Nỗi buồn… được mùa

15/03/2012 10:03 GMT+7

Làm nông buồn nhất là khi chẳng may gặp cảnh mất mùa. Thế nhưng được mùa thì cũng chưa chắc đã vui vì thường gặp cảnh rớt giá. Đó là tâm trạng của hàng triệu người trồng lúa ở ĐBSCL hiện nay. “Trúng mùa – rớt giá” đã là câu chuyện xưa như trái đất và người ta cứ phải chấp nhận nó như một quy luật.

Hiện nay đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân- vụ mùa chính trong năm ở ĐBSCL. Và hôm nay 15.3 là thời điểm mà các doanh nghiệp phải tích cực triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo để giải quyết bớt một phần lúa tồn đọng trong dân. Song giữa thực tế thu hoạch lúa và chủ trương thu mua tạm trữ vẫn còn nhiều khoảng cách cần phải bàn. Thứ nhất, với tổng diện tích gieo sạ khoảng 1,6 triệu hecta, tương đương sản lượng thu được trên 11 triệu tấn. Với chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo thì quy ra chưa tới 2 triệu tấn lúa. Nếu trừ đi các khoảng nông dân tiêu thụ được, trữ để ăn dần, làm giống… thì lượng lúa tồn thực tế ít nhất cũng khoảng 5 triệu tấn. Thứ hai, thời điểm thu mua từ 15.3 – 30.4 cũng được cho là quá trễ vì trước đó khoảng một tháng những trà lúa đông xuân sớm đã bắt đầu được thu hoạch. Nên nếu thu mua tạm trữ vào thời gian trên thì lượng lúa trong dân không bán được tích lũy lên sẽ rất lớn đẩy giá lúa giảm mạnh. Đó cũng là lý do mà UBND tỉnh Đồng Tháp đã gởi công văn kiến nghị với Bộ NN-PTNT và Chính phủ đẩy thời gian thu mua tạm trữ lên đầu tháng 3. Chính vì có những sự “lệch pha” trên dẫn đến thực tế hiện nay là lúa đang bị rớt giá mạnh và thậm chí có nơi không bán được.

Theo thông báo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.050 – 5.150 đ/kg, lúa dài khoảng 5.250 – 5.350 đ/kg, nhưng thực tế giá lúa mà nông dân bán được chỉ dao động ở mức 4.200 – 4.500 đ/kg. Thậm chí, nhiều nơi thương lái còn thẳng thừng từ chối thu mua lúa IR50404. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sau ngày 15.3, thị trường lúa gạo trong nước cũng khó mà khá hơn được vì tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn. Và khi mà lượng lúa hàng hóa càng dồi dào, cùng với đó là áp lực bán lúa để quay vòng vốn của bà con nông dân thì giá sẽ càng giảm.

Nông nghiệp vốn được xem là chỗ dựa của nền kinh tế Việt Nam trong những lúc khó khăn, nhưng nay chỗ dựa ấy cũng đang phải kêu cứu.

Bảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.