Vụ kiện Biển Đông làm nội bộ Trung Quốc lủng củng vì những bất đồng trong giới tham vấn đối ngoại cho Bắc Kinh với trình độ khác nhau về ngoại giao quốc tế.
Cảnh sát biển Việt Nam canh giữ ở Biển Đông, phía trước là tàu hải cảnh của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg |
Tranh cãi không nhỏ đã nổ ra ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước việc Bắc Kinh nên hay không tham gia hay phản hồi vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới các tranh chấp trên Biển Đông, vì nó sẽ ảnh hưởng đến những gì Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố gắng đeo đuổi.
Bắc Kinh tẩy chay vụ kiện của Manila lên tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan). Trung Quốc tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết của cơ quan trọng tài này (dự kiến sẽ đưa ra vào giữa năm 2016).
Việc từ chối tham gia các phiên tòa không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không có phản biện đối với những cáo buộc của Manila, mà vì Trung Quốc không lựa chọn cách giải quyết thông qua bên thứ ba.
Điều này tạo ra sự tranh cãi trong nội bộ Trung Quốc rằng liệu Bắc Kinh có nên tránh né trong các phiên điều trần diễn ra hồi tháng 11.2015 hay không, dù được cho là có nhiều cơ hội; trong khi các chuyên gia luật quốc tế không tin rằng các nhà làm chính sách của nước này thành công trong việc bảo vệ đòi hỏi chủ quyền dù rất vô lý của Trung Quốc, theo Bloomberg hôm 18.12.
Thực ra Trung Quốc có một lần phản hồi chính thức, được xem là sự tham gia của Bắc Kinh trong vụ tranh chấp này. Đó là vào tháng 12.2014, Trung Quốc gửi công văn đến Tòa thường trực của Trọng tài quốc tế để phản đối vụ kiện của Manila, nói rằng đó là vụ tranh chấp chủ quyền mà theo Bắc Kinh không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa thường trực. Tuy nhiên, tòa này đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc và chỉ xem công văn là “lời biện hộ” của Bắc Kinh đối với vụ kiện.
Giờ đây, vấn đề nên hay không nên tham gia vụ kiện trở thành “quả bóng độc” được đá qua lại giữa các bộ phận hữu trách của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bloomberg nhận định. “Hai cơ quan tranh cãi, đổ lỗi trách nhiệm cho nhau đối với vụ này cả năm trời trước khi chuyền nó xuống bộ phận thừa hành cấp dưới”, nguồn tin của Bloomberg phát biểu và đề nghị không nêu tên vì cuộc trao đổi với báo chí chỉ mang tính riêng tư.
Thiếu trình độ ngoại giao
“Có quan điểm cho rằng Trung Quốc có chính sách đối ngoại ‘lùi một bước để tiến hai bước’ cực kỳ thông minh, đúng đắn, phán đoán như thiên tài”, James Kraska, giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu luật pháp quốc tế thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định một cách mỉa mai. "Tuy nhiên, tôi không chắc chắn điều đó là đúng. Có vẻ nó đi quá xa”, ông nói tiếp.
Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông - Ảnh: CSIS
|
Vấn đề đang được tranh cãi trong giới chức ngoại giao của Trung Quốc là nếu Philippines thắng kiện thì Trung Quốc sẽ trở nên khó xử đối với thế giới, đặc biệt là đối với lãnh đạo hàng đầu của nước này. Ông Tập Cận Bình luôn xem việc xây đảo phi pháp ở Biển Đông như niềm “tự hào quốc gia”, thể hiện sức mạnh quân sự của một cường quốc.
Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông cho rằng đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong giới chức ngoại giao Trung Quốc liên quan đến tham vấn Biển Đông.
“Nó cho thấy giới chức ngoại giao (Trung Quốc) thiếu tầm nhìn chiến lược. Những người xem ngoại giao là nghề chuyên nghiệp nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản về chính trị. Điều này vốn thường thấy trong giới làm chính sách của nhiều quốc gia”, ông Zhang nói.
Theo ông Zhang, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tập hợp nhiều chuyên gia ngoại giao và học giả chuyên nghiệp, mà bản thân ông cũng nằm trong đó. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng các quan chức không đủ tầm để định hướng cho Trung Quốc đi lên. “Đối với một siêu cường như Trung Quốc, cần những người có tầm nhìn lớn hơn”, ông Zhang nhận định.
Bình luận (0)