Nói được, làm được ?

17/01/2013 03:00 GMT+7

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), cho hay bản thân ngành điện mong có lúc nào đó giá điện đi xuống, vì theo cơ chế thị trường, lúc thị trường lên, giá điện lên, lúc thị trường xuống giá điện cũng phải xuống.

Điều này có vẻ để đẹp lòng dư luận nhiều hơn tính khả thi trong thực tế.

Trước và sau khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, năm ngành điện kêu lỗ nặng cũng như năm công bố lãi khủng, giá điện cũng chỉ có một chiều đi lên thẳng đứng. Dù theo Quyết định 24 của Thủ tướng, giá điện có thể điều chỉnh (tăng hoặc giảm) 3 tháng/lần nếu giá nguyên liệu đầu vào, tỷ giá… có biến động.

Còn nhớ tháng 7.2012, khi điện tăng giá đợt đầu trong năm, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trao đổi với báo chí đã cho rằng, đáng lẽ không nên tăng giá điện mà ngược lại phải giảm giá điện. Vì 70% doanh nghiệp không hoạt động được, không dùng nhiều điện, thủy điện lại dồi dào, thừa điện, nguồn giá rẻ nhiều thì tội gì lại tăng giá điện. Và lần tăng giá cuối tháng 12.2012 của ngành điện cũng không hề hợp lý, khi xét tại thời điểm đó, EVN công bố con số lãi 3.500 - 4.000 tỉ đồng, và thực tế tập đoàn này đã lãi tới 6.000 tỉ đồng!

Bày tỏ băn khoăn về việc kêu lỗ đầu năm cuối năm lãi to, cũng như cơ chế lấy lãi năm nay bù lỗ năm trước, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách (Bộ KH-ĐT), cho rằng ngành điện cần được kiểm toán lại về cơ cấu giá thành. “Đừng lấy vào tiền tiêu dùng của người dân nhiều quá, trong khi thu nhập của người dân đang rất khó khăn. Ngành điện chậm chuyển sang được cơ chế thị trường, thiếu tính minh bạch khi EVN vẫn độc quyền, trở thành một cái ba lô quá nặng cho nền kinh tế và người dân”, TS Hồ nhìn nhận.

Lãnh đạo của EVN cũng khẳng định chưa có phương án điều chỉnh giá điện trong thời gian tới. Nhưng khả năng tăng giá gần như chắc chắn sẽ xảy ra, khi EVN tiếp tục đặt mục tiêu có lãi trong năm 2013 và không quên nhắc lại khoản nợ treo lên tới 34.000 tỉ đồng, trong đó có 26.000 tỉ đồng lỗ tỷ giá mà Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phân bổ vào giá điện các năm. Dư luận cũng chưa hề quên trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đã khẳng định, giá điện sắp tới chỉ có tăng không giảm, vì giá điện Việt Nam đang ở mức thấp. Vậy thực tế giá điện Việt Nam cao hay thấp? Dự hội nghị tổng kết ngành điện cách đây không lâu, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhắc nhở: giá điện hiện nay đã ở mức 7,2 cent/kWh, không phải là rẻ nữa.

Hơn 2.000 tỉ đồng tiền lãi thừa của năm 2012 (sau khi đã trích khoảng 4.000 tỉ đồng để bù lỗ cho năm 2011) đã được EVN phân bổ lại về các đơn vị. Không có lý gì khi lãi lớn, tiền lãi được chia về các đơn vị của tập đoàn, rồi đến khi lỗ, lại áp vào người tiêu dùng để tăng tiền điện. Luôn miệng đòi hỏi Chính phủ phải để giá điện vận hành theo thị trường, hơn ai hết ngành điện phải là người hiểu rõ nhất quy luật đã là thị trường phải có tăng, có giảm. Vấn đề người tiêu dùng mong chờ là lãnh đạo tập đoàn này có làm được như nói hay không!

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.