Nỗi đau sông Hồng: Ô nhiễm đã được cảnh báo từ lâu

17/03/2011 23:29 GMT+7

Không phải đợi đến khi nước sông Hồng đổi màu, mà từ nhiều năm trước, các nhà khoa học đã cảnh báo về sự ô nhiễm của dòng sông này.

 

Dòng chảy sông Hồng bị thu hẹp đáng kể khi vào Việt Nam - ảnh: Quang Duẩn

Ô nhiễm tất cả các nhánh sông thượng nguồn

Năm 2005, Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN-PTNT) được giao nhiệm vụ xây dựng mạng giám sát nguồn nước sông Hồng, trong đó tiến hành giám sát 6 con sông chảy từ Trung Quốc vào VN tại các vị trí tương ứng: sông Đà tại Mường Tè (Lai Châu); sông Nậm Na tại cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ, Lai Châu); sông Hồng tại hạ lưu cầu Cốc Lếu (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai); sông Lô tại cầu treo Ba Hán (Vị Xuyên, Hà Giang); sông Nho Quế tại cầu Tràng Hương (Mèo Vạc, Hà Giang); sông Gâm tại thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc, Cao Bằng). Mỗi năm, Viện tiến hành khảo sát 4 đợt tại các vị trí này vào các tháng 2, 3, 5 và tháng 11, chủ yếu là các tháng mùa kiệt nhằm xác định chất lượng nước.

Theo ông Trịnh Xuân Hoàng, Trưởng phòng Môi trường, Viện Quy hoạch thủy lợi, sông Hồng là một trong những con sông lớn tại miền Bắc VN, kinh tế trên lưu vực sông Hồng tập trung phát triển rất mạnh mẽ, không chỉ diễn ra tại khu vực hạ lưu thuộc VN mà còn cả trên khu vực thượng lưu. “Những năm gần đây, đối với phần lãnh thổ VN, thời gian kiệt thường đến sớm và kéo dài hơn, lượng nước về ngày càng ít đi, gây ra những bất lợi đến môi trường và phát triển kinh tế”, ông Hoàng nói.

Cũng theo báo cáo của Viện này, chất lượng nước sông Hồng và các nhánh sông chảy từ Trung Quốc sang VN đã được cảnh báo có hiện tượng ô nhiễm từ năm 2009.

Từng tham gia phản biện một đề án nghiên cứu nước sông Lô tại Hà Giang đổi màu cách đây vài năm, PGS-TS Phạm Thị Minh Thư, Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên thiên thiên (khoa Kỹ thuật tài nguyên nước - ĐH Thủy lợi), cho biết: “Khi Sở TN-MT Hà Giang thấy có hiện tượng bất thường đã nhờ các nhà khoa học vào cuộc. Chúng tôi đã lấy mẫu nước và phân tích, kết quả trong nước có chứa chất sắt và ô-xít sắt rất cao. Từ đó đã tìm ra nguyên nhân ô nhiễm là do phía Trung Quốc khai thác mỏ quặng bauxite”. Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã có những khuyến cáo chính quyền địa phương. 

Đổi màu do phản ứng hóa học?

Nhiều loài cá đang có nguy cơ báo động đỏ

Theo kết quả điều tra của đề tài thủy sản khảo sát năm 2010 do Viện Quy hoạch thủy lợi cung cấp, trên sông Hồng có 104 loài cá cư trú. Tác động của ô nhiễm môi trường làm thay đổi hệ sinh thái khu vực thượng lưu và hạ lưu, ảnh hưởng đến các loài cá ở khu vực nước lợ và cá di cư. Trong số này, một số loài cá có khả năng bị tổn thương ở tốc độ nguy cấp như: cá mòi cờ hoa, cá cháy, cá lăng, cá lăng chấm, cá chày trắng, cá lăng chiên... đặc biệt là 2 loài cá được xếp hạng nguy cấp trong sách đỏ VN là cá mòi cờ và cá cháy.

GS-TS Vũ Tất Uyên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi, cho rằng sông Hồng đổi màu rất có thể do khai thác từ phía Trung Quốc. Ngày xưa, dòng sông Hồng không đổi màu là do mùa khô lượng nước còn khá nhiều, những thành phần ô nhiễm hòa vào nước nên không dễ thấy. Còn bây giờ, vào mùa khô, các hồ chứa nước bên Trung Quốc giữ nước lại, có thể lượng ô nhiễm vẫn thế hoặc nhiều hơn nhưng khi gặp dòng chảy lưu lượng nước ít, bằng mắt thường dễ nhận thấy ô nhiễm hơn. Về nguyên nhân khô cạn, GS-TS Vũ Tất Uyên nhận định: “Chắc chắn các hồ chứa nước bên Trung Quốc điều tiết ảnh hưởng đến lượng nước đổ về thượng nguồn VN”.

Còn ông Đào Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch Bắc Bộ (Viện Quy hoạch thủy lợi), cho biết do phía Trung Quốc quy hoạch xây dựng 28 công trình thủy điện, trong đó có 12 công trình đã được xây dựng; còn phía VN, các nhánh sông có từ 4 - 5 hồ chứa nhỏ; các hồ chứa lắng lại một phần lượng phù sa và tích nước lại nên dẫn đến nước sông những năm gần đây ngày một cạn kiệt.

Ngoài nguyên nhân chất thải gây ô nhiễm từ phía Trung Quốc đổ xuống, theo các giảng viên ĐH Thủy lợi, có thể nước sông Hồng khi gặp nước thải dân sinh gây ra phản ứng hóa học khiến nước sông Hồng tại Lào Cai, Yên Bái đổi màu. PGS-TS Phạm Thị Minh Thư lo ngại: “Cứ đà này, đến một lúc nào đó không còn nước sông Hồng để tưới tiêu, chứ chưa nói lấy nước sinh hoạt. Sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông Tô Lịch là bằng chứng rõ nhất về mức độ ô nhiễm. Tôi cho rằng, thông tin báo chí nêu là một lời cảnh báo để các cơ quan hữu quan phải xem lại”.

Cần có quy hoạch tổng thể cho sông Hồng

Ông Trịnh Xuân Hoàng cảnh báo: “Nước tích lại trên các đập khiến lượng nước về hạ lưu ít đi, làm giảm khả năng tự làm sạch của sông, cộng với nước thải khiến mức độ ô nhiễm tăng lên. Điều này tác động khôn lường đến sông Hồng như thay đổi giao thông thủy lợi, ảnh hưởng đến môi trường thủy sản, năng suất thủy sản, quá trình tiêu lũ, thay đổi chế độ bồi xói khu vực cửa sông...”. Ông Hoàng cho rằng, cần phải tiến hành đánh giá tác động của môi trường, các công trình chắn ngang dòng sông Hồng. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học chi tiết về chế độ thủy văn, thủy lực, chất lượng nước, sinh thái trên dòng sông Hồng. Còn theo bà Phạm Thị Minh Thư: “VN có ý kiến với Trung Quốc về ô nhiễm đầu nguồn sông là hoàn toàn đúng đắn”.

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Tuấn lại cho rằng, hiện nay các ngành hoạt động riêng rẽ, chưa gắn kết với nhau. Cần có quy hoạch tổng thể cho sông Hồng, trong đó có quy hoạch về điện, thủy lợi, tài nguyên môi trường... và các bên cùng phối hợp làm chính sách. Theo ông Tuấn: “Sông Hồng không chỉ mang lại nguồn lợi rất lớn đối với kinh tế xã hội vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nếu chúng ta không bắt tay bảo vệ sông Hồng từ bây giờ, e rằng trong tương lai nước ít đi, chất lượng nước suy giảm, cuộc sống người nông dân sẽ rất khó khăn. Chưa kể sự ô nhiễm môi trường sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe con người”.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.