Mười năm trước, tôi chia tay Phuket vào một buổi sáng sớm đầu năm. Qua cửa sổ máy bay nhìn xuống, một vạt dài phía tây hòn đảo như bị ai đó vung dao chém sượt, xám ngắt đến nao lòng.
Cảnh thanh bình tại Patong hiện nay - Ảnh: Đỗ Hùng
|
Đấy là thời gian Phuket và một dải duyên hải miền nam Thái Lan vừa trải qua cơn sóng thần của ngày 26.12.2004 và tôi có thời gian tác nghiệp ở đấy với những ám ảnh khôn nguôi. Phải đến 10 năm sau tôi mới có dịp trở lại.
Trên đường từ sân bay Phuket xuống TP.Patong ở mạn tây hòn đảo, tôi tạt vào văn phòng du lịch Phuket Vacation Travel. Thực ra tôi không có ý định vào đây nhưng anh tài xế taxi xin phép ghé để ký sổ gì đấy, mà về sau tôi hiểu là anh đưa tôi vào để bán tour du lịch. Tiếp tôi là một phụ nữ khoảng 40, rất nồng hậu bởi bà có tour đi đảo Phi Phi đang cần bán. “Anh tới Patong nghỉ mát à? Bây giờ hơi sớm, chưa vui, nhưng đến đêm sẽ sôi động cực kỳ”. Tôi cười, rằng chỉ trở lại thăm Patong như một người bạn cũ, đã 10 năm không gặp. “Ôi, 10 năm giờ anh mới trở lại. Sao lâu thế?”, bà tròn xoe mắt. Tôi bảo thực ra tôi đã trở lại Thái Lan rất nhiều lần, nhưng chủ yếu đi chơi trên Bangkok và Pattaya. “Ồ, anh thích Phuket, Pattaya hay Bangkok?”. Tôi thú thực Bangkok và Pattaya như những cô gái quá vồn vã nhiệt tình, không phải “gu” của tôi, “còn Phuket ư? Hồi đó tôi đến vào những ngày buồn nhất, nên chẳng có được ký ức tươi đẹp nào”.
Không ngủ ở Patong
Không có gì ở Patong gợi nhắc thảm họa kinh hoàng của 10 năm trước, mà với tư cách là một phóng viên tôi đã chứng kiến tận mắt hậu quả tang thương của nó. Có chăng chỉ là vài tấm bảng với dòng chữ “Next Tsunami - Zero Loss”, giới thiệu về một hội nghị do Nhật Bản tài trợ nhằm nâng cao nhận thức về sóng thần. Tên của hội nghị cho thấy mục tiêu rất cụ thể: Hãy sẵn sàng để tránh tổn thất khi chẳng may sóng thần trở lại.
“Anh còn nhớ gì về sóng thần không?”, buổi trưa rảnh rỗi, tôi ngồi trò chuyện với các nhân viên khách sạn Deva Suites nằm trong một con hẻm ở Patong. “Ồ, 10 năm rồi. Mọi người hầu như đã quên”, anh chàng Bajanthuk đáp. “Hồi đó, tôi có người anh làm ở Patong và bị thương khi sóng thần xô vào cửa hiệu. Về sau anh ấy chuyển tới TP.Phuket, không dám định cư tại Patong nữa”.
Gần suốt ngày hôm đó, tôi đi khắp Patong, ra tắm ở bãi biển nằm bên một vịnh nhỏ. Nắng rực rỡ, biển xanh ngắt và ngoài kia là đàn du thuyền trắng muốt, lững lờ trôi trong yên bình. Bãi biển nơi tôi tắm, một buổi sáng 10 năm trước, tôi đã gặp những con người xác xơ, thẫn thờ, những chiếc thuyền bị sóng quật nát, những ngôi nhà kiên cố bị đánh sập. Còn giờ đây, tất cả, tràn ngập là một khung cảnh êm đềm như chưa hề có những mất mát của quá khứ chưa xa.
Càng về chiều, Patong càng vui, khi những tụ điểm ăn chơi bắt đầu mở cửa, vồ vập đón mời. “Ở đây người ta chơi đến sáng. Võ đài muay Thái, quán bar múa cột, tiệm mát xa chỉ đóng cửa ngay trước bình minh”, Maya, tiếp viên trong quán bar của người chuyển giới, nói với tôi.
Mười năm trước, tôi đã trải qua những đêm chập chờn ở Patong, bởi hình ảnh của chết chóc, của điêu tàn cứ ám ảnh mãi trong giấc ngủ. Và 10 năm sau, tôi lại không ngủ ở nơi này, không phải bởi những ám ảnh cũ xưa mà bởi những cuộc vui kéo dài tới sáng, rượu bia tràn ngập, thịt da cứ ngồn ngộn. Patong đầy sức sống không bao giờ dừng lại để mãi sụt sùi về cơn đau buồn ngày xưa.
Xanh ngắt Maya Bay
"Thiên đường trên biển đấy!", câu nói của một doanh nhân du lịch Thái Lan, 10 năm về trước, lại vang lên trong đầu, khi tôi lại đi tàu cao tốc ra Koh Phi Phi vào buổi sáng cuối năm 2014. Nhớ ngày ấy, khi nhớn nhác chạy xuống bến tàu để tìm đường ra đảo Phi Phi, tôi đã gặp một chiếc tàu du lịch chở nhân viên cứu hộ ra hòn đảo du lịch nổi tiếng. Đường đến đảo, 10 năm trước và bây giờ, vẫn chẳng đổi thay. Trời xanh ngắt, nước trong veo và thi thoảng giữa mặt biển lặng lại nhô lên một hòn đảo nhỏ.
Biển trời vẫn một, nhưng lòng người lại khác xa. Mười năm trước, khi tôi cập cầu tàu ở Koh Phi Phi Don (đảo Phi Phi lớn), chào đón tôi là một bãi xác người. Những thi thể bọc bằng túi ni lông sau nhiều ngày đã trương phình lên, tử khí bao trùm khắp hòn đảo nhỏ từng rất tuyệt đẹp này. Phi Phi là một cụm đảo, gồm hai hòn chính là Phi Phi Don (lớn) và Phi Phi Leh (nhỏ). Phi Phi Don có nhà hàng, khách sạn, phố mua sắm, dịch vụ lặn biển ngắm san hô, du thuyền. Phi Phi Leh nhỏ mà đẹp hơn, không có nơi lưu trú nhưng lại cực kỳ quyến rũ du khách, đặc biệt là bãi biển Maya nằm bên vịnh nhỏ cùng tên, được bao bọc bởi các mỏm núi cao. Sau khi tài tử Leonardo DiCaprio tới đóng phim The Beach vào năm 1999 thì hòn đảo này càng trở nên nổi tiếng.
Nhỏ bé và đẹp lung linh, nhưng Phi Phi Don lại là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nhất trong cơn ba đào của 10 năm trước. Vào thời điểm xảy ra sóng thần, người ta ước tính có khoảng 10.000 người tại Phi Phi Don, gồm cả dân và du khách. Sóng quật vào, khoảng 80% nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn. Một năm sau khi thảm họa, người ta mới quy tập được 850 thi thể, còn khoảng hơn 1.200 người mất tích. Có 104 trẻ em sóng sót ở hòn đảo nhỏ bé này mất mẹ hoặc cha, hoặc cả hai.
Nếu như ở Patong, cái không khí ăn chơi cứ lấn át đi những hoài niệm về ngày cũ đau buồn, thì ở hòn đảo Phi Phi giữa mênh mông Ấn Độ Dương, vẫn còn đó hình ảnh của quá khứ. Trên đảo Phi Phi Don, vượt qua những nhà hàng, khu mua sắm, nghỉ dưỡng, tôi bắt gặp một khoảng quá khứ lặng ngắt. Công viên tưởng niệm sóng thần chiếm một diện tích khá lớn và nỗi đau mà nó chuyên chở trong lòng còn lớn hơn.
Maya Bay xanh ngắt đến nao lòng và Phi Phi Don đã khôi phục hoàn toàn các hoạt động du lịch, nhưng cơn đau quá khứ thì không một phút nguôi ngoai. Buổi sáng của 10 năm về trước, vào lúc 10 giờ, một cơn hồng thủy quét qua nơi đây, để lại vết thương đau vĩnh viễn.
Tác giả (trái) tại đảo Phi Phi những ngày sóng thần vừa quét qua - Ảnh: T.L
|
Niềm tin ở Khao Lak
Ngày kế tiếp, tôi nằm phơi nắng trên cát Khao Lak, một bãi biển nổi tiếng ở tỉnh Phang Nga, cách Phuket chừng 2 giờ chạy xe. Chỗ tôi nằm, nếu như nhớ không nhầm, thì 10 năm về trước vốn là nơi quy tập thi thể các nạn nhân xấu số. Ở Phuket, Khao Lak, Phi Phi, du khách Bắc Âu sang tránh đông rất nhiều. Khi sóng thần quét vào hồi cuối năm 2004, nhiều nạn nhân là người Đức, Thụy Điển, Áo, Phần Lan… Trên bức tường tưởng niệm tại làng Ban Nam Khem mà tôi tới hồi trưa, tôi đã “bắt gặp” rất nhiều nạn nhân là người phương Tây, cậu bé David người Áo, ông Friedrich người Đức, rất nhiều…
“Sóng tràn vào, bất ngờ lắm, quét đi mọi thứ”, ông Boonsong, 69 tuổi ở làng Ban Nam Khem kể. Hồi đó, ông là một chủ tàu, có 15 nhân viên. Sóng ập vào, cuốn ông trôi xa 3 cây số vào sâu trong đất liền, chẳng hiểu sao còn sống được. Trở về, đếm trong số nhân viên thì thiếu mất một người. “Anh ta không bao giờ trở lại”, ông Boonsong kể.
Làm thế nào để người ta đứng dậy được sau một cơn đau như thế? Tôi cứ ám ảnh bởi câu hỏi này, sau tất cả những gì khủng khiếp mà tôi đã chứng kiến ở quá khứ chưa xa, cũng như những đổi thay chóng mặt mà tôi đang được thấy vào lúc này. “Tôi cùng những người sống sót chạy khắp nơi, gom nhặt thi thể, giúp những người bị thương, rồi sau đó là một nỗ lực lâu dài để vực dậy cuộc sống từ nơi chết chóc”, ông Boonsong kể. Sự kiên cường của người dân, cùng với tấm lòng và cánh tay giúp sức từ khắp nơi, đã giúp cho Ban Nam Khem, Khao Lak, Phi Phi và rất nhiều vùng đất từng điêu tàn bởi thảm họa ngày 26.12.2004 hồi sinh.
“Bây giờ thì mọi người đều đã hiểu rõ hơn về sóng thần. Không ai mong thảm họa xảy ra, nhưng nếu nó lại đến, chúng tôi sẽ biết cách đối phó”, ông Boonsong vừa nói, vừa chỉ tay về phía ngôi nhà kiên cố xây cách không xa bờ biển. Đấy là một trong rất nhiều công trình được cất lên dọc bờ biển ở Thái Lan, để làm nơi trú ẩn mỗi khi có sóng thần.
Bình luận (0)