Nobel Văn học 2021 sẽ gọi tên ai?

Huệ Bình
Huệ Bình
06/10/2021 10:33 GMT+7

Sau gần một thập kỷ ưu ái các tác giả phương Tây, liệu Nobel Văn học 2021 có mở rộng tầm nhìn?

Đối với giải thưởng Nobel Văn học, sắp được công bố vào ngày 7.10, giới chuyên môn kiến nghị Viện Hàn lâm Thụy Điển có thể xem xét xa hơn sau khi đã vinh danh một số cá nhân từ khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Ông Jonas Thente, nhà phê bình văn học tại nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter, nói với hãng tin AFP: “Tôi tin rằng họ thực sự muốn khám phá ra một thiên tài từ một khu vực bị bỏ quên trước đây”. Ông gợi ý cá nhân đó có thể là “một người quan tâm hàng đầu đến trải nghiệm đa văn hóa”, chẳng hạn Chimamanda Ngozi Adichie (44 tuổi), sinh ra ở Nigeria. “Cô ấy có lẽ còn quá trẻ nhưng sẽ phù hợp”, ông Thente nói thêm. Đến nay, Rudyard Kipling vẫn là nhà văn trẻ nhất trên thế giới đoạt giải Nobel Văn học. Khi nhận giải, ông 41 tuổi.

Tạp chí phê bình văn học The Times Literary Supplement mô tả Chimamanda Ngozi Adichie là nhà văn nổi bật nhất trong số các tác giả trẻ viết tiếng Anh của văn học châu Phi

The New York Times

Chimamanda Ngozi Adichie là nữ nhà văn người Nigeria, từng nhận giải văn học viết bằng tiếng Anh dành cho nữ Orange năm 2007 với tác phẩm Half of a Yellow Sun (tạm dịch: Nửa mặt trời vàng) khi 29 tuổi. Thời điểm đó, Chimamanda Ngozi Adichie trở thành người đoạt giải Orange trẻ tuổi nhất và là tác giả đầu tiên từ châu Phi giành giải thưởng này. Tạp chí phê bình văn học The Times Literary Supplement mô tả Chimamanda Ngozi Adichie là nhà văn nổi bật nhất trong số các tác giả trẻ viết tiếng Anh của văn học châu Phi.

Ngũgĩ wa Thiong’o của Kenya thường xuyên được nhắc đến như một tác giả châu Phi xứng đáng nhận Nobel Văn học. Ngũgĩ wa Thiong’o sinh năm 1938 là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình từ văn học, nghị luận xã hội cho đến các tác phẩm thiếu nhi. Ông viết bằng 2 ngôn ngữ chính là tiếng Anh và Gikuyu, vốn là thứ ngôn ngữ phổ biến ở Kenya. Cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Ngũgĩ wa Thiong’o, Devil on the Cross (tạm dịch: Ác quỷ trên Thập tự giá), được viết bằng tiếng Gikuyu trên những tờ giấy vệ sinh khi ông bị nhốt trong tù. Kể từ đó, khi sáng tác các tác phẩm văn học ông đều viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, bởi ông cho rằng người châu Phi cần phải bảo vệ thứ ngôn ngữ bản địa đã tồn tại suốt bao năm nay.

Ngũgĩ wa Thiong’o của Kenya thường xuyên được nhắc đến như một tác giả châu Phi xứng đáng nhận Nobel Văn học

Pune Mirror

Một số cái tên mới nổi cũng được đánh giá cao về khả năng đoạt giải, như tác giả Vikram Seth từ Ấn Độ và nhà văn người Mozambique Mia Couto. Vikram Seth nổi tiếng ở Ấn Độ cả ở mảng tiểu thuyết lẫn thơ ca. Vikram Seth nhận được một số giải thưởng như Padma Shri, Giải thưởng của Học viện Sahitya, Pravasi Bharatiya Samman. Về phần Mia Couto, nhà văn giành được Giải thưởng Camões vào năm 2013, giải thưởng văn học quan trọng nhất bằng tiếng Bồ Đào Nha, và Giải thưởng Văn học Quốc tế Neustadt vào năm 2014. Các tác phẩm của ông được xuất bản ở hơn 20 quốc gia và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Đức… Mia Couto bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hiện thực huyền diệu, một trào lưu phổ biến trong các nền văn học Mỹ Latinh hiện đại, và thường hay đan cài các câu đố, truyền thuyết, phép ẩn dụ vào tiểu thuyết.

Nhà thơ Peter Nadas của Hungary, nhà văn Margaret Atwood của Canada cũng được dự đoán là nhà văn sáng giá nhiều khả năng được giải Nobel Văn học năm nay. Peter Nadas là một trong những tên tuổi lớn của nền văn xuôi Hungary. Tác phẩm Párhuzamos történetek (tạm dịch: Những câu chuyện song hành) của ông là thành tựu văn học đáng kể của Hungary mấy năm trở lại đây, và hết sức thành công ở nước ngoài. Margaret Atwood (1939) là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng, là ứng cử viên sáng giá của Nobel Văn học nhiều năm qua. Ông Lý Kính Trạch, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, đánh giá cao tiểu thuyết của bà Margaret Atwood, cho rằng có thể là đại biểu xứng đáng cho giới văn học Canada.

Một số cái tên khác được nhắc đến như nhà thơ Adonis của Syria, tác giả Somali Nuruddin Farah. Trong khi đó, giáo sư Frances Restuccia thuộc trường Cao đẳng Boston (Mỹ) đoán nhà văn Milan Kundera có thể sẽ nhận giải Nobel Văn học. Văn chương của Milan Kundera được đánh giá là mang một thái độ mỉa mai, giễu cợt với sự phức tạp trong cấu trúc hình thái ngôn ngữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.