam thuộc huyện Krông Pa, gồm Krông Năng, Ia Rmok, Ia Dréch, Ia Rsai vẫn bị cô lập do nước sông Ba chảy xiết khiến thuyền, phà không thể qua sông; nhiều vùng trũng thấp ở một số huyện như: Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa vẫn còn đang ngập trong nước. Hàng chục ngàn ngôi nhà ở Tuy Phước và TP Quy Nhơn vẫn còn chơi vơi giữa biển nước, giao thông lên huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) chia cắt hoàn toàn do cầu sập...
Nhóm PV |
Xóm làng, phố xá xác xơ
Nhà ông Nguyễn Ngọc Tỷ (thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam) chỉ còn trơ trụi bốn vách tường. Ông lui cui ngồi trong túp lều bạt thở dài. Gần đó, nhà chị Tô Thị Thu cũng bị gió giật tung, chỉ còn lại cái chái nhỏ, nhưng lại là chỗ trú ẩn cho hơn 7 người. Trên đống đổ nát, lương thực còn sót lại duy nhất là 2 quả mít non mà bão thổi văng vào nhà. Hai mẹ con chị Thu đang cố gắng cất giữ chúng để ăn đỡ qua ngày. “Mọi thứ đồ đạc trong nhà ướt hết, sách vở của lũ nhỏ cũng bị ướt cả. Thùng gạo mới mua vài ngày hôm trước dành cho cả gia đình ăn để chống chọi với mưa bão, nhưng đã bị bão vùi sâu dưới lớp gạch ngói”, chị Thu gạt nước mắt. Niềm vui vừa mới trở thành công dân thị xã của người dân Sông Cầu chưa thật trọn vẹn. Bão lũ quần nát tả tơi, nhiều xóm làng ngập ngụa trong bùn đất. Nhà anh Huỳnh Đình Thanh Trung, 35 tuổi, ở KP Long Hải Nam, P.Xuân Phú (thị xã Sông Cầu) bị lũ xé toạc móng, sập tường, cuốn trôi cả gia đình trong lũ. Trong khi đó, vùng rốn lũ Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định) hôm qua vẫn ngập trắng trong nước. Ngớt mưa, người dân bắt đầu thu dọn những gì còn có thể dùng lại được, nhưng nhiều lắm cũng chỉ là mấy bộ quần áo trĩu nặng bùn còn sót lại... Trở về nhà sau một ngày chạy lũ, nhiều người dân Quy Nhơn bàng hoàng khi nhìn thấy cảnh nhà cửa tan hoang. Toàn bộ vật dụng đều bị ướt đẫm nước bùn, hư hỏng hoặc cuốn trôi... Nỗi đau không thể bù đắp... Đau lòng nhất là gia đình chị Nguyễn Thị Nhung ở Tuy An. Anh Nguyễn Đình Mỹ (43 tuổi), chồng chị, sau hơn 12 giờ chống chọi với mưa gió đã chết cóng trên mái nhà, để lại vợ và 2 con gái. Bần thần bên thi hài chồng vào chiều qua, chị Nhung kể: “Sau khi anh Mỹ chết, vì sợ nước cuốn trôi nên tôi dùng dây buộc trên mái nhà, tôi và đứa con gái nhỏ theo ca-nô cứu hộ ra ngoài. Sáng nay, tôi mới có thể quay trở về đưa xác anh xuống”. Với gia đình anh Huỳnh Đình Thanh Trung (ở Sông Cầu), nỗi đau mất người thân còn nhân đôi. Bị sập nhà, lũ cuốn, vợ chồng anh Trung may mắn thoát chết nhưng 2 đứa con là Huỳnh Thị Ái (14 tuổi) và Huỳnh Dư Hạnh Nguyên (9 tuổi) lại bị lũ cuốn, chiều 3.11 mới tìm thấy xác. Phần vật lộn với bão lũ, phần đau lòng vì mất con đã khiến anh Trung hốc hác, ngất lên ngất xuống. Còn rất nhiều, rất nhiều những trường hợp tang thương khác. Từ rạng sáng 2.11 đến trưa hôm qua, hết sõng, ca-nô quần đảo kiếm tìm khắp nơi còn ngập nước, rất nhiều người dân khu vực 8, P.Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, cùng nắm tay nhau lội nước trong giá lạnh, đi rà từng mét nước, nhưng vẫn không tìm thấy xác anh Bùi Khương Vương Võ, 23 tuổi. 3 giờ sáng ngày 2.11, anh Võ cùng 2 thanh niên ở tổ 4 vội vã lùa đàn bò từ nhà lên đường quốc lộ chạy lũ. Giữa đường bị lũ cuốn, cả 3 cố bám lấy nhau, nhưng rồi anh Võ buông tay... Giữa trưa 4.11, khi đi trên QL1A, đoạn qua ngã ba thị trấn Diêu Trì, H.Tuy Phước (Bình Định), chúng tôi nhìn thấy một đám đông tụ tập bên cánh đồng ngập nước. Vào tận nơi mới thấy rõ cảnh tang thương. Bên một bàn thờ khói nhang sơ sài, 2 người phụ nữ đang vật vã khóc than. Ông Trương Mau, 69 tuổi, cha vợ của nạn nhân, kể lại: “12 giờ trưa qua, hai anh em Bùi Văn Chánh, 46 tuổi và Bùi Văn Thu, 42 tuổi bơi sõng đi kiểm tra thiệt hại tại nhà người bà con. Hai anh em bơi sõng men theo đường bê tông, nhưng gió mạnh đẩy sõng cách đường gần 5 mét, rồi lật úp sõng. Cả hai anh em đều bị mất tích”. Nhóm PV |
Bình luận (0)