Nỗi buồn di tích - Kỳ 2: Đừng để thành “nhà kho” của lịch sử

07/05/2012 03:03 GMT+7

Di tích không phát huy được giá trị văn hóa và lịch sử sẽ dần trở thành những di tích “chết”.

Bên cạnh việc khắc phục những hạn chế như thiếu tư liệu, hiện vật, phương pháp, kỹ thuật trưng bày lạc hậu, không hấp dẫn, di tích lịch sử còn cần những người kể chuyện, truyền cảm hứng cho du khách. Vậy ai là người có thể dẫn dắt câu chuyện lịch sử?

Tất nhiên, các hướng dẫn viên tại di tích thường làm nhiệm vụ này. Nhưng đó còn có thể là những người đang sống trong lòng di tích (còn gọi là di tích sống) và cả những người dân địa phương sống gần di tích. Cách làm này - theo TS lịch sử Đặng Thị Vân Chi, cần được khuyến khích, bởi nhiều thế hệ người dân sẽ hiểu rõ hơn các giá trị lịch sử, chính họ sẽ trở thành những người quảng bá, bảo vệ cho di tích.

Nỗi buồn di tích 
Học sử tại di tích khiến bài học sinh động hơn - Ảnh: Minh Ngọc

Một cách truyền cảm hứng khác được nhiều nơi trên thế giới đưa ra là để du khách tự trải nghiệm, khám phá. Nhà sử học Dương Trung Quốc đến giờ vẫn ấn tượng với ngón nghề mà những nhà quản lý của một di tích nhà tù đã áp dụng. “Ở đó, du khách không chỉ đi tham quan mà họ còn có thể thử cảm giác sống trong tù, ăn cơm tù ra sao”- ông kể. Nhà sử học này cũng bày tỏ: “Ở nhiều nơi, người ta luôn nghĩ ra những phương thức lôi kéo khiến du khách phải xếp hàng tham quan. Trong khi chúng ta lại chẳng bao giờ nghĩ đến việc làm thế nào để khách tự nguyện tìm tới di tích, mà thường cưỡng ép, thúc giục”.

 

“Vì những lợi ích kinh tế trước mắt, người ta xây dựng nhà cửa, khiến nhiều di tích không còn được nguyên vẹn. Lịch sử phong phú như vậy nhưng chính chúng ta đang tự làm nghèo nàn đi. Tôi đi sang nhiều nước thấy hơi chạnh lòng. Đôi khi có những sự kiện, di tích nhỏ nhưng họ biết cách tôn vinh, tạo ra sự hấp dẫn, thu hút được đông đảo người dân, trong khi đó chúng ta lại có rất nhiều di tích mà lại đang dần đánh mất”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Học lịch sử qua di tích

Một trong những hình thức phát huy giá trị di tích lịch sử được nhiều nhà quản lý văn hóa, nghiên cứu đề xuất là gắn di tích với giáo dục lịch sử trong trường học. Mặc dù nhiều nhà trường đã phát động phong trào nhà trường tích cực, học sinh thân thiện gắn với tham quan bảo tàng, di tích nhưng hiệu quả còn kém.

Theo ông Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, chúng ta chưa hề đưa việc dạy lịch sử gắn với tham quan di tích vào trong chương trình giảng dạy. Ông Tuân cho rằng: “Việc cần làm là xây dựng chương trình dạy học gắn với những điểm di tích cụ thể. Chẳng hạn như khi giảng về giai đoạn lịch sử năm 1941-1943, có thể đưa học sinh tới di tích nhà bà Hai Vẽ, để biết thời kỳ đó gian khổ ra sao, các chiến sĩ cách mạng hoạt động như thế nào. Chứ không chỉ là đến thăm rồi về”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: học lịch sử phải học trước hết về chính làng quê, khu phố, mảnh đất mình sống, con đường hằng ngày mình bước chân lên đó. Học để hiểu, hiểu rồi sẽ yêu, mà lòng yêu nước được bắt nguồn từ chính lòng yêu quê hương, yêu làng quê, khu phố, ngôi nhà trong mỗi người.

Biết rằng, tình trạng tại các di tích cách mạng, kháng chiến có thể thay đổi không phải một sớm một chiều. Nhưng nếu cứ cho đó là việc khó rồi mãi bỏ mặc thì không biết tương lai những di tích này sẽ đi về đâu. Cần hiểu rằng, làm di tích sống lại còn là trách nhiệm của chúng ta với tiền nhân.

Minh Ngọc

>> Nỗi buồn di tích
>> Nỗi buồn di tích: Hiu hắt khách tham quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.