Nobel Hóa học 2009 chia ba

08/10/2009 00:37 GMT+7

Người Mỹ một lần nữa hãnh diện khi hai khoa học gia đồng hương của họ cùng chia sẻ Nobel Hóa học với một đồng nghiệp người Israel.

Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển hôm qua xướng tên Venkatraman Ramakrishnan - người Mỹ gốc Ấn Độ, Thomas A.Steitz - người Mỹ và Ada E.Yonath người Israel cho giải Nobel Hóa học 2009 nhờ khám phá ra cấu trúc và chức năng của ribosome, một thành phần quyết định tạo nên sự sống, theo website nobelprize.org. Ribosome, còn gọi là ribô thể, là một bào quan có mặt trong tất cả các tế bào của sinh vật và đảm nhiệm chức năng tổng hợp protein cho tế bào.

Vì protein là thành phần cơ bản của sự sống nên có thể xem ribosome là “cỗ máy” xây dựng và duy trì sự tồn tại của sinh vật. Thông báo chính thức của Hội đồng Nobel tuyên bố công trình của ba nhà khoa học là nền tảng cho việc nghiên cứu các loại kháng sinh hiện đại. “Nhiều loại kháng sinh hiện nay hoạt động bằng cách tấn công ribosome của vi khuẩn vì không có bào quan này, vi khuẩn không thể sống sót”, Hội đồng tuyên bố, “Khám phá về ribosome đã hỗ trợ trực tiếp cho nỗ lực bảo vệ mạng sống của con người trước nhiều loại bệnh tật”.

Ramakrishnan (57 tuổi), Steitz (69 tuổi) và Yonath (70 tuổi) thực hiện những nghiên cứu của mình hoàn toàn độc lập nhưng đã công bố các khám phá về ribosome gần như cùng lúc vào tháng 8 và tháng 9.2000, theo AFP. Cả ba sẽ chia đều giải thưởng trị giá 10 triệu Kronor (khoảng 1,4 triệu USD) cùng bằng khen và thư mời đến lễ trao giải tại Stockholm (Thụy Điển). Tiến sĩ Ramakrishnan, hiện đang làm việc tại Anh, dành tặng vinh dự này cho đội ngũ đồng sự trong phòng thí nghiệm của mình và nói ông cùng 2 người cùng chiến thắng là đại diện cho công sức của rất nhiều người.

Có lẽ giải thưởng này có ý nghĩa đặc biệt nhất với Ada E.Yonath khi bà trở thành người phụ nữ Israel đầu tiên đoạt một giải Nobel dù nước này đã 9 lần được Hội đồng Nobel vinh danh với 3 giải Hóa học. “Tôi đang ở cùng con gái khi được thông báo thắng giải và sự tự hào của nó là điều khiến tôi hạnh phúc nhất”, Yonath phát biểu với giới truyền thông Thụy Điển qua điện thoại. Bà Yonath là người tiên phong nghiên cứu ribosome trong những năm 80 và chính những thành công của bà đã thúc đẩy các ông Ramakrishnan và Steitz tham gia lĩnh vực này.

AFP dẫn lời bà Yonath cho hay câu chuyện về cuộc đời và thành tựu của nữ khoa học gia vĩ đại Marie Curie, người đầu tiên nhận 2 giải Nobel, đã khiến bà quyết tâm dấn thân vào hóa học. Bà cũng là người luôn ủng hộ nữ giới tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học. “Phụ nữ chiếm một nửa dân số và thế giới sẽ hoang phí một nửa lượng chất xám nếu phụ nữ không được khuyến khích nghiên cứu khoa học”, bà nói với AFP.

Cả ba người thắng giải đều khẳng định họ sẽ không dừng lại sau thành tựu này mà sẽ tiếp tục đeo đuổi những nghiên cứu mới. “Thật ra bảy tám năm trước người ta đã nói với tôi công trình về ribosome có khả năng đoạt giải Nobel nhưng tôi đâu thể nào suốt ngày ngồi mơ về các giải thưởng,” bà Yonath nói.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.