Nở nụ cười khó vậy sao ?

12/02/2017 06:10 GMT+7

Trên Đông Dương tạp chí xuất bản năm 1914, tác giả Nguyễn Văn Vĩnh viết: “Người An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì...”, coi đó như một thói hư, tật xấu của người Việt.
Hơn một thế kỷ sau, ngày 7.2.2017, làm việc với H.Phúc Thọ (Hà Nội), Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội Hoàng Trung Hải có đề cập đến quy tắc ứng xử của công chức, trong đó nhắc nhở cán bộ phải tập đứng trước gương để... cười. Điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn với bài viết Gì cũng cười của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên Đông Dương tạp chí. Nhưng không, nụ cười mà ông Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội yêu cầu cán bộ phải nghiêm túc thực hiện là nụ cười cần thiết, đúng nơi, đúng đối tượng. Tại sao?
Những công dân nào từng đến các cơ quan công quyền để làm giấy tờ các loại, nộp thuế, khiếu nại... sẽ ít khi nào thấy cán bộ, nhân viên của các cơ quan ấy nở nụ cười xã giao. Thay vào đó thường là “mặt lạnh như tiền”, nghiêm nghị, thậm chí “đằng đằng sát khí”.
Nếu có mâu thuẫn chăng về nụ cười, chính là ở đây. Ai cũng biết cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Mà hễ đã là phận đầy tớ thì gặp chủ phải nở nụ cười trước. Chứ đừng để người chủ vì sợ đầy tớ quá nên nụ cười luôn thường trực trên môi mong mọi sự tốt lành - điều đã và đang diễn ra ở nước ta. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả cán bộ, nhân viên ở VN đều không biết cười. Bằng chứng là nhân viên nữ ở nhiều trạm thu phí trên các đường cao tốc của nước ta luôn nở nụ cười với tài xế khi thu tiền và nói lời cảm ơn. Bước đến các công ty lữ hành để mua tour du lịch hoặc vào nhà hàng, khách sạn... luôn thấy nhân viên cười tươi như hoa, hân hoan chào khách. Cho dù chúng ta đều biết đó là những “nụ cười kinh doanh” nhưng là nụ cười thật, không phải cười vu vơ.
Vậy thử hỏi, trao một nụ cười thân thiện với đồng bào mình có gì khó mà phải tập? Ấy vậy mà vẫn phải tập. Điều này thuộc phạm trù văn hóa giao tiếp. Với lượng khách nước ngoài đến VN vài chục triệu người mỗi năm như hiện nay thì nụ cười ấy lại càng cần thiết hơn. Ở các phi trường quốc tế trong nước và cả nước ngoài, nếu để ý, bạn sẽ thấy hầu như chỉ có nhân viên của hãng hàng không làm nhiệm vụ check-in là nở được nụ cười, còn đến phần hải quan và kiểm tra an ninh thì nụ cười rất hiếm, nam cũng như nữ, thay vào đó là bộ mặt căng thẳng, cả khách và nhân viên đều căng như nhau. Không có thời gian để cười nữa, lấy đâu ra lời chào hỏi. Thế nhưng, cũng có lần nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra hộ chiếu đột nhiên ngưng thao tác, ngước lên nở nụ cười, nói chuyện vui vẻ với khách. Sau này mới biết, sở dĩ có những phút giao tiếp hiếm hoi, thú vị ấy là do máy computer của anh ta... bị treo, đứng hình!
Trở lại với câu chuyện “tập cười trước gương”, có quan điểm cho rằng vì thu nhập hằng tháng hiện nay của cán bộ, nhân viên nhà nước từ phường xã đến tỉnh thành “bèo” quá nên... cười không nổi. Vậy, nếu sắp xếp lại bộ máy, giảm bớt nhân sự nhằm tăng thu nhập lên gấp 2, 3 lần so với hiện nay thì liệu họ có thường xuyên nở được nụ cười tươi tắn khi tiếp xúc với dân? Điều đó không dám chắc. Tuy vậy, có điều này là chắc: nở nụ cười thân thiện đúng hoàn cảnh sẽ giúp cho cuộc sống này đáng yêu hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.